Sự kiện hot
12 năm trước

"Cần siết chặt các điều kiện nhập cư vào Hà Nội"

“Tôi xin được chuyển tải mong muốn của người dân là được Quốc hội thông qua dự án Luật thủ đô tại kỳ họp này. Tôi nhất trí với quy định siết chặt các điều kiện nhập cư vào nội thành".

“Tôi xin được chuyển tải mong muốn của người dân là được Quốc hội thông qua dự án Luật thủ đô tại kỳ họp này. Tôi nhất trí với quy định siết chặt các điều kiện nhập cư vào nội thành".

Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) phát biểu trong phiên Quốc hội thảo luận về nội dung dự án Luật thủ đô sáng 5-11. Ông nói thêm: "Việc này không trái với Luật cư trú, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”.


"Cần làm rõ thủ đô đặt tại Hà Nội hay Hà Nội là thủ đô"- câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) trong phiên Quốc hội thảo luận về nội dung dự án Luật thủ đô sáng 5-11 - Ảnh: Gia Tiến

“Cần làm rõ thủ đô đặt tại Hà Nội hay Hà Nội là thủ đô, nếu Hà Nội là thủ đô thì hai khái niệm này sẽ đồng nhất, làm rõ được phạm trù này sẽ dễ dàng trong việc thiết kế nội dung Luật thủ đô. Nếu Hà Nội là thủ đô thì nên nghiên cứu bộ máy hành chính phù hợp, ví dụ người đứng đầu chính quyền TP sẽ là thị trưởng hoặc đô trưởng” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói.

“Mong muốn thông qua”

Phát biểu tại hội trường, các đại biểu Hà Nội đều mong muốn Quốc hội thông qua Luật thủ đô tại kỳ họp này.

“Thủ đô là trung tâm chính trị, nơi có trụ sở của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và ngoại giao đoàn của các nước, nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, là bộ mặt của quốc gia. Vì vậy, việc ban hành chính sách đặc thù cho thủ đô là cần thiết” - đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội) nói.

Ông Thi cũng “đồng ý là phải có nhiều biện pháp kinh tế - xã hội để tổ chức dân cư hợp lý, nhưng trong hoàn cảnh như hiện nay thì cần phải quy định chặt chẽ điều kiện nhập cư vào các quận nội thành. Nhất trí với dự thảo luật quy định người có việc làm ổn định, có 3 năm tạm trú tại một nơi, có nhà ở hoặc nhà thuê của tổ chức kinh doanh nhà và tối thiểu diện tích mặt sàn phải 5m2/người. Thủ đô cũng cần có cơ chế tài chính riêng”.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) thì nói: “Tôi xin được chuyển tải mong muốn của người dân là được Quốc hội thông qua dự án Luật thủ đô tại kỳ họp này”. Đại biểu Chung cũng “nhất trí với quy định siết chặt các điều kiện nhập cư vào nội thành. Việc quy định này không trái với Luật cư trú, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”.

Ông Chung phân tích rằng số dân tạm trú trên địa bàn TP Hà Nội đã gần 1 triệu người. Việc tăng dân số quá nhanh sẽ gây khó khăn cho chính quyền trong việc đầu tư xây dựng khu vui chơi, giải trí, trường học, bệnh viện, giao thông... Tình trạng quá tải về dân số cũng gây quá tải cho chính cuộc sống của người dân, làm giảm chất lượng cuộc sống của chính người dân. Cạnh đó thì việc siết nhập cư cũng để đảm bảo cho công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Băn khoăn

Ý kiến băn khoăn về nội dung dự án Luật thủ đô lại đến từ phát biểu của các đại biểu địa phương khác, mặc dù tất cả đều nói rằng họ yêu mến thủ đô và mong muốn có một đạo luật xứng tầm với Hà Nội - trái tim của cả nước.

“Nội dung luật còn mỏng, chưa tương xứng với kỳ vọng và mong muốn” - đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) bình luận. Ông Thành cho rằng thủ đô có chức năng riêng, cần phải nghiên cứu làm rõ nội hàm này. Ông Thành đồng tình với quy định siết chặt cư trú và đề nghị cần có thêm những quy định về quản lý người tạm cư, bởi trong những năm vừa qua sức ép gia tăng dân số cơ học rất lớn.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhận xét “dự thảo vẫn còn mang nặng bóng dáng của một nghị quyết mang tính mệnh lệnh, chung chung hơn là một đạo luật khả thi. Có tới 15 điều luật có từ “phải” như là mệnh lệnh. Các quy định vẫn chung chung, thiếu cụ thể”.

Ông Nhân phân tích: “Có quy định thiếu cụ thể như việc di dời một số cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở kinh tế... ra ngoại thành. Một số là bao nhiêu? Bao giờ sẽ thực hiện xong? Đọc những điều luật thế này rất khó hình dung ra diện mạo thủ đô sau khi luật được thông qua”. Ông cho rằng thu phí, xử phạt cao hơn có thể là biện pháp chế tài cứng rắn, nhưng đây không phải là giải pháp tối ưu. Tiền lương, tiền công không tăng lên được thì lấy đâu để bù đắp những khoản chi tăng lên? Người dân sẽ thấy thiếu công bằng. Luật này không nên trái quy định của Luật cư trú. Tại sao người ta lại đổ dồn về thủ đô? Cần phải nói rằng quy hoạch về vùng thủ đô không tốt.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói thẳng: “Đọc dự thảo luật, tôi vẫn chưa thấy được những chính sách đặc thù cho riêng thủ đô. Dự thảo đưa ra các quy định về dân cư, đất đai, môi trường, giao thông... thì đều là những vấn đề chung của các đô thị lớn, chứ không phải của riêng thủ đô. Tôi cho rằng dự luật cần làm rõ bộ máy chính quyền của thủ đô, phân biệt bộ máy chính quyền thủ đô với địa phương khác. Có làm được như vậy thì mới rõ được đặc thù của Hà Nội với tư cách một thủ đô và Hà Nội với tư cách là một TP, đô thị như các TP lớn khác”.

Ông Vinh cũng cho rằng một khi Hà Nội vẫn còn tình trạng giao thông lộn xộn, kẹt xe, ô nhiễm môi trường... thì không thể quy định mức phí cao hơn nơi khác. “Siết chặt điều kiện cư trú là bước thụt lùi của việc xây dựng luật, ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của nhân dân” - ông Vinh bình luận.

Lê Kiên
theo TTO

Từ khóa: