Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhiều lần nhắc nhở, thậm chí còn tuyên bố sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy tố hình sự các vi phạm về bán khống chứng khoán. Thế nhưng, thực tế các vi phạm vẫn cứ diễn ra.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhiều lần nhắc nhở, thậm chí còn tuyên bố sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy tố hình sự các vi phạm về bán khống chứng khoán. Thế nhưng, thực tế các vi phạm vẫn cứ diễn ra.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Ủy ban) ngày 11.10 đã ban hành quyết định xử phạt đối với hai nhân viên môi giới chứng khoán Nguyễn Viết Xuân và Phạm Thị Sương của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) mỗi người 85 triệu đồng. Hai cá nhân này đã cho khách mượn chứng khoán (CK) trên tài khoản của nhà đầu tư khác để bán. Ủy ban cũng phạt HSC 105 triệu đồng do thiếu giám sát, ngăn ngừa nhân viên, để xảy ra vi phạm. Ông Johan Nyvene - Tổng giám đốc HSC - cho biết ngay khi nhận được quyết định của ủy ban, công ty đã cho 2 nhân viên trên nghỉ việc. Hồi giữa tháng 9, ủy ban cũng đã xử phạt CTCK Đại Nam 250 triệu đồng vì đã cho khách hàng vay CK để bán. Ủy ban cũng phạt Công ty quản lý quỹ Lộc Việt 165 triệu đồng do công ty sử dụng tài khoản nhà đầu tư ủy thác để thực hiện hợp đồng mua bán lại, mua bán có kỳ hạn, hợp đồng tương lai đối với một số tổ chức, cá nhân và người có liên quan.
Việc tăng cường giám sát, xử lý bán khống sẽ giúp nhà đầu tư tăng niềm
tin đối với thị trường - Ảnh: Đ.N.Thạch
Nhiều nhà đầu tư cho rằng các vụ vi phạm bị phát hiện này chỉ là một phần nhỏ của thực tế. Bán khống là hoạt động bị cấm nên thông thường, hành vi này được các nhà đầu tư thỏa thuận ngầm với nhau. Tuy nhiên, để thực hiện được phải có bàn tay trung gian của nhân viên môi giới hoặc CTCK. Tổng giám đốc một CTCK tại TP.HCM phân tích: Khi CTCK làm trung gian, sẽ ký thỏa thuận với cả hai bên vay và bên cho vay CK.
Bên vay cũng phải ký quỹ một số tiền bởi nếu dự báo sai (bán khống là do người bán dự báo giá CK giảm nên bán trước và sau đó sẽ mua trả lại khi CP giảm về mức giá thấp hơn) thì tiền ký quỹ được sử dụng để thanh toán bù trừ. Nếu không có sự môi giới của các CTCK thì bản thân người đi vay khó có thể tìm được người có CK. Hơn nữa, nếu muốn có “kho hàng” đủ lớn và có nhiều hàng thì chỉ có thể là tài khoản tự doanh của CTCK, công ty đầu tư tài chính hoặc ở một số cổ đông lớn của các công ty niêm yết. Có một số nhân viên môi giới táo tợn còn có thể tự ý bán CK trong tài khoản của các thành viên HĐQT công ty niêm yết. Sau đó họ chờ thời điểm mua trả lại.
Trong trường hợp vi phạm của hai nhân viên môi giới ở HSC, sự việc chỉ vỡ lở khi nhà đầu tư và nhân viên môi giới xảy ra tranh chấp. Theo ông Johan Nyvene, nhà đầu tư không nên thỏa thuận thực hiện những giao dịch mà cơ quan quản lý chưa cho phép hay có thỏa thuận riêng, chi trả hoa hồng riêng… cho nhân viên môi giới. Vì khi có tranh chấp xảy ra thì bản thân nhà đầu tư phải gánh chịu mọi rủi ro.
Dù mức phạt dành cho hai nhân viên của HSC hay CTCK Đại Nam khá cao nhưng theo nhiều nhà đầu tư, số tiền xử phạt này vẫn chưa đủ để răn đe. TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng (Trường ĐH Mở TP.HCM) - nhận định nếu cơ quan giám sát thị trường tăng cường giám sát, kiểm tra ngay những giao dịch bất thường trên tài khoản của các cổ đông nội bộ, những người có liên quan đến các thành viên HĐQT, ban lãnh đạo của công ty niêm yết… thì sẽ hạn chế được tình trạng bán khống. Khi đã phát hiện cá nhân hoặc tổ chức vi phạm, cần xử phạt thật nặng và nghiêm minh để làm gương.
TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) - cho rằng việc nhiều CTCK còn sử dụng tài khoản tổng (CTCK cho phép nhà đầu tư nộp và rút tiền tại ngay chính công ty mà không thông qua tài khoản tiền cá nhân ở ngân hàng) là cơ hội để thực hiện bán khống mà khó bị phát hiện. Do đó, ngoài việc kiểm tra giám sát, UBCKNN phải xử lý nghiêm những công ty chưa thực hiện tách bạch hoàn toàn tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư. Quy định này đã có từ lâu nhưng hiện tại vẫn còn hơn 80% CTCK chưa thực hiện.
Mai Phương
Theo Thanhnien