Với tính năng nhẹ, bền, dễ sử dụng và giá cả phải chăng… cốc nhựa dùng một lần đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Ngày nay, đây là món đồ không thể thiếu tại cửa hàng đồ uống, đồ ăn nhanh hay trong những buổi liên hoan, dã ngoại.
Tại các chợ lớn như chợ Đồng Xuân, chợ Phùng Khoang, chợ Hôm và một số chợ khác trên địa bàn Hà Nội, cốc nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan với nhiều mẫu mã khác nhau. Những sản phẩm này có giá khá rẻ: cốc nhựa có giá từ 10.000 – 20.000 đồng/túi 50 chiếc. Không chỉ được bày bán ở các chợ đầu mối, chợ lớn mà đồ nhựa dùng một lần còn được rao bán tràn lan trên các trang mạng với giá bán từ 17.000 – 25.000 đồng/túi 50 chiếc. Đặc biệt, vào mùa hè, cốc nhựa dùng một lần được sử dụng khá nhiều. Tại các cửa hàng bán nước giải khát như nước mía, trà sữa, chè, nước ép hoa quả... số lượng tiêu thụ cốc nhựa dùng một lần vào mùa hè tăng lên gấp 5 lần.
Mặc dù có giá bán khá rẻ song ngoài lời giới thiệu của người bán thì các sản phẩm nhựa dùng một lần này phần lớn không có thông tin gì về địa chỉ cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm, hạn sử dụng, hướng dẫn cách sử dụng an toàn… Còn đối với khách hàng sử dụng cốc nhựa dùng một lần, có lẽ do đã quá quen với việc sử dụng nên chẳng có ai thắc mắc hay cẩn thận yêu cầu đựng đồ uống, đồ ăn bằng vật dụng khác.
Theo Tổ chức Y tế thế giới - WHO cảnh báo, styrene - chất được sử dụng để làm mủ, cao su tổng hợp và nhựa polystyrene, nguyên liệu dùng để sản xuất bao bì nhựa dùng một lần có thể gây ung thư cho con người. Styrene được sử dụng trong cao su tổng hợp, một số vật liệu cách nhiệt, dao kéo dùng một lần, bao bì nhựa và nhựa sợi thủy tinh. Cách đây 40 năm, hóa chất này đã được phân loại là có khả năng gây ung thư, tuy nhiên hiện nay, tình trạng này còn nguy hiểm hơn.
Nghiên cứu cho thấy những người tiếp xúc với styrene tại nơi làm việc có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu gấp đôi, và nguy cơ mắc bệnh ung thư mũi cao hơn gấp năm lần. Đặc biệt, chất Styrene là rất dễ xâm nhập vào cơ thể. Và dù nhiễm độc với nồng độ nhỏ cũng có thể để lại hậu quả xấu đối với sức khỏe. Ngoài ra, trong các sản phầm nhựa còn thường chứa một chất BPA được chứng minh có khả năng gây ung thư, tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh. Nghiên cứu được đưa ra bởi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), một chi nhánh chuyên môn của WHO và tổ chức cũng sẽ đưa ra cảnh báo cho các quốc gia trên toàn thế giới.
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng bắt đầu làn sóng tẩy chay đồ nhựa dùng một lần, điển hình như nước Pháp, Mỹ và Canada. Pháp là quốc gia đầu tiên thông qua luật cấm tất cả cốc, chén, dao, muỗng… sử dụng một lần làm bằng nhựa. Luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020.
Tuy không quyết liệt như Pháp, nhưng cách đây 13 năm, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã mạnh tay thực hiện những biện pháp nhằm giảm thiểu số lượng sử dụng đồ nhựa dùng một lần cũng như chiến dịch làm sạch đường phố. Theo đó, những sản phẩm như bát, túi, hộp, cốc… làm bằng nhựa dùng một lần không được phép mua bán, sử dụng tại các siêu thị, cửa hàng ăn uống tại Đài Loan.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, khối lượng nhựa và nylon người dân thải ra mỗi năm đủ để trải 4 lần bao quanh Trái Đất. Với lượng tiêu thụ khổng lồ này, trong tương lại sẽ có thêm hàng tỷ tấn nhựa được thải ra ngoài đại dương, đe dọa hệ sinh thái và sự sống của sinh vật biển.
Vào tháng 5, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đề xuất cấm các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần, đồng thời kêu gọi thu gom hầu hết các loại chai nhựa vào năm 2025. Theo đề xuất, các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, đĩa, thìa, đũa... phải được làm bằng các vật liệu cứng bền vững. Ngoài ra, các thành viên EU cũng phải giảm việc sử dụng các đồ chứa thực phẩm hoặc chứa đồ uống được làm từ nhựa, dùng các giải pháp thay thế khi bán hàng hoặc đảm bảo rằng người mua phải trả tiền khi sử dụng các vật này.
Với những tác hại từ việc sử dụng cốc nhựa một lần, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng Việt Nam nên giảm việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần thì càng nhiều càng tốt. Bởi đồ nhựa dùng một lần thì chỉ dùng một lần rồi vứt bỏ để được thu lại và không được dùng để tái chế lại dùng trong công nghệ thực phẩm nói chung nữa. Nếu cứ tiến hành đựng thực phẩm trong đồ nhựa tái chế thì nguy cơ bị bệnh từ đồ nhựa là cực lớn.
Ngô Hồng
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng