Phải nói một cách đầy đủ rằng Bitcoin (thường được ký hiệu là BTC) không phải là một loại tiền tệ theo những hình thái tiền tệ mà chúng ta từng biết và sử dụng.
Cần ứng xử đúng với Bitcoin
Tiền tệ hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những vật được sử dụng để làm thước đo giá trị, phương tiện thanh toán, trao đổi và lưu trữ; hiểu theo nghĩa hẹp là tiền pháp định, đồng tiền của quốc gia được ghi rõ trong Hiến pháp và bảo hộ bởi nhà nước.
Chỉ có giá trị khi còn lòng tin
Tiền pháp định (thường gồm giấy bạc và tiền xu) được phát hành bởi ngân hàng trung ương của một quốc gia (Việt Nam gọi là Ngân hàng Nhà nước - NHNN) với một khối lượng phù hợp trong các điều kiện kinh tế vĩ mô của quốc gia đó vào từng thời điểm cụ thể.
Nếu xét theo khía cạnh này thì rõ ràng, BTC không phải là một đồng tiền. Bởi lẽ, BTC được tạo ra từ mạng máy tính của những người tham gia đào BTC trên toàn thế giới. Cứ trung bình mỗi 10 phút thì có một lượng BTC được tạo ra mà không ai có thể can thiệp vào được quy trình này, kể cả cha đẻ của nó, được biết dưới tên gọi Satoshi Nakamoto. Ngoại trừ, nó được lập trình sẵn từ trước để cứ mỗi 4 năm thì số lượng BTC được tạo ra trong 10 phút sẽ giảm đi một nữa. Đến năm 2041, sẽ có tổng cộng 21 triệu BTC được đào và sau đó sẽ không còn thêm đồng BTC nào khác nữa.
Cũng có quan điểm cho rằng BTC là một đồng tiền vì nó có nhiều tính chất giống như vàng. Thậm chí, có người còn nói rằng BTC chính là vàng 2.0. Tôi cho rằng điều này không hoàn toàn đúng. Vàng là một loại hàng hóa rất đặc biệt, vừa là kim loại quý lại vừa là một đồng tiền (vàng xuất hiện trên các bảng niêm yết tỉ giá hối đoái với ký hiệu là XAU). Trong quá khứ, vàng từng được sử dụng với tư cách là một loại tiền tệ phổ biến vì tự thân mang giá trị do các đặc điểm vật chất quý giá mà nó có được. Vì vậy, nó được gọi là tiền giá trị.
Một dàn máy đào Bitcoin được rao bán ở TP HCM Ảnh: THY THƠ
Chính sự khan hiếm sẽ làm tăng giá trị BTC và càng khuyến khích nhiều người tham gia thị trường này do giá trị kỳ vọng của nó trong tương lai sẽ cao hơn hiện tại. Thế nhưng, cũng chính đặc điểm này của BTC sẽ tước đi vai trò tiền tệ của nó. Bởi lẽ, BTC sẽ lại giẫm vào "vết xe đổ" của chế độ bản vị vàng khi sự khan hiếm vàng đã tạo ra những hạn chế trong việc điều hành chính sách tiền tệ và cản trở hoạt động kinh tế của các quốc gia. Vì vậy, vàng nhanh chóng bị loại bỏ và nhường lại vai trò tiền tệ cho các đồng tiền pháp định.
Người ta chấp nhận một vật nào đó như một đồng tiền hoặc là do pháp luật định rõ và bảo vệ (tiền pháp định) hoặc do vật đó có giá trị tự thân của nó (như vàng, bạc, bạch kim hoặc thậm chí là các coupon trả thưởng hay vé khuyến mãi). BTC chắc chắn không phải là một đồng tiền pháp định, cũng không mang giá trị tự thân. Sở dĩ BTC có giá trị là do người ta tin vào hệ thống máy tính và các nguyên lý toán học tạo ra BTC. Vậy suy cho cùng, BTC có giá trị cũng là dựa trên lòng tin.
Trong khi đó, BTC được cho là một ý tưởng tiền tệ có tính cách mạng vì nó giải được bài toán lòng tin trong các giao dịch kinh tế. Như vậy, chính bản thân BTC cũng đang chứa nhiều mâu thuẫn và tranh cãi về đặc điểm, bản chất và vai trò của nó. Cho nên, không thể xem BTC như là một hình thái tiền tệ dù là theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, ít nhất là cho đến thời điểm này.
Hiện nay, nhiều người gọi BTC là tiền ảo. Tôi cho rằng quan niệm và gọi như vậy là không chính xác. Về mặt ngữ nghĩa, "ảo" là cái gì đó giả hoặc là không có thực. Với BTC, cả hai nghĩa này đều không đúng.
Thường khái niệm tiền ảo được sử dụng phổ biến hiện nay để chỉ tiền trong các trò chơi điện tử, chủ yếu là các trò chơi trực tuyến có mua bán vật phẩm ảo hoặc tiền ảo trong các hệ thống giao dịch ngoại tệ, chứng khoán theo nguyên tắc mô phỏng. Nói cách khác, nếu BTC là một đồng tiền ảo thì người ta không thể sử dụng nó để mua được hàng hóa thật, từ bánh pizza cho đến chiếc Lamborghini.
Tham vọng của Bitcoin
Với những người tạo ra BTC, họ không chỉ tạo ra một đồng tiền mà hơn thế nữa, còn tạo ra tương lai. BTC được tạo ra để khắc phục những hạn chế hoặc thậm chí là bước qua những giới hạn của hệ thống tiền tệ hiện tại mà chúng ta đang sử dụng. BTC hiểu theo nghĩa hẹp là một đồng tiền nhưng theo nghĩa rộng là cả một hệ thống giao dịch và phân phối tiền tệ có quy mô toàn cầu với nhiều đặc tính ưu việt mà không có hệ thống tiền tệ nào hiện nay làm được.
Người này có thể chuyển BTC cho người khác mà không bị hạn chế bởi rào cản pháp lý, kiểm soát vốn, quy mô giao dịch, địa điểm và thời gian. Đặc biệt, việc chuyển tiền này cũng không cần bất kỳ một định chế tài chính nào đứng ra làm trung gian thanh toán, vì vậy mà chi phí giao dịch hầu như bằng không. Đây thực sự là một bước đột phá có tính cách mạng trong lịch sử kinh tế khi hai bên tham gia có thể trực tiếp giao dịch với nhau mà có thể bỏ qua khái niệm "lòng tin" vì không còn rủi ro tín dụng. Có được điều này là do các thuật toán của hệ thống máy tính ngang hàng (peer to peer) của những người tham gia giao dịch BTC tạo ra.
Không một ai, công ty hoặc tổ chức nào, thậm chí là chính phủ các nước, có thể điều hành hoặc chi phối được BTC. Vì vậy, vai trò của ngân hàng trung ương là không còn cần thiết nữa nếu như BTC thành một loại tiền tệ chính thức.
Những người tham gia giao dịch BTC không cần mở tài khoản ngân hàng, không cần cung cấp thông tin cá nhân, cái duy nhất cần là một username và password. Vì vậy, các giao dịch BTC là hoàn toàn riêng tư và bảo mật.
Ngoài ra, BTC còn có những ưu điểm như không tốn chi phí cho việc in và phát hành, không thể bị làm giả, ít nguy hiểm cho các cửa hàng chấp nhận thanh toán nó do những giao dịch này không thể bị hủy bỏ hoặc bồi hoàn. BTC còn là đồng tiền thông minh nên có thể được lập trình để tự kích hoạt các cơ chế chống tham nhũng hoặc lừa đảo.
Hành động kịp thời
Như vậy, cho đến nay, người ta vẫn còn tranh cãi về bản chất tiền tệ của BTC và có nên chấp nhận nó một cách chính thức trong các giao dịch thanh toán hay không. Điều đó có nghĩa là thế giới vẫn còn chưa tìm ra, hay nói đúng hơn là chưa thống nhất, trong việc ứng xử với hình thái tiền tệ đặc biệt này.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo và tiền điện tử. Tôi cho rằng bước đi này của Chính phủ là một sự chuẩn bị hết sức cần thiết, kịp thời và phù hợp để đón đầu, từng bước tạo hành lang pháp lý trong việc ứng xử với các loại tài sản và đồng tiền công nghệ trong tương lai. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng phê duyệt Đề án nghiên cứu về BTC và thừa nhận BTC là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Nói cách khác, không có gì bảo đảm rằng Chính phủ sẽ thừa nhận và bảo hộ cho BTC trong tương lai khi đề án này được hoàn thiện, triển khai. Trong tuyên bố mới đây, NHNN cũng đã một lần nữa khẳng định lại quan điểm (từ năm 2014) không công nhận BTC là một loại tiền tệ.
Tôi hoàn toàn ủng hộ cách ứng xử này của Chính phủ và NHNN đối với BTC. Bởi lẽ, hệ thống tài chính, năng lực điều hành chính sách tiền tệ, hành vi của công chúng, thông lệ và kinh nghiệm từ quốc tế, tất cả đều chưa sẵn sàng cho đồng tiền công nghệ này. Không thể đánh đổi những rủi ro vô cùng lớn của sự ổn định vĩ mô để chạy đua với các nước trong việc đón đầu làn sóng công nghệ 4.0 một cách đầy mạo hiểm như vậy.
Có thể nói rằng nếu BTC là một phần mềm thì hệ thống tài chính và luật pháp hiện tại có vai trò như một hệ điều hành. Nhưng BTC là một phần mềm của tương lai. Lấy một phần mềm của tương lai để vận hành trên một hệ điều hành cũ thì chắc chắn nó sẽ không hiệu quả, thậm chí còn làm tê liệt cả hệ thống.
Chưa có phương án xử lý máy đào Bitcoin nhập khẩu
Ông Nguyễn Thanh Tuyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh - Cục Hải quan TP HCM, cho biết sau hơn một tuần gửi công văn xin ý kiến Tổng cục Hải quan, đơn vị này vẫn chưa nhận được phương án giải quyết lô thiết bị xử lý dữ liệu tự động Bitmain (máy đào tiền BTC) do một doanh nghiệp nhập về vào tuần trước.
Theo ông Tuyền, sau khi tiếp nhận thông tin một đơn vị nhập khẩu có trụ sở ở quận 1, TP HCM đăng ký tờ khai hải quan để nhận một lô hàng gồm 100 máy đào tiền BTC, chi cục nhận thấy đây là mặt hàng mới, chưa có thông tin và chính sách quản lý nên đã xin ý kiến Tổng cục Hải quan. Tổng cục Hải quan cũng chưa từng cho nhập khẩu mặt hàng này nên tiếp tục xin ý kiến NHNN, Bộ Công Thương... để có hướng dẫn tổng hợp xử lý.
Theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, mặt hàng máy xử lý dữ liệu tự động giải mã BTC, Litecoin thuộc diện quản lý chuyên ngành nhưng lại chưa có quy định về thủ tục, điều kiện và hình thức quản lý. Vì thế, không rõ chúng thuộc đối tượng phải có giấy phép nhập khẩu hay nhập khẩu có điều kiện.
Máy đào BTC là máy xử lý dữ liệu tự động của nhà sản xuất Bitmain, Antminer L3+ được lắp đặt từ chip đồ họa để phục vụ chính cho việc giải mã hệ thống chuỗi SHA256, thị trường gọi là BTC.
PGS-TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO (Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM)
Theo Người lao động