Sự kiện hot
13 năm trước

Cấp đất trái thẩm quyền ở Hải Phòng, thiệt hại trên 80 tỷ đồng

Hàng chục lô đất đã được lãnh đạo xã Hải Thành, Kiến Thụy (Hải Phòng) cấp trái thẩm quyền cho người dân làm đất ở. Sau đó, Nhà nước phải chi trên 80 tỷ đồng để đền bù cho các hộ dân được cấp đất.

Hàng chục lô đất đã được lãnh đạo xã Hải Thành, Kiến Thụy (Hải Phòng) cấp trái thẩm quyền cho người dân làm đất ở. Sau đó, Nhà nước phải chi trên 80 tỷ đồng để đền bù cho các hộ dân được cấp đất.

Chủ tịch xã giao đất trái thẩm quyền

Theo đơn phản ánh của bạn đọc, từ những năm 1990, khu đất tại thôn 2, xã Hải Thành (nay tách thành phường Hải Thành, quận Dương Kinh) đã nằm trong quy hoạch xây dựng đường 353 (nối nội thị Hải Phòng với Đồ Sơn), đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, vì vậy UBND TP.Hải Phòng không có chủ trương cấp đất ở tại khu vực này.

Tuy nhiên, nắm bắt được quy hoạch trên, nhiều cán bộ tại địa phương đã cố ý làm trái, cấp trái thẩm quyền đất ở cho một loạt đối tượng để trục lợi tiền đền bù giải phóng mặt bằng khi tuyến đường được đầu tư xây dựng.

Khu vực các lô đất giao trái thẩm quyền tại xã Hải Thành .

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Phạm Văn Đê - Chủ tịch UBND phường Hải Thành cho biết: Mặc dù biết việc giao đất cho dân là trái thẩm quyền, dẫn tới việc đền bù cũng sai đối tượng nhưng đó là nhiệm kỳ của lãnh đạo khóa trước nên tôi chỉ biết báo cáo lên cấp trên chờ chỉ đạo…

Còn ông Nguyễn Đức An - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Dương Kinh cho biết: Lãnh đạo xã Hải Thành hồi đó giao đất trái thẩm quyền cho bao nhiêu người thì trong phần quy định chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ có ghi rõ. Trước khi thực hiện đền bù, UBND quận đã báo cáo thành phố và các ngành. UBND TP.Hải Phòng đã giao cho thanh tra tiến hành kiểm tra lại việc này.

Được biết, năm 1998, Chủ tịch UBND xã Hải Thành là ông Nguyễn Thanh Đoàn có tờ trình xin hơn 8.300m2 đất tiếp giáp với lưu không đường 14 (nay là đường 353 nối từ nội thị Hải Phòng ra Đồ Sơn), nhưng vì lý do vướng quy hoạch nên tờ trình không được UBND TP.Hải Phòng chấp thuận, phê duyệt. Tuy nhiên, ông Đoàn vẫn tự lập biên bản giao đất trên giấy cho 46 hộ dân tại khu vực thôn 2, xã Hải Thành và tự ý thu của 33 hộ dân gần 400 triệu đồng.

Cuối năm 1999, ông Đoàn đã bị cách chức Chủ tịch xã, do vậy 46 lô đất giao cho người dân trái luật chỉ tồn tại trên giấy. Mãi đến cuối năm 2006, sau khi thanh kiểm tra lại toàn bộ sự việc, UBND huyện Kiến Thụy mới có quyết định nêu rõ: Hủy bỏ toàn bộ các văn bản giao đất trái thẩm quyền cho 46 hộ dân với tổng diện tích 8.370m2; yêu cầu UBND xã Hải Thành thoái trả tiền đã thu của người dân…

Bí thư quận, phó chủ tịch huyện cũng có... suất

Trong quá trình điều tra, phóng viên NTNN phát hiện ngoài 46 suất đất ở được cấp trái thẩm quyền đã bị phanh phui trên còn có hàng chục suất đất khác cũng được cấp trái thẩm quyền làm đất ở cho người dân ngay trên đất hành lang giao thông.

Trong những suất này, đáng chú ý có suất đất của ông Phạm Phú Xuất - Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy và ông Vũ Khắc Hưởng - Bí thư Quận uỷ Dương Kinh. Sau khi được bàn giao đất, mỗi hộ dân chỉ phải nộp số tiền 7 triệu đồng cho UBND xã. Ông Phạm Văn Đê – Chủ tịch UBND phường Hải Thành cũng xác nhận trong các suất đất này có đất của ông Vũ Khắc Hưởng.

Phóng viên NTNN phát hiện ngoài 46 suất đất ở được cấp trái thẩm quyền đã bị phanh phui còn có hàng chục suất đất khác cũng được cấp trái thẩm quyền làm đất ở cho người dân ngay trên đất hành lang giao thông. Trong đó có suất đất của ông Phạm Phú Xuất - Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụỵ và ông Vũ Khắc Hưởng - Bí thư Quận Ủy Dương Kinh.

Theo bản Tổng hợp Phương án bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất… của Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Dương Kinh lập ngày 19.3.2012 thì Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng quận Dương Kinh đã phải chi trả trên 80 tỷ đồng đền bù cho các suất đất ở được giao trái thẩm quyền này. Hai suất đất của ông Xuất, ông Hưởng cũng được đền bù trên 1,5 tỷ đồng/suất.

Điều tréo ngoe là nhiều hộ dân hàng chục năm nay vẫn thuê đất của xã để trồng rừng, làm trang trại nhưng không hiểu chính quyền đã chia đất trang trại của họ thành đất ở cho người khác từ khi nào. Đơn cử là hộ ông Phạm Thanh Hải (tổ dân phố 2A, phường Hải Thành) có trên 4.000m2 đất khai hoang để làm kinh tế vườn rừng.

Đến nay, trên thực tế ông Hải vẫn quản lý số đất này. Tuy nhiên, trên sổ sách giấy tờ thì lô đất của ông đã được chính quyền địa phương “băm nhỏ” từ lâu để chia cho một số người, trong đó có cả các vị quan chức đã nói trên...

Phước Long
theo Dân Việt

Từ khóa: