Sự kiện hot
3 năm trước

Cảnh báo tình trạng thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ bày bán tràn lan

Khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới liên tục tăng cùng với tâm lý hoang mang của không ít người dân, nhiều đối tượng lợi dụng tình hình này để kinh doanh thuốc điều trị không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhằm trục lợi. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường cảnh báo người dân và vào cuộc quyết liệt nhằm ngăn chặn triệt để.

Mới đây, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế. Theo đó, thời gian qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, các lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, góp phần làm trong sạch, lành mạnh thị trường tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực y tế quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều vụ việc vi phạm vẫn xảy ra và không ngừng gia tăng ở nhiều nơi.

Đặc biệt, lợi dụng dịch bệnh COVID-19, cùng với tâm lý hoang mang của không ít người dân, một số đối tượng đã cố tình tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn như bộ đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị COVID-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm COVID-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng... gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch, đồng thời ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người tiêu dùng.

Cụ thể, cuối tháng 1/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Cục Quản lý thị trường thành phố kiểm tra căn nhà tại thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè của Trần Thanh Thảo (trú tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận có 555 hộp thuốc các loại được quảng cáo là điều trị Covid-19 nhưng chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam như Molnupiravir Capsules Molnatris Mylan; Molnupiravir 800mg Tablets; Moluzen 400; Molnupiravir Capsules 200mg; Molaz Azista... Đáng chú ý, đây không phải lần đầu cơ quan chức năng phát hiện các trường hợp buôn bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc.

Không chỉ xuất hiện tại các quầy thuốc mà trên trên internet, việc bày bán các loại thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc cũng diễn ra tràn lan. Theo đó, hàng trăm tin bài, hình ảnh về các loại thuốc được chào bán công khai với đủ các mức giá, từ 300 nghìn cho đến hàng triệu đồng/hộp. Theo Cục Quản lý dược, việc mua, bán, sử dụng các thuốc chưa được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch, nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu. 

Nhằm tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực y tế quản lý, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nội dung.

Cụ thể, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể người dân trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung tránh gây chồng chéo, tạo lỗ hổng pháp lý trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực y tế.

Cùng với đó, đẩy mạnh rà soát các hoạt động cấp phép cho sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất, thiết bị và các mặt hàng phục vụ công tác phòng dịch như trang phục bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế... để đảm bảo vừa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm làm tốt công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường công tác thanh kiểm tra, nhất là tại các địa bàn trọng điểm dễ xảy ra việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm.

Ngoài ra, tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng giữa ngành y tế với các lực lượng chức năng trên địa bàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Về người dân thì cần chú ý, việc tự mua thuốc về nhà uống khi bị bệnh là rất đáng lo ngại bởi dùng không đúng loại, đúng liều lượng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhất là các loại thuốc có các thành phần như paracetamol và corticoid. Đây là những thành phần thuốc dùng có chỉ định. Vì vậy, nếu không may phát hiện bản thân là F0 cần hết sức bình tĩnh và liên hệ ngay đến các cơ quan chức năng để được hướng dẫn. Việc điều trị, sử dụng thuốc cần có sự tư vấn, hướng dẫn của các bác sĩ, người có chuyên môn. Ngoài ra, tránh việc tích trữ thuốc vì dễ gây tình trạng người cần không có, người có lại không cần.

Bảo An (t/h) - KTDU

Từ khóa: