Tháng Năm này, chúng tôi có dịp trở lại thăm Cát Bà (huyện Cát Hải – thành phố Hải Phòng), được cảm nhận thêm một số điều thú vị về đảo ngọc du lịch và con người nơi đây.
Một đường phố trên đảo Cát Bà.
Đi bằng con đường xuyên đảo Cát Hải-Cát Bà với chiều dài 35km, có nhiều đèo dốc quanh co, xuống khoăn, qua áng, lướt qua Vườn quốc gia với nhiều phong cảnh kỳ thú, lôi cuốn du khách muôn phương. Huyện đảo Cát Hải nằm ở phía đông thành phố Hải Phòng, cách trung tâm nội thành 39km theo đường chim bay.
Trong cuốn sách “Đại Nam nhất thống chí” có đoạn ghi về Cát Bà (Cát Hải) xưa: “Dân có tục ương ngạnh, ít văn hoá, đất nhiều chua mặn, dân làm nghề đánh chài lưới, đi buôn, mối lợi nhờ núi, biển…”.
Hôm nay, vẫn là miền đất nhiều chua mặn, phần nhiều người dân vẫn sinh sống bằng nghề đánh bắt,ươm nuôi cá biển, nhưng người Cát Bà đã thể hiện sự văn minh và lịch lãm hơn xưa rất nhiều, trong đó có những điều giản dị mà chứa đựng điều gì đó thật đặc biệt…
Trong văn hóa dân gian xưa của huyện đảo, việc đi lại của người dân chủ yếu bằng đường thủy, vì vậy mà Hội xuống nước ở các làng Chài, cùng nhiều trò chơi dân gian luôn gắn liền với việc đánh bắt cá như: thi bơi thuyền mảng, đua thuyền thúng trên biển…
Ngày nay, những trò vui chơi, thi đấu trên sóng biển ở Cát Bà- Cát Hải thực sự là những ngày hội lớn. Ngày hội kết hợp hài hòa chương trình đặc sắc nhất trong giao lưu văn hóa, thể thao giữa huyện đảo Cát Hải với các huyện lúa ngoại thành Hải Phòng và tỉnh bạn Quảng Ninh.
Chúng tôi đến đảo ngọc Cát Bà vào một ngày đầu tuần, không phải ngày nghỉ lễ, du khách khá thưa thớt, nhưng cảnh quan và con người nơi đây như ẩn chứa một sự mời gọi, níu giữ thịnh tình.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Cường, Trưởng Chi cục thuế huyện Cát Hải vui vẻ nói: “Ghi nhớ sự kiện ngày 01/4/1959, Bác Hồ kính yêu về thăm Làng cá Cát Hải, động viên thăm hỏi bà con ngư dân trong công việc chài lưới, làm chủ biển trời quê hương. Từ đó đến nay, ngày 01/4 hàng năm đã trở thành ngày Hội truyền thống không chỉ riêng của người dân Làng cá Cát Hải, mà còn của cả ngành Thủy sản. Đây chính là ngày khai trương mùa du lịch Cát Bà và cũng là thời điểm ra quân đánh bắt vụ cá Nam của ngư dân huyện đảo”.
Điều thú vị về đô thị du lịch của huyện đảo mà chúng tôi thấy rõ nhất, đó là trải qua những thăng trầm thời gian, phố sá Cát Bà rất thanh bình và yên ả đến tĩnh lặng, mà có lẽ hiếm khu du lịch nào ở Việt Nam có được.
Không có sự đeo bám chèo kéo du khách, hỏi tìm địa chỉ nhà hàng, khách sạn đã đặt sẵn thì từ anh chạy xe ôm đến bất kỳ chủ nhà hàng, khách sạn nào… cũng đều chỉ dẫn một cách tận tình, chu đáo.
Xe máy, xe ôtô có thể để ngoài trời, ở cửa các khách sạn, nhà hàng cả đêm, ngày không cần người trông giữ cũng không hề bị mất trộm. Không có người lang thang ăn xin.
Đặc biệt hơn nữa là cả một khu đảo du lịch dài rộng như vậy, đường sá cũng nhiều, ngã ba, ngã tư cũng lắm nhưng không hề có các cột đèn xanh, đèn đỏ. Không phải do phương tiện giao thông ít, mà có lẽ văn hóa giao thông của người dân nơi đây đã đi vào tiềm thức, không có sự tranh giành, chen lấn, phóng nhanh vượt ẩu, nên hiếm khi xảy ra ùn tắc hay tai nạn giao thông.
“Đấy là những điều mới lạ mà người Cát Bà chúng tôi rất tự hào. Tuy nhiên, không phải ai ai đến du lịch Cát Bà cũng cảm nhận và để ý đến những điều giản đơn nhưng có tính đặc thù đó”. Chị Hà, cán bộ Thanh tra Xây dựng của huyện hổ hởi nói.
Chia tay Cát Bà trong một buổi chiều phai nắng, bánh xe lăn dần và đảo ngọc cũng dần xa, hai bên đường thông vẫn reo vi vút, tiếng sóng biển rì rào, rừng cây chắn xanh ngút ngát…
Xúc cảm về đảo ngọc Cát Bà trong những ngày nắng tháng Năm dù ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho chúng tôi không ít ấn tượng tốt đẹp về một khu du lịch nổi tiếng, không ồn ào, vội vã, không xô bồ và vắng bóng những lận gian.
Vẫn còn khá nhiều những lều bạt của hàng quán nhỏ lẻ ở khu du lịch Cát Bà.
Có điều, giá mà Cát Bà giảm thiểu được những lều bạt ngổn ngang, lộn xộn của hàng quán nhỏ lẻ như đã làm được đối với các lồng bè thủy sản trên biển trước đây thì Cát Bà chắc sẽ đẹp và hấp dẫn hơn nhiều.
Duy Tuấn - Thanh Huyền
theo Xây Dựng