Cây trồng BĐG được các nước phát triển như Mỹ, và một số nước châu Ấu nghiên cứu, ứng dụng từ cuối những năm 80, và được thương mại hóa giữa các năm 90 của thế kỷ trước. Đến nay, đã có gần 30 quốc gia (phần lớn ở khu vực Bắc Mỹ, Tây Ấu) triển khai sản xuất cây trồng BĐG (CTBĐG). Cuối năm 2010, diện tích CTBĐG trên thế giới đã lên gần 150 triệu ha, trong đó các sản phẩm chủ yếu là đậu tương (chiếm 51,7%) ngô (hơn 30%), bông (hơn 9%), sau đó là cải dầu, khoai tây.
Một vài số liệu cho thấy, chỉ tính riêng năm 2011 đã có thêm 12 triệu ha được đưa vào canh tác, tăng 8% so với năm 2010, và tăng gấp 94 lần so với năm 1996 - thời điểm GMO được thương mại hóa toàn cầu.
Mặc dù công nghệ BĐG mang lại những thành tựu to lớn mang tính toàn cầu, nhưng sinh vật BĐG nói chung, cây trồng BĐG nói riêng ngay từ ban đầu cho đến nay vẫn còn những quan điểm khác nhau, những cuộc tranh cãi gay gắt, những lo sợ về khả năng rủi ro trong giới khoa học, các nhà quản lý, các chính sách, các cá nhân, tổ chức ở tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Về mặt quốc gia, có 3 nhóm những quan điểm khác nhau: Nhóm thứ nhất hoàn toàn ủng hộ GMO gồm Mỹ, Canada, Mexico, Brazin, Achentina, trugn Quốc, Ấn Độ và Australia. Nhóm thứ 2 không ủng hộ GMO chủ yếu ở châu Âu. Và nhóm thứ 3 có thái độ trung gian, chờ đợi.
Ngô biến đổi gen đang được trồng khảo ngiệm,
Ở Việt Nam, theo PGS. TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Di truyền nông nghiệp, năm 2007, Nhà nước mới có định hướng nghiên cứu, ứng dụng CTBĐG. Mấy năm qua, bước đầu chúng ta khảo nghiệm CTBĐG ở một số loại như bông, ngô, đu đủ và một vài loại cây lâm nghiệp. Riêng cây ngô đã có các công ty như Monsanto Thái Lan với ba giống ngô chuyển gen là MON89034, NK603, và MON89034 x NK603; Công ty Syngenta Việt Nam với hai giống ngô chuyển gen là BT11 và GA21... được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép khảo nghiệm.
Tháng 7/2007, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt "Đề án tổng thể tăng cường năng lực quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen và sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen". Đề án tổng thể tập trung vào nhiệm vụ: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý an toàn sinh học CTBĐG, nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn sinh học...
Thận trọng không thừa
Trước tình hình trên, một số nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Cách tiếp cận với cây trồng BĐG ở Việt Nam cần hướng theo một lộ trình phù hợp: 1. Thu nhập đầy đủ thông tin, phân tích dánh giá khách quan tác động hai mặt của cây trồng BĐG và sản phẩm của chúng để hướng tới sự đồng thuận của xã hội về việc sử dụng cây trồng BĐG và sản phẩm của cây trồng BĐG. 2. Tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho các nghiên cứu cơ bản để tạo ra cây trồng BĐG tại Việt Nam trên một số đối tượng cây trồng được lựa chọn. 3. Thử nghiệm, hoặc gieo trồng trên diện rộng cây trồng BĐG của một số loài như Bông, cây lâm nghiệp, hoa cây cảnh nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn sinh học.
PGS, TS Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển giống rau chất lượng cao cho biết, chi phí mua giống biến đổi gene đắt gấp nhiều lần giống truyền thống. Số tiền này sẽ ngày càng nhiều lên khi người nông dân lệ thuộc vào các công ty cung ứng. Nhưng nếu họ muốn quay trở lại với giống cây cũ thì không thể do môi trường sinh thái đã biến đổi, đầu tư nhiều tiền, nhiều thời gian, công sức cũng khó cải tạo được như cũ.
Theo ông Minh, điều nguy hiểm trước mắt là nếu chính sách thu mua nông sản cào bằng giữa sản phẩm từ giống truyền thống và biến đổi gene thì người trồng đương nhiên sẽ sử dụng giống biến đổi gen. "Trong 5-10 năm đầu tiên, người nông dân rất nhàn, năng suất cao, ít sâu bệnh. Nhưng cái lợi đó chỉ trong thời gian ngắn, hậu quả để lại vô cùng to lớn khi họ bị ép giá từ những công ty cung ứng xuyên quốc gia", ông Minh nói.
Trên nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cảnh báo: các hãng cung cấp giống BĐG đem những hạt giống biến đổi gen này đi đăng ký để giữ chủ quyền. Việc hợp thức hóa việc làm này là một việc kinh khủng vì từ nay về sau, họ sẽ làm chủ và toàn quyền kiểm soát sinh vật, thực vật và sự sống trên quả địa cầu qua sự ghép gen và phối giống của họ. Đặc biệt, các hãng này còn có thể tạo ra giống có gen vô sinh. Hạt giống này sau khi cho ra hạt, chúng sẽ không thể trồng lại cho vụ mùa tới. Chúng là giống đã bị triệt sản: chỉ trồng được 1 lần thôi. Nếu phấn của chúng bay qua và phối hợp với giống khác, giống đó cũng sẽ mang gen vô sinh.
Không chỉ là lợi đồn, chính ông Lê Huy Hàm cũng cho biết: Hiện các giống cây trồng biến đối gen chỉ trồng được đến 2 hoặc 3 vụ là cùng. Sau đó, nếu tiếp tục trồng cây sẽ cho năng suất thấp, không giữ được các tính trạng như ban đầu. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu khi Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ BĐG thì Việt Nam có nên ứng dụng, thậm chí trồng đại trà khi chúng ta đang phụ thuộc giống hoàn toàn vào phía bạn? Monsanto có ý gì khi từng nói "Ai làm chủ hạt giống sẽ làm chủ thực phẩm, ai làm chủ đuợc thực phẩm sẽ làm chủ thế giới.
GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: Sinh vật biến đổi gen (Theo định nghĩa của Nghị định Cartagena) là sinh vật mà vật liệu di truyền của nó được biến đổi theo ý muốn chủ quan của con người, nó mang một tổ hợp nguyên liệu di truyền mới tạo ra nhờ sử dụng các kỹ thuật phân tử để đưa gen mới vào bộ gen của sinh vật, tạo ra một dạng chưa hề tồn tại trong tự nhiên. Thuật ngữ quốc tế gọi là GMO (Genetically Modified Organism). Sinh vật GMO trong cây trồng gọi là Cây trồng biến đổi gen (GMC). Thực phẩm được tạo ra từ các sinh vật biến đổi gen hay có chứa thành tố của chúng được gọi là Thực phẩm biến đổi gen.
|