Sự kiện hot
6 năm trước

Cẩn trọng với "thuốc gia truyền" bán trên mạng kẻo tiền mất tật mang

Dù đa số “thần dược” đều không ghi rõ thành phần, nguồn gốc xuất xứ nhưng nhiều người vẫn tìm mua do quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương”.

Thời gian qua, mạng xã hội Facebook tràn lan quảng cáo các cơ sở chuyên bán đủ loại thuốc gia truyền trị dứt nhiều bệnh như sâu răng, hôi nách, đau dạ dày, viêm xoang, viêm da... trong thời gian ngắn. Dù đa số các “thần dược” đều không ghi rõ thành phần, nguồn gốc xuất xứ nhưng bằng những lời quảng cáo “câu view câu like”nhiều người vẫn tin tưởng tìm mua.

Muôn vàn “thần dược” trên mạng

Dành thời gian đăng nhập vào Facebook, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy vô số các tài khoản chuyên bán thuốc gia truyền chuyên trị các bệnh mạn tính như “ Thuốc đa năng đông y gia truyền bà Vân”, “Thảo dược Đông y giảm cân bà Dung”, “Thuốc điều kinh gia truyền bà Bục”… Không chỉ riêng Facebook, trên các mạng Zalo, Viber cũng có khá nhiều quảng cáo bán các loại thuốc được gọi là “ thuốc gia truyền” trên.

  Thuốc đông y dạng viên được đóng hộp, bày bán tràn lan. (Ảnh: Từ một địa chỉ bán thuốc đông y)
Thuốc đông y dạng viên được đóng hộp, bày bán tràn lan. (Ảnh: Từ một địa chỉ bán thuốc đông y)

Để tìm hiểu, phóng viên đã truy cập vào trang Facebook có tên “Thuốc đa năng đông y gia truyền bà Vân” và nhìn thấy vô số lời quảng cáo kèm theo hình ảnh minh họa cam kết sẽ trị dứt các bệnh về da trong một thời gian ngắn …

Hay một trang khác có tên “Thuốc nam chữa đau dạ dày Mẫu Y” với những lời quảng cáo bài thuốc có tác dụng đặc trị cũng lời cam kết sẽ hoàn tiền lại nếu sau 14 ngày không hiệu quả. Để lại số điện thoại của mình, chúng tôi nhận được cuộc gọi của một người đàn ông giới thiệu là nhân viên của nhà thuốc ở tại Thái Nguyên nhưng điều đáng chú ý là địa chỉ trên fanpage quảng cáo lại ở Hà Nội. Theo người đàn ông này, đây là bài thuốc đông y gia truyền điều chế dưới dạng bột. Thông thường những người bị dạ dày thì sẽ điều trị trong vòng 1 tháng. Bên mình cam kết sẽ khỏi dứt điểm...”.

Tuy nhiên, điều mà PV băn khoăn rằng: Mặc dù đã được cam kết nhưng liệu một lọ thuốc vài trăm nghìn như thế có chữa được dứt điểm những bệnh mà lẽ ra phải mất cả tiền chục triệu đồng mới chữa khỏi hay không?

Lần sang một số tài khoản chuyên bán thuốc gia truyền khác, chúng tôi nhận thấy các trang này đều quảng cáo này có hình thức gọi điện thoại tư vấn chữa bệnh cho khách hàng của các nhân viên đều giống y nhau. Người gọi điện thoại tư vấn sản phẩm đều không nói chi tiết thành phần thuốc cũng như giới thiệu về lương y bào chế.

Đừng vội tin các lời đồn thổi về thuốc bán trên mạng

Chia sẻ trên tờ báo Người Tiêu dùng, anh Trần Quốc Việt (quê Đắk Lắk) cho biết: “Tôi bị viêm xoang đã 2 năm nay, căn bệnh khiến tôi khổ sở bởi tình trạng nghẹt mũi thường xuyên, có đêm nằm ngủ tôi phải dùng miệng để… thở. Nhất là những khi trở trời, chiếc mũi của tôi lại như “máy dự báo thời tiết vậy. Tôi thấy chia sẻ của một bạn trên facebook về một bài thuốc có thể chữa dứt điểm căn bệnh này. Tôi đánh liều để lại số điện thoại. Chưa đầy 10 phút sau, có người tự nhận là lương y ở phòng mạch và hỏi tôi có phải đang cần thuốc chữa trị bệnh viêm xoang. Sau một loạt những câu hỏi về bệnh tình, người tự nhận là lương y này khẳng định có thể chữa khỏi bệnh cho tôi chỉ trong 1 liệu trình (30 ngày)”.

Sau khi nhận thuốc, trên bao bì không ghi rõ địa chỉ phòng khám mà chỉ ghi đơn giản: “Phòng khám nằm ở quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội”. Và trên đó cũng không có tên lương y kê đơn, thành phần thuốc, đặc biệt không có hướng dẫn sử dụng. Sau một liệu trình điều trị, căn bệnh viêm xoang của anh Việt vẫn không có biểu hiện khá lên. “Tôi quyết định gọi điện thoại đến phòng mạch để được hướng dẫn thì nhận được câu trả lời: “Anh chưa sử dụng thuốc đúng cách và cần phải sử dụng tiếp một liệu trình nữa mới hiệu quả” - anh Việt nói tiếp.

“Đâm lao theo lao”, anh Việt quyết định một lần nữa tin lời vị lương y mà mình chỉ được biết qua điện thoại. Thế nhưng, sau khi dùng hết 2 liệu trình (60 ngày) căn bệnh viêm xoang của anh không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng thêm.

Báo Người Tiêu dùng cũng dẫn lời của lương y Trần Quang Việt- nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Bình Tân cho biết: “Việc một số người lạm dụng mạng xã hội để quảng cáo những bài thuốc gia truyền là không hiếm. Bên cạnh những bài thuốc hiệu quả vẫn còn những bài thuốc không rõ nguồn gốc và tất nhiên không có hiệu quả”.

Về vấn đề nhiều người tự nhận là lương y thường xuyên thăm khám và hốt thuốc cho bệnh nhân qua… điện thoại, lương y Trần Quang Việt cho rằng đây là điều cấm kỵ. Bởi cơ địa của mỗi người là khác nhau và tùy căn bệnh mà có nhiều thể bệnh khác nhau. Nếu muốn biết chính xác tình trạng bệnh của bệnh nhân thì cần gặp trực tiếp, nhất là điều trị theo Đông y thì càng phải cẩn thận trong việc thăm khám.

Lương y Trần Quang Việt đưa ra lời khuyên: Người dân nên thận trọng, đừng vội tin các lời đồn thổi về những bài thuốc không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên mạng xã hội. Khi bị bệnh, tốt nhất nên tìm đến những nơi có uy tín lâu năm; những phòng mạch có giấy phép hành nghề, các bệnh viện đông y để được bắt mạch, kê đơn.

Cùng vấn đề trên, báo Văn hóa điện tử thông tin: Có một điều rất dễ nhận thấy là tất cả các thuốc đông y bày bán trên mạng này đều lấy danh nghĩa là “đông y gia truyền” của Bà X, bà Y, ông Z với những lời quảng cáo đông y gia truyền nhiều đời để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Thuốc đông y là loại thuốc lành tính, được người Việt Nam ưa sử dụng nên tạo niềm tin không nhỏ cho người dùng. Tuy nhiên, các loại thuốc được quảng cáo tràn lan, không rõ nguồn gốc xuất xứ, được rao bán theo hình thức đa cấp mà người bán không hề có kiến thức về thuốc thuộc đủ các thành phần từ công nhân, công chức, viên chức đến bà bán trà đá vỉa hè thì thực sự nguy hiểm cho người sử dụng.

Theo quy định của pháp luật, để được chứng nhận là cơ sở đông y gia truyền thì cơ sở đó phải có 3 đời làm nghề đông y, được trạm y tế, chính quyền địa phương xác nhận, sau đó Sở Y tế cấp phép, cấp giấy chứng nhận lưu hành thì mới đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Do đó, tình trạng người người bán thuốc đang là mối nguy lớn cho người bệnh.

Trao đổi với tờ báo này, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu BV Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết: BV đã tiếp nhận không ít bệnh nhân đến cấp cứu do bị ngộ độc thuốc Đông y. Điều đáng nói là những bệnh nhân này đều mua thuốc từ những thầy lang vườn, qua quảng cáo trên mạng, giới thiệu từ người quen. Không ít người đã phải trả giá vì bị ngộ độc, tổn thương da toàn thân, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận cấp có thể dẫn đến tử vong”.

Mai Quỳnh (Tổng hợp)
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: