Tôi ngồi tựa lưng vào cột nhà đầy nắng, ngắm nhìn lũ trẻ con đang nhảy nhô nhảy nhào trong vườn mận, trêu chọc mấy cô bé dung dăng dung dẻ trên đường. Cao Sơn mùa xuân.
Tôi ngồi tựa lưng vào cột nhà đầy nắng, ngắm nhìn lũ trẻ con đang nhảy nhô nhảy nhào trong vườn mận, trêu chọc mấy cô bé dung dăng dung dẻ trên đường. Cao Sơn mùa xuân.
Du xuân
Có hai cung đường để khám phá Cao Sơn, xuất phát từ thị trấn Bắc Hà trên cao nguyên hoa mận trắng tới cầu Bảo Nhai xuôi theo dòng sông Chảy để đến với chợ phiên Cốc Ly vào thứ ba, cách Cao Sơn khoảng 30km. Nếu đi theo hướng ngược lại từ Mường Khương qua Lùng Khấu Nhin, nơi có chợ phiên họp thứ năm hằng tuần, qua những triền đồi sa mộc xanh mướt và kiêu hãnh như trời Âu là sẽ tới Cao Sơn.
Nằm cách trung tâm huyện Mường Khương (Lào Cai) khoảng 25km, Cao Sơn được xem như một tiểu Sa Pa ở độ cao trên 1.300m, núi rừng hùng vĩ, khoáng đạt, bản làng, thôn xóm yên bình, đặc biệt chưa bị “du lịch hóa” mạnh mẽ nên còn giữ được nhiều nét hoang sơ, đậm đà bản sắc.
|
Bà chủ quán ở Mường Khương vừa vội vã pha cho chúng tôi một ấm trà nóng vừa hồ hởi hỏi chuyện mấy kẻ lữ hành. Chén trà Shan cổ thụ ở nơi quanh năm mây phủ, không khí trong lành như xua tan đi cái giá rét của miền đất biên thùy. Chỉ tay về dãy núi giăng thành trước mặt, người đàn bà Mông cười bảo chốn ấy là Cao Sơn.
Rời Mường Khương, con đường đưa chúng tôi lên cao dần, những thung lũng và bản làng quần cư hiện ra dưới tầm mắt. Trời rét buốt và thiếu nắng, những vạt cây như được khoác lên mình một tấm áo màu chì. Chúng tôi dừng xe khi gặp một toán trẻ con người Mông đang ngồi chơi bên vách núi.
Ngày tết, các em mặc quần áo đẹp, theo kiểu áo đôi đi du xuân, nom thật thú vị và ấn tượng. Chút e dè khi thấy người lạ, nhưng rồi mặc kệ chúng tôi với máy chụp hình cứ nâng lên hạ xuống, các em vẫn í ới trêu chọc nhau không chút ngại ngùng.
Đường vào Cao Sơn
Một cô bé hiếu động
Được nắng
Thỉnh thoảng có bạn giật mình lo lắng khi một vài chú nhóc nhảy vèo xuống đường từ trên vách núi, từ phía sau những đám cây bụi.
Bọn trẻ nghịch ngợm và như đã quá quen với con đường “đạp núi”, chúng nhảy thoăn thoắt giữa các mỏm đất, vạch cỏ lấy đường, chỉ cần con đường nào nhanh nhất để xuống là chúng đi qua không chút e dè. Chúng cười như nắc nẻ khi thấy chúng tôi kêu lên hốt hoảng, và nhanh như sóc hạ chân xuống mặt đường nhựa như những cánh chim non.
Rời bọn trẻ con nghịch ngợm ấy, lại gặp một toán nam thanh nữ tú đang tự tình ngay khúc quanh của núi. Đám con trai nghịch ngợm lấy khăn của các cô gái, trong khi các cô bé e lệ che miệng khúc khích cười. Mấy đứa bé hơn thì chơi trò nhảy dây hoặc dùng rễ cây rừng đánh đu qua lại. Chỗ nào có trẻ con, chỗ đấy thật rộn ràng.
Dung dăng dung dẻ
Con đường về Cao Sơn càng đi càng lên cao, gió vi vút trên những cánh rừng sa mộc. Chén rượu xuân uống với người chủ nhà hiếu khách ở Lùng Khấu Nhin làm ấm lòng người lữ khách trên đỉnh cao gió buốt. Những sân nhà đầy chật phụ nữ và trẻ nhỏ. Như thể họ đang ngồi đợi xuân.
Chúng tôi dừng lại ở Cao Sơn, với một sân nhà đầy đàn bà và con trẻ. Đàn ông đi uống rượu trong núi rồi, say không biết khi nào về. Đàn bà ở nhà, tranh thủ trời nắng mang ghế ra sân ngồi thêu.
Vườn mận nở muộn in những cành nhỏ khẳng khiu trên nền trời xanh thẳm. Cô bé con chân sáo nhảy qua vườn. Người mẹ trẻ mang áo quần đi phơi. Bạn đồng hành đi hỏi thăm chỗ đổ xăng, vì mải đi trên con đường vòng vèo lưng núi mà không nhận ra phố thị đã ở quá xa sau lưng mình.
Tôi ngồi tựa lưng vào cột nhà đầy nắng, ngắm nhìn lũ trẻ con đang vui đùa trong vườn mận, trêu chọc mấy cô bé dung dăng dung dẻ trên đường, không biết đến khi nào mình sẽ lại tìm về xứ sở của những mộc mạc, hồn nhiên này…
Cao Sơn mùa xuân.
Băng Giang
Theo Tuoi tre