Bên cạnh việc gây khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng GDP, giải ngân chậm còn khiến Chính phủ phải gánh lãi vay và gây áp lực lên nền kinh tế. Bởi vậy, nhiệm vụ chính trị quan trọng của các bộ, ngành, địa phương là phải thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư.
Một lần chậm giải ngân, ba lần lãng phí
Chính phủ thể hiện rõ sự cương quyết khi tại cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cách đây 2 ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, đã nhắc đi nhắc lại tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.
“Việc chậm giải ngân sẽ khiến lãng phí 3 lần. Một là, lãng phí từ việc công trình chậm đưa vào sử dụng. Hai là, tiền để đấy, Nhà nước phải trả lãi. Ba là, nhà thầu phải đi vay ngân hàng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, kết hợp thúc đẩy tiến độ các dự án hiện có sẽ giúp giảm áp lực giao thông tại đô thị lớn. Ảnh: Đức Thanh
Không chỉ là lãng phí, việc cho tới thời điểm giữa tháng 6/2017, tổng vốn đầu tư công đã thanh toán mới đạt 85.000 tỷ đồng, bằng 23,9% kế hoạch năm 2017 và 27,6% kế hoạch vốn được Quốc hội phân bổ và Thủ tướng giao, được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm không được như kỳ vọng. “Chậm giải ngân chính là một điểm nghẽn của tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Câu chuyện nằm ở chỗ, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, Nhà nước phải đi vay để đầu tư, mà tiền có lại để đấy, không giải ngân được. Số liệu của Tổ công tác cho thấy, vốn dư gửi tại Kho bạc Nhà nước lúc nào cũng khoảng 120.000 tỷ đồng. Đó là một con số không hề nhỏ, nhưng lại không được đưa vào giải ngân, chưa mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, song Nhà nước vẫn phải trả lãi tiền vay.
“Hết năm 2017, nợ công sẽ tăng lên mức 65% GDP, chạm mức trần 65% mà Quốc hội đề ra. Nợ công chạm trần, Chính phủ sẽ phải tính đến vay nợ trong nước. Để vay nợ, bù đắp bội chi, các công cụ điều hành vĩ mô như công cụ lãi suất, tỷ giá… sẽ được sử dụng. Điều này sẽ gây áp lực lên lạm phát và toàn bộ nền kinh tế. Việc huy động từ phát hành trái phiếu chính phủ xong rồi không tiêu được, chậm tiêu, nằm lại ở ngân hàng là luẩn quẩn”, báo cáo của Tổ công tác nêu rõ.
Nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân
Hệ lụy lớn như vậy, nên Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh rằng, các bộ, ngành, địa phương phải coi đẩy mạnh giải ngân vốn là nhiệm vụ chính trị, phải quyết liệt chỉ đạo, rà soát lại tất cả các vướng mắc, từ thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, tạo điều kiện cho các nhà thầu tạm ứng nếu chưa thanh toán được... Tất cả vì mục tiêu thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
“Không thể để tình trạng có vốn mà không giải ngân được. Có tiền, có vốn mà không tiêu được là do thủ tục và chỉ đạo thiếu quyết liệt của người đứng đầu. Đặc biệt, cần xem lại năng lực của đơn vị thi công. Tiền không tiêu được cũng là lãng phí”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Trên thực tế, đây cũng chính là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu năm, sau khi thấy tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Nguyên nhân đã được chỉ ra là do còn những vướng mắc trong thủ tục đầu tư, đặc biệt trong giải phóng mặt bằng và cũng không loại trừ yếu tố năng lực của đơn vị thi công.
Thậm chí, phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng còn cho biết, có tình trạng đẩy tiến độ giải ngân lên rồi ứng vốn lấy tiền gửi ngân hàng, tức tăng tỷ lệ giải ngân, nhưng tiền không vào đầu tư phát triển.
Trong khi đó, theo phản ánh của TP. Đà Nẵng, vướng mắc lớn nhất của thành phố này là đền bù, giải phóng mặt bằng và thủ tục giao vốn còn nhiều rườm rà. Còn TP.HCM cũng đang rất vướng do các dự án phải điều chỉnh liên tục và phải xin phép HĐND, trong khi HĐND một năm chỉ họp 2 kỳ.
Không chỉ vướng ở giai đoạn chuẩn bị, các bộ, ngành, địa phương cho biết, có tình trạng đơn vị đã hoàn thành khối lượng rất lớn, nhưng lại không ứng tiền, thanh toán do còn những thủ tục khắt khe. Có những đơn vị không làm theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, phải lập dự án từ tháng 10/2016, nhưng tới giữa năm 2017 mới lập.
Cộng hưởng của các yếu tố đó đã dẫn tới chậm giải ngân vốn đầu tư, khiến Thủ tướng, Chính phủ rất sốt ruột, bởi hệ lụy tới nền kinh tế là khôn lường.
“Tất cả các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp mạnh nhất để tập trung giải ngân quyết liệt. Nếu năng lực nhà thầu thi công không đáp ứng được thì thay thế nhà thầu. Nếu bộ phận cán bộ theo dõi năng lực không tốt hoặc có vướng mắc thì sắp xếp, thay thế cán bộ. Nếu do mặt bằng thì phải trực tiếp chỉ đạo giải phóng mặt bằng. Tinh thần là thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo. Không thể chấp nhận việc có tiền, có vốn mà không tiêu được do thủ tục, do không chỉ đạo quyết liệt”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ đạo.
Thông tin cho biết, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang rà soát những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công để kịp thời tháo gỡ.
“Tinh thần là quyết tâm tới tháng 8, tháng 9, sẽ giải ngân tốt để cuối năm, 100% đơn vị giải ngân hết vốn, nhưng không phải tới ngày 31/12 mới giải ngân, mà giải ngân sớm để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời giảm tổn thất, tránh lãi giả lỗ thật cho nhà thầu”, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và cương quyết rằng, tới tháng 10/2017, đơn vị nào không giải ngân đạt yêu cầu thì Chính phủ dứt khoát sẽ điều chuyển vốn, không giao vốn cho đơn vị đó trong năm sau.
Hà Nguyễn
Theo Báo Đầu tư