Sự kiện hot
12 năm trước

Cần Thơ gạo trắng nước trong

Là đầu mối giao thông quan trọng của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, được bao quanh bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt, Cần Thơ sở hữu một đời sống văn hóa sông nước riêng vô cùng đặc trưng. Nơi đây, ghe thuyền là phương tiện di chuyển phổ biến của người dân. Chính vì đặc trưng này mà chợ nổi đã dần hình thành, và trở thành một biểu tượng của vùng.

Là đầu mối giao thông quan trọng của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, được bao quanh bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt, Cần Thơ sở hữu một đời sống văn hóa sông nước riêng vô cùng đặc trưng. Nơi đây, ghe thuyền là phương tiện di chuyển phổ biến của người dân. Chính vì đặc trưng này mà chợ nổi đã dần hình thành, và trở thành một biểu tượng của vùng.


Cần Thơ - vùng sông nước

Thành phố sông nước hữu tình

Chợ nổi Cái Răng của Cần Thơ là chợ nổi lớn nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chợ nằm ở gần cầu Cái Răng, cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 6km. Từ bến Ninh Kiều, bạn có thể thuê một chiếc ghe nhỏ và mất khoảng hơn 30 phút là ra đến chợ. Chợ họp từ tờ mờ sáng đến khoảng 9 – 10 giờ thì tan. Đến thăm chợ vào khoảng 7 – 8 giờ sáng là khoảng thời gian đẹp nhất, đó là lúc bạn có thể chứng kiến hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ mua bán nhộn nhịp khắp một khúc sông dài.

Một chi tiết rất đặc biệt của chợ nổi đó là cây bẹo, một cây tre dài cắm ở trước mũi của mỗi thuyền buôn, trên đó treo những cây trái điển hình, thông báo loại cây trái đang được bán trên thuyền. Từ xa nhìn thấy cây bẹo, người mua có thể biết nơi nào bán thứ nông sản mình cần để tìm đến mua. Chính những cây bẹo với rất nhiều loại cây trái khác nhau này đã tạo nên một nét riêng vô cùng thú vị cho chợ nổi.

Chợ Cái Răng là nguồn tiêu thụ và phân phối chính các đặc sản cây trái nông sản của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn. Len lỏi thuyền đi trong chợ, bạn sẽ vô cùng thích thú khi nhìn thấy những vựa nhãn, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt.. tràn ngập trong ngoài. Bên cạnh đó, cũng có những thuyền nhỏ bán thức ăn, bán đồ gia dụng, bán nước giải khát.. Nói chung, chợ trên đất liền có gì, chợ nổi trên sông có cái đó, không thiếu gì cả từ vật dụng lớn và nặng nề cho đến cây kim sợi chỉ. Khi tham quan chợ, bạn đừng quên ghé lại một sạp trái cây để mua ít trái cây tươi ngon thưởng thức, trò chuyện với những con người sông nước, để hiểu thêm cuộc sống của người dân xứ này.

Tiếp tục chuyến hành trình, bạn có thể len lỏi vào những kênh rạch nhỏ để tham quan những vườn cây ăn quả ở đây. Được phù sa sông Hậu quanh năm bồi đắp, những vườn cây ăn quả ở vùng sông nước Cần Thơ cho trái quanh năm. Thật thích thú khi tận mắt chứng kiến những trái sầu riêng trĩu trịt trên cành, những cây măng cụt, vú sữa trĩu quả, những cây mận trái chín đỏ cây. Nhiều nhà vườn mở cửa thoải mái, bạn có thể vào tự tay hái trái rồi ra cân tính tiền.


Những trái sầu riêng trĩu trịt trên cành

Người Cần Thơ rất chân chất và niềm nở. Bạn có thể ngồi lại vườn, uống tách trà nóng pha mật ong, trò chuyện với chủ vườn, tìm hiểu thêm về đời sống của các loại cây ăn quả, về con nước lớn nước ròng, để thêm yêu miền đất nơi đây. Nằm trên chiếc võng đong đưa dưới tán cây mát rượi trong một khu vườn xanh mướt, nghe điệu đờn ca tài tử ngọt ngào của các nghệ nhân miệt vườn, nhâm nhi đĩa trái cây tươi ngọt, không còn gì có thể hạnh phúc hơn.

Nhiều công trình kiến trúc cổ giá trị

Không chỉ có sông nước hữu tình, Cần Thơ còn là một trong những vùng đất lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều ngôi đình cổ, chùa cổ, nhà cổ trên trăm năm tuổi tuyệt đẹp vẫn được bảo tồn cẩn thận cho đến ngày nay, đặc biệt là ngôi đình cổ và nhà cổ Bình Thủy.

Đình cổ Bình Thủy, còn gọi là Long Tuyền cổ miếu, được xây dựng từ năm 1844 là một công trình có giá trị về truyền thống, văn hóa, kiến trúc của người Việt từ thời khẩn khoang vùng đất Nam Bộ. Sau lần xây dựng đầu tiên, đình còn được xây dựng lại hai lần. Một lần vào năm 1852, sau khi đình được vua Tự Đức phong danh “Bổn cảnh Thành Hoàng”, người dân góp tiền lại xây mới. Lần thứ hai vào năm 1909, khi ngôi đình đã qua cũ và yếu, những người giàu có trong vùng đã đóng góp tiền xây dựng ngôi đình mới hoàn toàn cho đến ngày nay. Tuy lần xây dựng sau cùng vào khoảng đầu thế kỷ 20, nhưng kiến trúc của đình mang nhiều yếu tố độc đáo của kiến trúc cổ truyền nước ta từ xa xưa như chạm khắc trên gỗ, lối xây dựng đăng đối hài hòa, các họa tiết vô cùng sinh động kể về đời sống con người, mô tả cây cỏ thiên nhiên và vạn vật ở miền Nam.

Không chỉ là nơi thờ các vị bổn cảnh thần làng, những người anh hùng, những vị chức sắc có công với xứ sở, quê hương, đình còn là nơi hội họp dân làng trong những dịp quan trọng, là nơi giao lưu văn hóa, gửi gắm tâm tư nguyện vọng của người dân địa phương cũng như du khách thập phương.

Trong làng Bình Thủy còn có một công trình cổ giá trị mà bất cứ ai đến với Cần Thơ cũng nghe danh tiếng và muốn một lần được ghé thăm. Đó là nhà cổ Bình Thủy. Có thể nói đây là ngôi nhà cổ đẹp nhất xứ sở Tây Đô cũng như của cả miền Tây. Được xây dựng từ năm 1807, ngôi nhà với lối kiến trúc kiểu Pháp vô cùng tao nhã, sang trọng và tinh tế. Mặt ngoài  được trang trí bằng nhiều chi tiết tinh xảo với những ô cửa lớn đón nắng, tạo thêm vẻ quý phái cho căn nhà. Bên trong là lối kiến trúc đậm chất Nam Bộ với mái nhà cao, khán thờ trang trọng đặt giữa gian nhà chính cùng các bao lơn bằng gỗ giá trị. Nơi đây còn là một bảo tàng mở với muôn vàn những cổ vật quý giá như bàn ghế, tủ, máy đĩa nghe nhạc, chén bát kiểu.. của dòng họ Dương, chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà. Năm 2009, ngôi nhà đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhà cổ Bình Thủy cũng đã được chọn làm bối cảnh cho bộ phim “Người đẹp Tây Đô”, là một bộ phim hấp dẫn nói về đời sống của con người Nam Bộ thời trước.

Cần Thơ không chỉ đẹp và bình yên, mà còn là một vùng đất của lịch sử, văn hóa và truyền thống lâu đời, khiến cho ai cũng muốn được một lần ghé đến.

Theo VTR

Từ khóa: