Nếu chậm sửa luật này thì không ít người có chức quyền lại có thêm điều kiện tham nhũng.
Nếu chậm sửa luật này thì không ít người có chức quyền lại có thêm điều kiện tham nhũng.
Chiều 28-5, thảo luận tại tổ về Đề án đổi mới hoạt động của QH và Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm là bỏ phiếu tín nhiệm với một số chức danh và nâng cao chất lượng xây dựng luật của QH.
Luật Đất đai: Không thể chậm hơn nữa
Theo chương trình ban đầu, Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 cuối năm nay và thông qua vào kỳ họp thứ 5 vào giữa năm sau. Tuy nhiên, Chính phủ đề xuất lùi luật này theo hướng trình xin ý kiến QH vào kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 cuối năm 2013. Vấn đề này nhận được nhiều ý kiến không đồng tình của các ĐBQH.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho hay cử tri bức xúc nhất là Luật Đất đai nhưng cho đến giờ luật này cũng còn để đó. “Luật Đất đai cực kỳ quan trọng nhưng tại sao lại chậm như vậy?” - bà Lan đặt câu hỏi.
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thì bức xúc: “Tham nhũng nhất ở Việt Nam hiện giờ là ở lĩnh vực đất đai. Bây giờ bao nhiêu vụ bức xúc như vậy. Vì thế, chậm sửa Luật Đất đai là có tội với dân. Chậm thì người có chức, có quyền lại có thêm điều kiện tham nhũng”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng đề nghị không lùi Luật Đất đai nữa vì cử tri đang rất chờ đợi việc sửa đổi luật này. “Vừa rồi Hội nghị Trung ương 5 có kết luận một số vấn đề quan trọng về chính sách, pháp luật về đất đai như vấn đề sở hữu. Nhưng điều đó không có nghĩa là Luật Đất đai không cần phải nhanh chóng sửa đổi” - ông Nghĩa nói.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM): “Chúng ta đang làm luật theo những gì Chính phủ có chứ không phải những gì chúng ta cần”. Ảnh: THU HẰNG
Bỏ phiếu rồi mà Đảng nói chưa được thì sao?
Về vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm một số chức danh do QH bầu, phê chuẩn, nhiều ĐBQH đến từ đoàn Thanh Hóa cùng chung quan điểm cho rằng đây là chuyện hệ trọng nên cần xem xét một cách thấu đáo. Theo ĐB Phạm Trí Thức, vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đã được quy định khá rõ tại Luật Hoạt động giám sát của QH, còn việc lấy phiếu tín nhiệm mới đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 theo hướng hằng năm sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh. “Đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước do QH bầu. Do đó cần hết sức cân nhắc” - ông Thức nói.
Ông Lê Nam, Phó đoàn ĐBQH Thanh Hóa, cũng băn khoăn: Nếu bỏ phiếu mà tín nhiệm thấp thì người lãnh đạo bị tín nhiệm thấp ấy điều hành ra sao? Trường hợp nếu đạt tín nhiệm thấp quá thì xử lý thế nào?
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) thì nói thẳng: “Việc bỏ phiếu tín nhiệm với Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ... là rất mất thời gian. Cạnh đó, đối với những chức danh nằm trong công tác cán bộ của Đảng, QH bỏ phiếu xong rồi mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo chưa được thì rất mất công. Theo tôi, chúng ta chỉ đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với những chức danh “có vấn đề”” - ông Tiến kiến nghị.
ĐB Hoàng Tuấn Anh (Tây Ninh) cũng cho rằng công tác cán bộ là của Đảng, nếu bỏ phiếu tín nhiệm thì rất mất thời gian. “Tại sao chúng ta không chỉ rõ khuyết điểm của người ta ra, nếu không khắc phục được thì mới bỏ phiếu bất tín nhiệm” - vị này nêu câu hỏi.
Ít ĐB phát biểu chuyện nóng sốt
ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng điều quan trọng đối với việc đổi mới hoạt động của QH là cần giải quyết kịp thời nhiều vấn đề bức xúc cử tri phản ánh, không để sự việc càng lúc càng tệ như những sự việc của Bộ GTVT đi từ sốc này đến sốc khác, cơn sóng này chưa được xử lý thì cơn sóng khác lại đến.
ĐB Trương Trọng Nghĩa lại băn khoăn về những vụ dư luận quan tâm, bức xúc nhưng ĐBQH đại diện cho tiếng nói của cử tri lại không hề lên tiếng. “Có những sự việc xảy ra, cử tri mong tiếng nói của ĐB nhưng ĐB không nói gì như vụ Tiên Lãng. Trong các kỳ họp cũng vậy, tỉ lệ ĐB phát biểu về những vấn đề nóng sốt cũng ít” - ông Nghĩa nêu.
Theo ông Nghĩa, có một thực tế là các ĐBQH chuyên trách lại đang là công chức giống như chủ tịch QH là thủ trưởng. “Khi cải tiến hoạt động QH thì phải nhìn thấy những hạn chế này. Các vị này nhiệm kỳ năm năm thì phải tính sao sau khi hết nhiệm kỳ họ còn đường về làm công chức. Chứ phát biểu mà hết nhiệm kỳ lại không còn công việc nữa thì họ cũng lo. Hiện nay đang tồn tại chuyện này. Cho nên phải có đảm bảo gì đó để những trường hợp này sau khi hết nhiệm kỳ vẫn được trở về công việc cũ mà không bị quở trách gì” - ông Nghĩa lưu ý.
Đề xuất luật về bảo vệ chủ quyền quốc gia
Gần đây, chủ quyền quốc gia của ta đang bị đe dọa và dường như ngày càng nóng lên. Trong khi đó, vấn đề bảo vệ lãnh thổ, lợi ích và chủ quyền quốc gia đụng đến mọi tầng lớp nhân dân chứ không chỉ là việc của riêng một số người nào hay của cơ quan nhà nước nào. Do vậy tôi đề xuất dự án Luật Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích và chủ quyền quốc gia để QH xem xét.
Luật này đề ra trách nhiệm, nghĩa vụ, phương thức để mỗi công dân cũng như mỗi tổ chức, cơ quan khi đụng tới vấn đề bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia thì sẽ có cách thức ứng xử thích hợp.
ĐB TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, TP.HCM
Hơn 400 tử tù đang chờ thi hành án
Hiện nay có tình trạng luật ban hành ra nhưng không có điều kiện thực hiện. Ví dụ, Luật Thi hành án hình sự trong đó có quy định tử hình bằng tiêm thuốc độc đến nay hơn một năm rồi không thể thực hiện được. Một là phải xây dựng được các trung tâm, chúng tôi bỏ tiền túi xây dựng được bốn trung tâm nhưng xây xong thì không có thuốc độc để tiêm. Bộ Y tế không cho. Đến nay hơn 400 đối tượng có án nhưng chưa thi hành được.
ĐB ĐẶNG VĂN HIẾU, Thanh Hóa
Còn bao nhiêu cái “Vina…” nữa?
Đa số các nước làm luật từ chính phủ trình chứ không riêng ta nhưng đầu bài thì QH phải quyết. Khi ĐB trình sáng kiến luật thì các cơ quan QH phải làm rõ. Tôi dẫn chứng tôi trình hai luật chuẩn bị công phu, được khen hay nhưng vẫn chưa làm vì Chính phủ chưa trình (luật về công nghiệp hỗ trợ, luật về hợp tác công tư PPP). Lẽ ra các cơ quan QH thấy được thì giao Chính phủ làm chứ không thụ động chờ như vậy.
Cho nên tôi thấy chương trình luật vẫn tâm tư. Tôi đề nghị đưa vào chương trình luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước bởi hiện nay một khối lượng tài sản lớn không ai quản lý. Chúng ta thấy như Vinashin, Vinalines, còn bao nhiêu cái “Vina…” không ai quản. Những vấn đề lớn như thế dường như không ai quan tâm, còn những luật không quan trọng lại đưa vào. Chúng ta đang làm luật theo những gì Chính phủ có chứ không phải những gì chúng ta cần, điều này cần phải được sớm sửa đổi.
ĐB TRẦN DU LỊCH, TP.HCM
Theo NHÓM PV
PL HCM