Sự kiện hot
2 năm trước

Chân dung nhà khoa học nữ có niềm đam mê đặc biệt với cây chè

Bằng những cố gắng nỗ lực của bản thân cùng sự ủng hộ của các đồng nghiệp, trong gần 30 năm công tác nghiên cứu khoa học, những hoạt động của TS. Nguyễn Thị Hồng Lam đã được ghi nhận bằng nhiều Giải thưởng khoa học và Bằng khen có giá trị.

TS. Nguyễn Thị Hồng Lam - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè, Viện NOMAFSI là “Mẹ đẻ” 4 giống như PH12; PH14; Shan Chất Tiền; Tủa Chùa 4. Ảnh: Sơn Thủy
TS. Nguyễn Thị Hồng Lam - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè, Viện NOMAFSI, chị cùng các đồng nghiệp tạo ra 4 giống như PH12; PH14; Shan Lũng Phìn; Tủa Chùa 4. Ảnh: Sơn Thủy

Mặc dù công việc rất bận nhưng TS. Nguyễn Thị Hồng Lam - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè thuộc Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc - Viện NOMAFSI ở xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, Viện NOMAFSI vẫn dành thời gian để trò chuyện với chúng tôi. Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị là sự thân thiện, cởi mở khiến người đối diện cảm thấy chị rất gần gũi.

Sinh ra trong một gia đình trí thức, có truyền thống nghiên cứu khoa học về cây chè, mẹ đẻ là nguyên Phó Giám đốc Công ty chè Phú Đa nên ước mơ được gắn bó với công tác nghiên cứu đã đến với chị Nguyễn Thị Hồng Lam ngay từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông. Sau khi tốt nghiệp đại học Nông Lâm Thái Nguyên, cô sinh viên ngày ấy đã bước đầu thực hiện niềm đam mê của mình từ năm 1996 tại Viện nghiên cứu Chè Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, chị về Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè, Viện NOMAFSI. Làm việc trong môi trường khá vất vả, công việc nghiên cứu tưởng chừng khô khan với phụ nữ nhưng chị cùng với các đồng nghiệp luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với tất cả sự say mê.

Sau một thời gian công tác tại Viện nghiên cứu Chè Việt Nam, chị thường xuyên lăn lộn trên những vùng núi cao như huyện Đồng Văn, Vị Xuyên (Hà Giang); Suối Giàng (Yên Bái) hay các vùng cao như huyện Tủa Chùa (Điện Biên), Lai Châu… chứng kiến sự khắc nghiệt của thời tiết, những vất vả của bà con dân tộc vùng cao chị Nguyễn Thị Hồng Lam quyết định lựa chọn nghiên cứu khoa học về giống cây chè, chủ yếu nghiên cứu về cây giống chè Shan kể cả công trình nghiên cứu khoa học Thạc sĩ và cấp Tiến sĩ cũng chủ yếu đi sâu nghiên cứu giống cây chè Shan.

Năm 2000, chị và các đồng nghiệp bắt đầu phát triển việc nghiên cứu về giống chè LP18 và chè Shan, hiện nay, chè Shan đã được công nhận 4 giống như PH12; PH14; Shan Lũng Phìn; Tủa Chùa 4. Trong đó, giống chè Shan được PH14 được nghiên cứu nhân giống tuyển chọn từ huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang về năng suất rất cao, đây là giống có tuyết rất nhiều. Càng làm, càng đi sâu vào nghiên cứu về các giống chè, chị càng cảm thấy hấp dẫn, dần dần chè đã trở thành niềm đam mê nghiên cứu của chị.

Phóng viên trao đổi với nhà khoa học TS. Nguyễn Thị Hồng Lam tại khu đồi chè trong khuôn viên Viện về việc nghiên cứu cây chè giống mới. Ảnh: Sơn Thủy
Phóng viên trao đổi với nhà khoa học TS. Nguyễn Thị Hồng Lam tại khu đồi chè trong khuôn viên Viện về việc nghiên cứu cây chè giống mới. Ảnh: Sơn Thủy

Trao đổi với TS. Nguyễn Thị Hồng Lam - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè, Viện NOMAFSI cho biết: “Trong công tác lai tạo ban đầu như theo mục tiêu nghiên cứu với dòng chất lượng tốt, dòng chống chịu tốt, năng suất cao… sau đó lấy những dòng phấn hoa đó để lai tạo tiếp tục chăm sóc và thu hạt gieo trồng đánh giá, nên rất mất nhiều công và thời gian cho việc nghiên cứu tuyển chọn ban đầu. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu các giống chè mất thời gian rất lâu, ví dụ như giống chè LP18 được nghiên cứu từ năm 1998 và PH 12; PH14 nghiên cứu mấy chục năm mới ra giống cây chè như hiện nay”. 

TS. Nguyễn Thị Hồng Lam trao đổi với phóng viên tại Khu vườn quỹ gen giống chè của Trung tâm có tổng 230 nguồn gen được lưu giữ. Ảnh: Sơn Thủy
TS. Nguyễn Thị Hồng Lam trao đổi với phóng viên tại Khu vườn quỹ gen giống chè của Trung tâm có tổng 230 nguồn gen được lưu giữ. Ảnh: Sơn Thủy

“Nói về những khó khăn trong việc nghiên cứu tạo ra các giống cây chè mang lại hiệu quả cao, chủ yếu với những giống chè Shan phát triển trên vùng núi cao của bà con dân tộc thiểu số như vùng Hà Giang, Điện Biên vùng núi cao Đồng Văn, Vị Xuyên, Tủa Chùa, Suối Giàng… nên ở những vùng sâu vùng xa đi lại rất là khó khăn và trình độ dân trí của bà con còn thấp” - TS. Hồng Lam chia sẻ thêm.

Cho tới nay, đã có tới 173 giống chè trong thư viện giống của Viện; nhiều giống chè mới đã được công nhận tạm thời và chính thức như: LDP1, LDP2, Hùng Đinh Bạch, Keo An Tích, Phúc Vân Tiên, PT95, Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Bát Tiên… được bà con nông dân và chính quyền các địa phương tin tưởng áp dụng, đã có 60% diện tích trồng chè được đưa giống mới vào thay thế.

Là một trong những cơ sở nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực nông lâm nghiệp của đất nước, NOMAFSI đã và đang đóng góp rất lớn vào quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu cây trồng của cả nước, góp phần giúp bà con nông dân mang lại hiệu quả kinh tế ngày một cao hơn trong sản xuất nông lâm nghiệp.

TS. Hồng Lam chia sẻ, làm công tác nghiên cứu không giống như nhiều ngành nghề khác, phải làm thường xuyên, liên tục và mất rất nhiều thời gian, thậm chí còn không có ngày nghỉ, nhưng với chị, cây chè đã trở thành niềm đam mê, nghiên cứu. Để có được thành công như hôm nay, đằng sau chị là người chồng biết cảm thông, chia sẻ với công việc của vợ, hai người con đều ngoan ngoãn, học giỏi là niềm tin để chị làm tốt công việc của một nhà nghiên cứu khoa học.

Nói về những dự định trong tương lai,TS. Nguyễn Thị Hồng Lam cho hay: “Sắp tới ngành Nông nghiệp còn rất nhiều việc. Hướng của tôi là tìm kiếm và thực hiện thêm các đề án nghiên cứu khoa học các giống mới về cây chè…tôi nghĩ sẽ phải phát huy thêm khả năng để nhân rộng, đặc biệt là đào tạo thế hệ trẻ tiếp bước cùng mình trong nghiên cứu khoa học. Đó là ước mơ của tôi”.

Với những cố gắng nỗ lực của bản thân cùng sự ủng hộ của lãnh đạo Trung tâm và Viện cùng các đồng nghiệp, trong gần 30 năm công tác nghiên cứu khoa học về những giống cây chè được ứng dụng thực tiễn, những hoạt động của chị đã được ghi nhận bằng nhiều Giải thưởng khoa học và Bằng khen có giá trị như: Bằng lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam 2009; Giải thưởng Tập thể phụ nữ Việt Nam 2012; Bằng khen chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hàng năm của Viện NOMAFSI và cấp Bộ; nhiều Bằng khen của Bộ trưởng và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam…/.

Sơn Thủy/KTDU

Từ khóa: