Khi Bộ Công Thương cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh thì lẽ ra phải bị phạt - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu tại diễn đàn Chính sách cạnh tranh quốc gia do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 3/10.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại diễn đàn.
Phát biểu khai mạc, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh ở Việt Nam vẫn có nhiều thứ không có thị trường, vì thế phân bổ nguồn lực chủ yếu vẫn dựa trên cơ chế xin - cho. Chính cơ chế này tạo ra "sân sau, sân trước " khiến cho nguồn lực không chạy đến những dự án hiệu quả nhất mà chạy lung tung về nơi nào đó làm cho nền kinh tế kém năng lực cạnh tranh.
Cạnh tranh là động lực để giúp đạt hiệu quả phân bổ nguồn lực, đừng sợ cạnh tranh và đừng lo lắng là có quá nhiều cạnh tranh mà quan trọng là làm cho cạnh tranh nhiều lên, công bằng hơn - ông Cung nói.
Bình luận về chính sách canh tranh qua hệ thống điều kiện kinh doanh hiện nay, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI), ông Đậu Anh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh đến "cái giá" của quản lý nhà nước.
Ở Việt Nam như một thói quen cố hữu, các cơ quan quản lý dường như luôn bị ám ảnh về nhu cầu quản lý, bị bệnh “nghiện quản lý” - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn thì đã có một sự nhầm lẫn lớn khi các cơ quan soạn thảo pháp luật khi lý giải cho mục tiêu của chính sách, mục đích của một quy định, đạo luật vẫn là nhằm "đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước" hay để "tăng cường quản lý nhà nước". Quản lý nhà nước không phải là mục tiêu mà là cách thức, công cụ - ông Tuấn lập luận.
Phân tích của Trưởng ban Pháp chế VCCI là, mục tiêu của pháp luật và chính sách là những gì người dân và doanh nghiệp được hưởng như được sống trong môi trường trong lành, giảm nguy cơ mất an toàn, hay tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo vệ sản xuất trong nước… Để đạt được mục tiêu đó, có rất nhiều cách thức như điều chỉnh thuế phí, tăng sự giám sát của xã hội, tuyên truyền giáo dục, đào tạo và các giải pháp quản lý từ phía nhà nước (như cấp phép, thanh tra, kiểm tra…) chỉ là một trong số các giải pháp.
Với đầu bài giải quyết các vấn đề của xã hội, của đất nước mà đặt ra các giải pháp quản lý không rõ ràng về mục tiêu thì nguy cơ tạo ra thiệt hại, gây ra hệ luỵ lớn cho xã hội rất cao.
Liên quan đến "giá" của quản lý nhà nước, ông Tuấn cho rằng quản lý nhà nước không hề rẻ, thậm chí rất đắt đỏ. Bộ máy Nhà nước, cơ quan Nhà nước hiếm khi biết được những gánh nặng hành chính từ các quy định, luật lệ của Nhà nước tác động lên các doanh nghiệp cũng như ít có cơ hội nhận biết được những lợi ích to lớn của quá trình đơn giản hoá thủ tục hành chính đem lại. Rất khó để xác định được đầy đủ ảnh hưởng, tác động khi Nhà nước can thiệp bằng các quy định pháp luật.
Khi Nhà nước can thiệp vào thị trường, can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp bằng các công cụ quản lý của mình như cấp phép, đặt ra điều kiện… luôn làm phát sinh các phí tổn trực tiếp và phí tổn gián tiếp.
Các chi phí gián tiếp đối với nền kinh tế như các biện pháp quản lý của Nhà nước có thể làm giảm tính cạnh tranh, đổi mới hàng hoá và dịch vụ, sụt giảm các hoạt động đầu tư, từ đó làm chậm quá trình điều chỉnh cơ cấu và tăng trưởng sản xuất… ông Tuấn nhìn nhận.
Nhận định chất lượng các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính vẫn là một cản trở rất lớn của môi trường kinh doanh hiện nay, ông Tuấn cho rằng đằng sau nhiều điều kiện kinh doanh có bóng dáng của lợi ích.
Mỗi điều kiện kinh doanh là một "cái giá" mà nhà nước phải trả, ngay cả khi điều kiện dường như hợp lý thì cũng gây ra nhiều phiền toái - chuyên gia Phạm Chi Lan nhận xét.
Đồng tình với nhận xét về bệnh "nghiện quản lý" được ông Tuấn đề cập, bà Lan nhấn mạnh, nghiện quản lý chính là nghiện quyền lực và lợi ích của quyền lực.
Các cơ quan có thể lạm quyền rất nhiều khi mà đưa ra rất nhiều điều kiện kinh doanh, việc gì cũng chia ra 5- 7 bộ cùng phụ trách, thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình - bà Lan nói.
Và, "cái giá" của nghiện quản lý, theo bà, không chỉ là đắt đỏ, là tạo cơ hội cho tham nhũng mà còn có hiệu ứng tệ hại hơn là làm biến chất quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Đề cập đến việc cắt giảm cùng lúc gần 700 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương, chuyên gia Phạm Chi Lan tỏ ra ngạc nhiên khi hành động này lại được khen. Bởi theo bà thì khi bộ đó đẻ ra quá nhiều điều kiện kinh doanh như thế, gây bao nhiêu khó khăn cho doanh nghiệp thì việc cần làm là phải chặn, phải phạt chứ không phải giờ chạy theo để cắt.
Nhìn khái quát, chuyên gia Phạm Chi Lan cần tư duy lại vai trò của nhà nước trong kinh tế thị trường. "Cần cả sự giám sát về việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước chứ không thể để họ đẻ ra bao nhiêu thứ rồi đến khi họ cắt vài thứ thì khen ầm cả lên thì không đúng, không sòng phẳng chút nào cả" - bà Lan phát biểu.
Nguyễn Vũ
Theo VnEconomy