Ông Trần Ngọc Tâm cho biết mục tiêu năm 2019 ngân hàng sẽ lợi nhuận trên dưới 1.000 tỷ đồng. 3 trọng tâm phát triển đó là công nghệ thông tin, quản trị rủi ro và yếu tố con người. Ngay sau Tết nguyên đán, Nam A Bank cũng sẽ làm đề án để trình lên NHNN xin chấp thuận về Basel 2.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 của các ngân hàng đã đi được hơn một nửa chặng đường. Trong số các nhà băng đã công khai tình hình tài chính năm qua nổi lên có Nam A Bank vượt xa chỉ tiêu và có mức tăng trưởng khá ấn tượng. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào mà nhà băng này lại có kết quả tăng trưởng nhanh như vậy, liệu họ có kế hoạch bứt tốc tiếp hay không và nếu có thì trọng tâm phát triển là gì…? Xoay quanh vấn đề này, nhân dịp đầu Xuân năm mới 2019, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Tâm – Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á.
PV: Thưa ông, được biết năm 2018 Nam A Bank đạt kết quả kinh doanh vượt xa mong đợi, vậy những yếu tố nào đã giúp mang lại thành công này?
Ông Trần Ngọc Tâm: Năm 2018 chỉ tiêu kinh doanh của chúng tôi là đạt lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, tuy nhiên thực tế đã đạt được hơn 740 tỷ đồng – con số cao nhất từ trước tới nay, vượt hơn 200% so với chỉ tiêu.
Kết quả kinh doanh này đến từ nhiều yếu tố, trong đó có 4 yếu tố chủ chốt nhất.
Đầu tiên là các dự án trước đây phải xử lý qua VAMC thì nay đã bán được, xử lý được và được hoàn nhập dự phòng. Nhờ xử lý được nợ xấu nên Moody’s đã xếp hạng chất lượng nợ cho ngân hàng rất tốt.
Thứ 2 là kế thừa thành quả từ nền tảng của hai nhiệm kỳ trước (thời kỳ ông Trần Ngô Phúc Vũ và bà Lương Thị Cẩm Tú làm Tổng giám đốc). Đó là các khoản vay phân tán vào khoảng 3-4 năm trước thì nay đã qua điểm hòa vốn và bắt đầu có lãi với gia tốc rất nhanh. Bên cạnh đó, tín dụng năm vừa rồi được giao vào khoảng 35% do ngân hàng có tham gia hỗ trợ các quỹ tín dụng (chỉ tiêu tín dụng cao hơn để bù lãi vào các chi phí tham gia tái cơ cấu) nên lợi nhuận cũng khá hơn.
Thứ 3 là hoạt động tín dụng không tập trung vào đô thị mà phân tán vào các địa phương xa, vùng sâu, biên độ lợi nhuận cao mà nợ xấu lại thấp.
Cuối cùng là tổng hợp các yếu tố từ tín dụng, giá trị thương hiệu, ứng dụng công nghệ, dịch vụ tại quầy, mạng lưới xây dựng thời gian qua đến nay đã hòa hợp và cho kết quả.
Với nền tảng tốt như vậy, định hướng của các ông năm 2019 là gì?
Năm 2019 chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển dựa trên các nền tảng đã đạt được của 2018 nhưng ở cấp độ cao hơn, trong đó đặc biệt ưu tiên về công nghệ, đưa hoạt động digital vào hoạt động dịch vụ và sản phẩm. Ví dụ với dịch vụ tại quầy và tiếp cận khách hàng, nếu như trước đây chỉ làm biện pháp truyền thống thì nay sẽ mở rộng tiếp cận khách hàng tự động…
Dự kiến lợi nhuận năm 2019 ngân hàng sẽ đạt khoảng trên dưới 1.000 tỷ đồng, tăng khoảng 17%, tổng tài sản lên 85.000 – 90.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ khoảng 17 – 20% bên cạnh việc cơ cấu lại danh mục an toàn hơn.
Riêng về tín dụng, trong năm 2018 ngân hàng đã ký kết hợp tác động quyền về phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam với Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) – đây là quỹ chuyên phục vụ chống biến đổi khí hậu, có cổ đông đóng góp ở các quốc gia Đông Âu và châu Âu. Trước đây quỹ này ký với một ngân hàng rất lớn ở Việt Nam nhưng vì lý do nào đó chưa được như mong muốn nên chuyển sang ký với Nam Á độc quyền với số tiền 35 triệu USD. Số tiền này GCPF cho Nam Á vay với lãi suất và ngân hàng cũng sẽ cho vay ra thị trường ở mức thấp khoảng 7% song vẫn đảm bảo lợi nhuận tốt.
Nhưng ngân hàng hiện có vốn mỏng, kết hợp với nguồn tiền tài trợ từ GCPF thì có đủ để phục vụ cho mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ hay không?
Hiện ngân hàng đã có vốn trên 3.400 tỷ đồng và chắc chắn năm nay sẽ hoàn tất tăng vốn lên 5.000 tỷ. Đúng ra kế hoạch đã tăng trong năm 2018 nhưng vì điều kiện thị trường chưa phù hợp nên dự kiến đầu quý 2/2019 sẽ thực hiện tăng vốn và gọi nhà đầu tư vào, chủ yếu nhà đầu tư nước ngoài. Về cơ bản các thủ tục cho việc tăng vốn đã ổn định, đối tác cũng đã chốt xong.
Hiện tín dụng đóng góp bao nhiêu vào lợi nhuận của ngân hàng thưa ông?
Vẫn là nguồn đóng góp chủ yếu, mảng dịch chưa phát triển nhiều. Tuy nhiên trong năm nay chúng tôi có kế hoạch xin cổ đông cho dùng lợi nhuận một phần để tái đầu tư, tăng ngân sách cho đầu tư công nghệ thông tin và đẩy mạnh phát triển dịch vụ. Phần đó sẽ xin cổ đông thông qua tại đại hội cổ đông sắp tới.
Được biết ngân hàng cũng tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các quỹ tín dụng, vậy đó là Nam Á xin được tham gia hay NHNN lựa chọn/ chỉ định thưa ông?
Ở phía ngân hàng thì chúng tôi có chi nhánh ở khu vực có quỹ tín dụng cần tái cơ cấu, bên cạnh đó cơ quan quản lý cũng gợi ý, trên cơ sở tự nguyện của tổ chức tín dụng. Chúng tôi đã tính toán kỹ thấy rằng nó phù hợp chiến lược phát triển lâu dài nên quyết định tham gia. Cụ thể là ngân hàng cần có thêm room để phát triển tín dụng và mở rộng mạng lưới - vốn không phải lợi thế của Nam Á so với các ngân hàng lớn khác, nên chúng tôi sẵn sàng dùng công sức của mình, bộ máy của mình để tham gia tái cơ cấu để có được các lợi thế như đã đề cập.
Quay trở lại hoạt động tín dụng xanh, được biết từ năm 2015 nước ta đã có chiến lược quốc gia về tín dụng xanh, nhưng mãi đến năm 2018 một vài ngân hàng mới quan tâm. Là một ngân hàng không có lợi thế như các nhà băng lớn vậy tại sao các ông lại chọn tín dụng xanh để ưu tiên phát triển?
Về việc tín dụng xanh vì sao còn phát triển chậm, theo tôi còn có nhiều lý do, có thể xuất phát từ nhận thức, từ cách thức vận hành, các vấn đề khác nữa…
Còn rõ ràng mà nói, tín dụng xanh không phải xu hướng ở Việt Nam mà trên toàn cầu, đó không chỉ là trách nhiệm của riêng các doanh nghiệp mà còn là của Chính phủ, của các quốc gia với toàn thế giới. Như tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 tổ chức hồi trung tuần tháng 1 vừa qua, một trong các nội dung được bàn đến nhiều đó là về biến đổi khí hậu. Các diễn giả tham gia đã chỉ ra rằng, Doanh nghiệp và Chính phủ phải hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, mà muốn bền vững thì phải hướng tới phát triển chung, mà thứ chung, thứ mang tính cộng đồng nhất hiện nay đó chính là khí hậu. Họ cũng chỉ ra rằng, nếu doanh nghiệp phát triển sản xuất mà không hướng vào môi trường thì sẽ tác động tới doanh nghiệp khác, rồi tiếp tục có tác động domino và quay trở lại doanh nghiệp của mình.
Trong hệ thống tôi không chắc các ngân hàng họ có chiến lược gì về tín dụng xanh, nhưng riêng Nam Á thì sẽ chú trọng, sẽ quan tâm tới các doanh nghiệp, các mảng nông nghiệp công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, không xả khí thải ra môi trường…Cụ thể, ngân hàng sẽ cấp tín dụng xanh trung và dài hạn cho các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm 20% nhu cầu năng lượng. Trong khi đó, với khách hàng cá nhân, Nam A Bank cho vay mua xe ôtô, vay tiêu dùng, vay đầu tư, vay xây dựng – sửa chữa nhà… miễn là các nhu cầu này không gây tác động đến môi trường. Khẩu vị này cũng hợp với GCPF và họ đã dành nguồn tài trợ tín dụng như tôi nói ở trên.
Đồng thời tôi cho rằng tín dụng xanh đang đi vào hoạt động, vào đời sống của nhân dân, tới đây sẽ là xu hướng phát triển mạnh.
Trở lại mục tiêu kinh doanh 2019, dường như ông đang lạc quan rằng mọi thứ sẽ thuận lợi, nhưng có các dự báo cho rằng năm nay không dễ dàng gì, vậy các ông đã chuẩn bị những gì để đối phó với các rủi ro có thể xảy ra?
Là một tổ chức tín dụng, chúng tôi cũng đã lường tới các kịch bản về rủi ro và có các biện pháp sẵn sàng đối phó, có bộ máy ổn định để đối phó với các vấn đề nếu có xảy ra. Hiện nay chúng tôi đã thành lập ban đối phó khủng hoảng ở các cấp độ. Năm 2019 chúng tôi sẽ có thêm các chuyên gia để nhận định về tương lai xa hơn để đo lường, cảnh báo từ xa và chủ động đối phó.
Được biết ngân hàng ông rất chú trọng phát triển nhân sự, vậy với mục tiêu đề ra cho năm nay thì công tác nhân sự nói chung và chính sách cho người lao động thế nào để thu hút và giữ chân nhân tài thưa ông?
Chúng tôi chắc chắn cần nhiều người giỏi, bao gồm cả những người đã xây dựng nền tảng từ vài năm nay, bên cạnh thu hút người tài về ngân hàng. Quản trị rủi ro, quản trị con người và công nghệ thông tin là 3 mũi nhọn mà chúng tôi tập trung vào và mỗi thứ có tỷ trọng ngang nhau.
Nếu xét về con số học thì với kế hoạch 35 địa điểm mở rộng hoạt động trong năm 2018 và 2019 thì phải cần tới ít nhất 500 người, cộng với số lượng hỗ trợ phía sau lên tới 600 – 700…
Về chính sách, mặt bằng chung hiện nay của ngân hàng là định hướng thu nhập tiệm cận vào top cao của 10 ngân hàng hàng đầu. Năm 2018 chúng tôi đã có 2 lần tăng lương cho cán bộ nhân viên, bên cạnh đó là xây dựng thể chế vận hành minh bạch, khuyến khích người tài, có văn hóa doanh nghiệp riêng biệt.
Với những nền tảng đã xây dựng từ vài năm qua, hiện nay một đặc điểm quan trọng của người Nam Á đó là rất tâm huyết, máu lửa, từ người lãnh đạo cao nhất tới các anh em nhân viên. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và nâng tầm chất lượng nhân sự hơn nữa.
Nam A Bank đã nhiều lần có kế hoạch niêm yết cổ phiếu, vậy năm 2019 có thể hiện thực hóa không thưa ông?
Chắc chắn là có. Sau đại hội cổ đông, chúng tôi sẽ mời đối tác tham gia, trong đó chủ yếu là đối tác nước ngoài. Trong thời gian tới sẽ nhập 2 sàn chứng khoán là một cho nên chúng tôi sẽ lên thẳng sàn chính thức.
Hiện Nam Á đã được tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s đánh giá tích cực, bên cạnh đó ngân hàng về cơ bản cũng đáp ứng được Thông tư 41 và 13 của NHNN về quản trị rủi ro (Basel 2). Sau Tết ngân hàng sẽ làm đề án xin NHNN chấp thuận cho áp dụng Basel sớm. Bên cạnh đó, kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý cũng cho thấy ngân hàng hoàn toàn lành mạnh, đã xử lý hoàn toàn sạch sẽ các tồn tại từ trước. Đây là những nền tảng rất thuận lợi để ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên HoSE.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Tùng Lâm
Theo Trí thức trẻ