Thời gian qua, nhiều thị trường lớn như Nhật, EU… liên tục cảnh báo vi phạm của các lô hàng thủy sản Việt Nam nhiễm hóa chất, kháng sinh, vi sinh vật. Còn người tiêu dùng Việt vẫn hồn nhiên dùng mà không hề hay biết.
Sợ dịch bệnh sẽ “trắng tay” người dân tự mua kháng sinh phòng
Tiền Phong đưa tin, chỉ tính năm 2015, gần 260 lô hàng thủy sản Việt Nam bị các nước nhập khẩu cho “hồi hương” vì hóa chất, kháng sinh, vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép. Trong quý I/2016, con số trên là 31 lô, trong đó, 10 lô vi phạm quy định về hóa chất, kháng sinh (Nhật, EU cảnh báo nhiều nhất).
Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, hiện ngành thủy sản cấm doanh nghiệp trộn kháng sinh khi sản xuất thức ăn thủy sản và có 23 loại hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong ngành này.
Ngành cũng khuyến cáo người dân không dùng kháng sinh để phòng bệnh, chỉ sử dụng khi xác định được nguyên nhân gây bệnh cho tôm, cá là vi khuẩn (kháng sinh không có tác dụng với virus, nấm). Tuy nhiên, với tâm lý “ăn chắc”, sợ dịch bệnh sẽ “trắng tay”, nhiều hộ nuôi tôm đã tự mua kháng sinh về trộn với thức ăn; thậm chí đổ cả kháng sinh nguyên liệu trực tiếp xuống ao nuôi.
Chỉ tính năm 2015, gần 260 lô hàng thủy sản Việt Nam bị các nước nhập khẩu cho “hồi hương” vì hóa chất, kháng sinh. (Ảnh minh họa. Tri Thức Trực Tuyến)
Theo Bộ NN&PTNT, năm ngoái, qua kiểm tra tại cửa hàng thuốc thú y, cơ sở nuôi trồng thủy sản ở Đồng Nai, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, TPHCM… cơ quan chức năng của Bộ đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Trong đó, có nhiều sản phẩm thuốc thú y, hóa chất và chế phẩm sinh học đang dùng ngoài luồng, hoặc chưa được cho phép sản xuất, kinh doanh.
Đáng lo ngại, nhiều cửa hàng thuốc thú y mua từng thùng nguyên liệu kháng sinh, sau đó đó chia ra những gói nhỏ, loại 1kg hoặc 0,5 kg để bán cho người nuôi. Thậm chí, cửa hàng còn bán loại thuốc cấm dùng để phòng, trị bệnh thủy sản như Enrofloxacin…
Nguy cơ "hết thuốc chữa" vì nhờn thuốc
Theo các chuyên gia, nếu cho dùng kháng sinh “vô tội vạ”, hậu quả sẽ khôn lường. PGS. TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm vệ sinh ATTP Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết: Khác với chất cấm dùng để tăng trọng như Salbutamol, các loại kháng sinh hiện nay đang được phép sử dụng khá phổ biến cho vật nuôi, thủy sản. Tuy nhiên, việc lạm dụng khiến tồn dư kháng sinh trong thực phẩm gây nhiều lo ngại.
Theo bà Hảo, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo, lạm dụng kháng sinh sẽ gây nhờn thuốc. Lượng kháng sinh tồn dư trên thực phẩm, khi người ăn vào sẽ tăng sức kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh. Lúc đó chúng ta có bệnh nhưng “hết thuốc chữa”.
TS Hảo cho biết thêm: “Mặt khác, trong điều trị bệnh, cũng chỉ cho phép sử dụng kháng sinh, hóa chất một thời gian ngắn. Nếu dùng dài sẽ ảnh hưởng đến gan. Nhiều người gan yếu, đào thải độc sẽ kém đi có thể sinh ra nhiều bệnh khác nhau”.
Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, kháng sinh cũng là “con dao hai lưỡi”, dùng đúng sẽ có tác dụng tốt, nhưng quá liều, có thể khiến vật nuôi bị “nghiện” kháng sinh, có thể ốm yếu.
Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với báo Lao Động, ông Đào Văn Trí - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III - Bộ NNPTNT bày tỏ quan ngại về việc dùng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản theo kinh nghiệm “truyền miệng”, hộ này học kinh nghiệm của hộ kia, thậm chí còn tăng liều lượng và hàm lượng “cho chắc ăn”.
Đa phần các hộ chăn nuôi sử dụng hóa chất để xử lý nguồn nước, ao đầm; sử dụng kháng sinh để trị bệnh đều vượt liều lượng nhà sản xuất khuyến cáo. “Công nghệ một số nước cho phép sử dụng hóa chất và kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, nhưng phải giới hạn theo liều lượng, hàm lượng cho phép. Nhưng đa phần người nuôi tôm và thủy sản đều dùng vượt ngưỡng cho phép. Điều này khiến dư lượng kháng sinh, hóa chất còn lại trong thủy sản, đặc biệt là tôm ở mức cao vì không thể đào thải hết” - ông Đào Văn Trí cho biết.
Cũng theo ông Trí, việc thu hoạch không đúng thời điểm cũng là nguyên nhân khiến tồn dư kháng sinh trong thủy sản cao. Mặt khác, việc sử dụng kháng sinh quá liều còn gây ô nhiễm nguồn nước, khiến các vi sinh vật thích nghi và kháng kháng sinh. Điều này dẫn đến vòng luẩn quẩn là tôm bị bệnh - dùng kháng sinh - không tác dụng - tăng liều, khiến tồn dư kháng sinh tăng cao”.
Thiên An (tổng hợp)
theo ĐSPL