CEO của Công ty cổ phần Chảo Đỏ - chủ các chuỗi nhà hàng Wrap&Roll, Cuốn Việt, Lẩu bò Sài Gòn, tiết lộ bí quyết thành công nằm ở nhân tố con người, trong đó phải chuẩn hóa quy trình phục vụ.
Cuối tháng 3/2017, Chảo Đỏ chuyển văn phòng từ 62, Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) về Dreamplex 2, 195 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, nơi được ví là tổ hợp cho những giấc mơ khởi nghiệp. Công ty này chú trọng xây dựng nhiều thương hiệu ẩm thực, Wrap&Roll là một trong số đó.
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng giám đốc Chảo Đỏ chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, mô hình ẩm thực độc đáo Wrap&Roll đã có 10 năm trụ vững tại thị trường Việt Nam, nên Chảo Đỏ có thể lạc quan rằng, chuỗi nhà hàng này sẵn sàng cất cánh trên con đường tăng trưởng nhanh trong cuộc cạnh tranh mới.
Mô hình ẩm thực độc đáo Wrap&Roll đã có 10 năm trụ vững tại thị trường Việt Nam.
Theo thông tin mà phóng viên có được, Mekong Capital đã đầu tư 6,9 triệu USD vào Chảo Đỏ từ tháng 3/2016. Đây cũng là chuỗi nhà hàng được kỳ vọng sẽ là Golden Gate thứ hai, khi được quỹ cầm trịch này hỗ trợ triển khai phục vụ nhiều đối tượng và tập trung vào món ăn Việt, mở thêm thương hiệu mới như nhà hàng Cuốn Việt vừa ra mắt.
Theo đại diện Chảo Đỏ, họ mở thêm thương hiệu Cuốn Việt để tiếp cận nhóm khách hàng tầm trung. Nếu chuỗi Wrap&Roll có món khai vị, món chính, món tráng miệng, thì Cuốn Việt điều chỉnh thực đơn chỉ một phần ăn chính với khẩu vị đậm đà hơn, kèm theo nước uống. Chảo Đỏ tham vọng, các gia đình trẻ không cần nấu ăn ở nhà, mà chỉ cần đến Cuốn Việt.
Thương hiệu thứ ba mà Chảo Đỏ đang “âm thầm” triển khai và sẽ khai trương vào đầu tháng 8/2017, đó là Lẩu bò Sài Gòn với slogan “Ngon vui quá xá”, kèm theo hình tượng một chú bò đang tươi cười với cốc bia lớn. Cách làm trẻ hóa thương hiệu cũng được Chảo Đỏ tiến hành thông qua việc thay đổi bộ nhận diện mới cho chuỗi Wrap&Roll vào năm ngoái.
Các thương hiệu mới còn đang chuẩn bị ra mắt nên chưa thể nói trước chuỗi nào sẽ mang lại doanh thu nhiều nhất, nhưng theo kỳ vọng của đại diện Công ty, chuỗi Cuốn Việt sẽ mở rộng ra được nhiều nhất, vì đối tượng chính của chuỗi là đa số khách hàng có thu nhập trung bình.
Chảo Đỏ đã có bếp trung tâm từ cuối năm 2016 tại Thủ Đức, diện tích khoảng 3.500 m2. Bếp được xây dựng nhằm đáp ứng thực phẩm cho 100 cửa hàng. Công ty đặt mục tiêu, tổng các thương hiệu sẽ tăng từ 15-20 cửa hàng/năm.
Ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 5 năm tới, khi tầng lớp trung lưu tăng trung bình 10%/năm và sẽ đạt khoảng 33 triệu người vào năm 2020. Một chuyên gia trong ngành F&B chia sẻ, việc dựa vào lợi thế các món ăn Việt để làm bàn đạp vào thị trường như Chảo Đỏ là có cơ sở để thành công, nếu quy trình được chuẩn hóa và chấp nhận đổ tiền vào đầu tư nhiều hơn.
Bà Trần Thị Lan Anh cho biết thêm, công thức của các chuỗi nhà hàng thành công chính là ở con người. Bởi vậy, năm 2016, Chảo Đỏ tập trung xây dựng nhà xưởng, chuẩn hóa quy trình phục vụ, làm mới thương hiệu. Bước sang năm 2017, Chảo Đỏ mở rộng chuỗi nhà hàng thông qua việc ra mắt thêm thương hiệu mới, hướng đến đại đa số người tiêu dùng trẻ. Đồng thời, chú trọng vào xây dựng hệ thống nguồn nhân lực.
Hồng Phúc
Theo Báo Đầu tư