Ảnh minh họa: Internet
Từ vài năm trước, người dân đã vui mừng với thông tin cảnh báo sự nguy hại khi hút thuốc lá ở trên mỗi bao thuốc không những có tác dụng giảm sức tiêu thụ thuốc lá đến 8,9%, mà còn là tin vui vì bệnh tật sẽ giảm.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam cho biết, sinh thời, trong các cuộc họp của Ban Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; Ban 853; Ban 127/T.Ư, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt chỉ đạo rất cụ thể về công tác chống buôn lậu. “Chống buôn lậu là để hỗ trợ tích cực cho sản xuất phát triển, để ngành Thuốc lá trong nước phát triển…”.
Thực tế, bài học về chống buôn lậu bia, rượu vẫn còn đó. Bia Vạn lực, Sanmygel… của Trung Quốc có thời kỳ tràn vào Việt Nam chỗ nào cũng có, thậm chí dưới đáy bè gỗ, nứa, tre, từ miền ngược về xuôi buộc hàng trăm thùng bia lậu. Tuy nhiên, sau khi bia Hà Nội, bia Sài Gòn vươn lên, nhiều chủng loại khác ào ạt ra đời thì trước hết là bia Vạn lực quay về điểm xuất phát và trên đất Bắc sạch bóng bia Vạn lực. Việt Nam đã thắng trong cuộc cạnh tranh này. Thế nhưng, đến nay, ngành Thuốc lá trong nước vẫn chưa làm được điều đó. Người dân miền Đông và Tây Nam bộ vẫn phải dùng thuốc lậu.
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, thuốc lá lậu đang giành thị phần thuốc lá trong nước. Tuy nhiên, nếu ngành Thuốc lá Việt Nam sản xuất một năm được khoảng 600 - 700 triệu thuốc lá Jet và Hero hoặc một loại thuốc lá với gu gần Zet, Hero thì thuốc lá lậu không có đất để vào thị trường Việt Nam.
Năm 2007, để thử nghiệm tính hiệu quả của công tác chống buôn lậu, theo đề nghị của Hiệp hội Thuốc lá, Chính phủ cho đốt, tiêu hủy toàn bộ thuốc lá nhập lậu. Hàng triệu bao thuốc lá với trị giá vài chục tỷ đồng đem đốt, tiêu hủy. Tuy nhiên, năm 2010, theo đánh giá của các cơ quan chức năng và các chuyên gia, thuốc lá nhập lậu tăng lên khoảng 800 - 850 triệu bao/năm, tăng so với năm 2006 trên 50%.
Trước tình hình đó, từ ngày 21/8/2012, Chính phủ cho phép toàn bộ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu chỉ đốt thuốc lá giả, thuốc lá kém chất lượng. Còn, thuốc lá chất lượng tốt cho tái xuất (xuất khẩu). Việc làm này được gia hạn đến 30/9/2014 theo phương thức làm thí điểm. Sau chưa đầy một năm, các lực lượng thực thi (công an, quản lý thị trường…) đã tịch thu trên 11 triệu bao, xuất khẩu (tái xuất) tuân thủ luật pháp quy định.
Ông Bảo chia sẻ, việc đốt thuốc lá lậu không chỉ gây tốn kém hàng tỷ đồng ngân sách Nhà nước mà còn “tiêu hủy” bao công sức của cán bộ ngành: Công an, Quản lý thị trường và Hải quan của các địa phương: Long an, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, TP HCM, Quảng Ninh, Quảng Trị, Tiền Giang, Bến Tre, Bình Phước, Trà Vinh.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thuốc lá nhập lậu tăng 50% và đang chiếm lĩnh thị trường thuốc lá trong nước, chính điều này đã khiến Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam thất thu và lỗ nặng. “Chủ trương cho phép xuất khẩu thuốc lá nhập lậu còn chất lượng tốt của Chính phủ là chính sách, quyết sách đúng đắn của Nhà nước phù hợp với luật pháp Việt Nam và cam kết với quốc tế. Vì vậy, cần được tiếp tục thực hiện”, ông Bảo khẳng định.
Cao Huyền
theo Thanh tra