Hiện nay, khi nguồn nước sinh hoạt tự nhiên dần bị ô nhiễm thì máy lọc nước đang là mặt hàng được rất nhiều người tiêu dùng nhất là các hộ gia đình sử dụng rộng rãi để cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo. Tuy nhiên, việc lựa chọn được máy lọc nước chất lượng, đảm bảo tốt cho sức khỏe lại không phải là điều dễ dàng với mỗi người.
Trên thị trường, hiện có tới hơn 30 nhãn hàng máy lọc nước đang bày bán với với vô vàn các mẫu mã, chủng loại, xuất xứ và giá cả khác nhau với 2 loại công nghệ lọc nước chính là công nghệ RO (thẩm thấu ngược) với các thương hiệu như Kangaroo, Karofi... và công nghệ Nano (sử dụng than hoạt tính, sợi bạc) như thương hiệu Barrier, Geyser… Tuy là một thiết bị có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của mỗi gia đình, nhưng một nghịch lý đang diễn ra là máy lọc nước lại là thiết bị gia dụng bị làm giả nhiều nhất trên thị trường.
Thực nghiệm một mẫu nước lấy từ một chiếc máy lọc nước trôi nổi trên thị trường, các cán bộ thuộc Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế cho thấy việc loại bỏ các vi khuẩn gây hại lại trái ngược hoàn toàn so với những gì mà hãng máy lọc nước này quảng cáo. Trong đó, tỷ lệ loại bỏ vi khuẩn fecal coliforms chỉ đạt vỏn vẹn 1%. Còn tỷ lệ loại bỏ vi khuẩn aeruginosa, tên thường gọi là trực khuẩn mủ xanh, dù cao hơn nhưng cũng chỉ đạt 10%. Cả 3 mẫu nước lọc qua máy trong các ngày khác nhau đều không đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế hiện nay về nước ăn uống và nước uống trực tiếp. Vì theo quy định, các vi khuẩn gây hại như fecal coliffom và trực khuẩn mủ xanh không được phép có mặt trong nước ăn uống.
Theo chuyên gia cho biết, fecal coliffom và trực khuẩn mủ xanh đều là vi khuẩn gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Đặc biệt, khi xâm nhập vào các cơ địa suy giảm miễn dịch, trực khuẩn mủ xanh lây lan theo đường máu vào các bộ phận khác sẽ gây viêm phổi, viêm màng, nhiễm trùng toàn thân. Vì vậy, máy lọc nước trôi nổi không loại bỏ được các vi khuẩn này gây hại này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khôn lường.
Trước nhu cầu sử dụng máy lọc nước tăng mạnh, một số doanh nghiệp, đối tượng đã sản xuất máy và màng lọc nước giả, nhái nhãn mác đưa ra thị trường tiêu thụ kiếm lời bất chính. Thêm nữa, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn hay không cũng rất mập mờ.
Bên cạnh đó, thực tế là việc làm nhái, làm giả máy lọc nước là rất dễ dàng, thậm chí việc làm giả máy lọc nước của thương hiệu nổi tiếng cũng là điều không mấy khó khăn. Trên thị trường xuất hiện tình trạng nhiều cơ sở sản xuất mua lõi lọc không rõ nguồn gốc về lắp ráp, sau đó dán tem nhái các sản phẩm có thương hiệu để bán giá cao. Một chiếc máy lọc nước được chủ hàng rao bán trên thị trường với giá gần 4 triệu đồng. Tuy nhiên, tính cả công lắp ráp, linh kiện thiết bị, giá thành cho một chiếc máy lọc giả chỉ chưa bằng một nửa. Như vậy, nếu tiêu thụ trót lọt thì chủ cơ sở thu về lợi nhuận gần 2 triệu đồng mỗi chiếc. Người mua mất tiền nhưng lại phải nhận sản phẩm kém chất lượng.
Thêm nữa, một sản phẩm máy lọc nước thông thường khi bán ra thị trường phải có dấu kiểm định QC (quy chuẩn tổng hòa của sản phẩm từ đầu vào, đầu ra, quá trình sản xuất, nguyên liệu…) được cấp bởi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Tuy nhiên, đối với máy lọc nước, sản phẩm này hiện chưa được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thiết lập quy chuẩn QC. Không có dấu kiểm định chất lượng máy lọc nước, thế nên hàng ngày những chiếc máy lọc vẫn được lắp ráp và bán ra thị trường còn người dân thì lo ngại tới sức khỏe khi sử dụng nước từ những máy lọc kém chất lượng.
Theo tin từ Chi cục Quản lý thị trường vào cuối tháng 6/2017, Phòng Cảnh sát Kinh tế thuộc Công an Thành phố Hà Nội (PC46) đã triệt phá một cơ sở làm giả, làm nhái màng lọc nước dân dụng Dow Filmtec™ RO. Còn mới đây, Đội Quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) vừa triệt phá một cơ sở sản xuất máy lọc nước giả, kém chất lượng tại kho hàng tại xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Hành vi giả mạo của cơ sở này không chỉ là chiêu thức đánh lừa người tiêu dùng, mà đáng lo ngại hơn là nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, khi không được cơ quan nào kiểm định chất lượng.
Hồng Anh