Sự kiện hot
8 năm trước

Chân dung 'ông trùm' đất Bình Dương Becamex IDC

Becamex IDC hiện đang sở hữu nhiều khu công nghiệp, đầu tư dự án Thành phố mới tỉnh Bình Dương gần 10 tỷ USD, tổng tài sản chỉ đứng sau Tập đoàn Vingroup...

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Becamex IDC là doanh nghiệp song hành cùng với sự phát triển của tỉnh Bình Dương từ những ngày giành độc lập, cho đến nay trở thành trụ cột kinh tế tỉnh với vòi bạch tuộc vươn đến mọi lĩnh vực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thương hiệu Becamex IDC trải dài khắp đất Bình Dương, lan qua miền Trung và hiện diện ngay tại các tỉnh miền Bắc như Bắc Ninh, Hải Phòng... Chưa hết, Công ty này còn là chủ sở hữu một đội bóng thành tích bậc nhất giải bóng đá vô địch quốc gia V-League (Becamex Bình Dương).

Nhiều người cho rằng Becamex IDC như một "Chaebol" của tỉnh Bình Dương vì những đóng góp với sự phát triển kinh tế vùng.

Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ chính thức có công văn phê duyệt phương án cổ phần hóa Becamex IDC, sau cổ phần hóa Nhà nước sẽ chỉ còn nắm giữ 51% vốn điều lệ.

Chân dung Becamex IDC ra sao mà đủ khả năng dẫn dắt nền kinh tế của cả một tỉnh?Do hạn chế trong việc công khai các thông tin hoạt động, chúng tôi chỉ có thể đưa đến tới bạn đọc góc nhìn về Becamex IDC thời điểm từ năm 2015 trở về trước. Bài viết dựa trên báo cáo tài chính 2013 - 2014 - 2015; trang web Becamex IDC. Hiện tại báo cáo tài chính năm 2016 của Công ty chưa được công bố.

Từ thu gom nông sản tới dự án Thành phố mới Bình Dương 10 tỷ USD

Thành lập năm 1976, tiền thân của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Becamex IDC là Công ty Thương Nghiệp Tổng Hợp Bến Cát (Becamex), hoạt động kinh doanh chính là thu mua nông sản.

Năm 2010, Becamex IDC được chuyển đổi sang mô hình Tổng Công ty và bắt tay vào thực hiện Dự án đầy tham vọng Thành phố mới Bình Dương nằm trong khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Bình Dương.

Phối cảnh "siêu dự án" thành phố mới Bình Dương

Dự án Thành phố mới Bình Dương theo quy hoạch có tổng diện tích 1.000ha, được kỳ vọng đủ khả năng phục vụ cho khoảng 125.000 người định cư lâu dài và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc. Để thực hiện siêu dự án này, Becamex IDC tính toán tổng nhu cầu vốn đến năm 2020 để hoàn thành các dự án thành phần theo quy hoạch là hơn 200.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỷ USD.

Bên cạnh lĩnh vực bất động sản - hạ tầng, Becamex IDC còn đầu tư đa ngành vào nhiều lĩnh vực phụ trợ như đại học, bệnh viện, dược phẩm, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng…

Trong lĩnh vực tài chính, hiện Becamex IDC đang sở hữu 37% cổ phần của Chứng khoán Đệ Nhất (FSC) và 20% cổ phần của Bảo hiểm Hùng Vương. Becamex IDC từng nắm giữ cổ phần lớn tại ngân hàng Phương Nam nhưng hiện đã thoái hết vốn khỏi ngân hàng này. Công ty hiện đang sở hữu 1 công ty trong lĩnh vực viễn thông, 3 công ty sản xuất , 2 công ty dược phẩm cùng hệ thống bệnh viện và trường đại học tại Bình Dương.

Thậm chí ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã từng phát biểu trên báo chí về Becamex IDC: “Nếu không có công ty này làm đầu tàu, bao sân thực hiện thì các công trình, dự án trọng điểm kinh tế - xã hội mang tính đột phá của tỉnh trong thời gian qua sẽ khó thành công”.

Becamex IDC đang là chủ đầu tư hoặc hợp tác đầu tư rất nhiều dự án bất động sản lớn, phát triển đồng thời tại cả 2 mảng lớn Khu công nghiệp và Khu đô thị.

Trong lĩnh vực phát triển khu đô thị, ngoài Dự án Thành phố mới Bình Dương, Becamex IDC còn có các dự án như Becamex City Center với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, dự án Ecolakes Mỹ Phước với tổng mức đầu tư gần 620 triệu USD trong vòng 7 năm.. Dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương hay dự án nhà ở an sinh xã hội Becamex… với quy mô mỗi dự án lên đến hàng trăm héc ta.

Becamex hiện cũng là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, với các dự án đã phát triển bao gồm Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Bình Dương, Khu công nghiệp Mỹ Phước 1-2-3, Khu công nghiệp Bàu Bàng, Khu công nghiệp Becamex – Bình Phước và góp vốn với Sembcorp Industries thành lập Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP).

Quỹ đất "khổng lồ" mà các khu công nghiệp của Becamex IDC sở hữu

Trong đó VSIP là một trong những khoản đầu tư thành công nhất của Becamex. Hiện liên doanh này đang vận hành 5 khu công nghiệp, bao gồm: Bắc Ninh (2007), Hải Phòng (2010), Quảng Ngãi (2013), Hải Dương và Nghệ An (2015). Đến nay, VSIP đã thu hút 690 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 7,1 tỷ đô-la Mỹ, tạo ra khoảng 180.000 việc làm cho người lao động.

Các công ty con của Becamex như Becamex IJC, Becamex TDC… cũng đang triển khai rất nhiều dự án thành phần trong các “siêu dự án” của hệ thống Becamex.

Tổng tài sản chỉ đứng sau Vingroup, hệ số đòn bẩy tài chính cao

Tính đến 31/12/2015, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của công ty mẹ Becamex IDC đạt lần lượt là 36.950 tỷ đồng và 8.310 tỷ đồng. Xét về quy mô tài sản, Becamex chỉ đứng sau Vingroup trong số các doanh nghiệp bất động sản – hạ tầng đang niêm yết, xếp trên Vinaconex, CII hay Kinh Bắc (KBC)…

Tổng tài sản các doanh nghiệp cùng ngành trong lĩnh vực BĐS - hạ tầng (Số liệu năm 2015)

Không chỉ có khối lượng tài sản lớn, Becamex IDC cũng sử dụng hệ số đòn bẩy tài chính khá cao. Xét về chỉ tiêu tổng nợ phải trả/tổng tài sản, Becamex IDC đạt tỷ lệ 0,78 lần năm 2015, cao hơn các doanh nghiệp khác cùng ngành.

Tổng các khoản nợ phải trả của Becamex IDC trong năm 2015 lên tới 28.640 tỷ đồng, trong đó 18.500 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, nợ dài hạn hơn 10.140 tỷ đồng. Các chỉ số ROE, ROA theo tính toán lần lượt ở mức 8,3% và 1,87%.

Để thấy được chi tiết các khoản nợ hơn, chúng tôi phải dựa trên số liệu báo cáo tài chính năm 2014 của công ty. Thời điểm đó, “chaebol” đất Thủ đang vay ngắn hạn ngân hàng tổng cộng 3.136 tỷ đồng, trong đó, 2.240 tỷ đồng từ BIDV – chi nhánh Bình Dương.

Còn nếu tính cả phần vay ngắn hạn các tổ chức và cá nhân, vay dài hạn đến hạn trả, trái phiếu phát hành đến hạn trả thì tổng nghĩa vụ chi trả ngắn hạn của Becamex IDC lên đến 4.546 tỷ đồng.

Thêm vào đó, Becamex IDC cũng vay dài hạn 1.274 tỷ đồng từ các NHTM, 95 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư và phát triển Bình Dương. Đặc biệt, công ty còn huy động thêm 7.200 tỷ đồng khác từ các nhà băng thông qua việc phát hành 7.200 tỷ đồng trái phiếu có bảo đảm. Trong đó, ba trái chủ lớn nhất là BIDV Bình Dương (2.000 tỷ đồng), Vietinbank Đồng Nai (2.000 tỷ đồng), Maritime Bank (1.000 tỷ đồng). Với những khoản vay khổng lồ ấy, Becamex IDC đã phải chi tới 185 tỷ đồng để trả lãi trong năm 2014.

Để có thể thực hiện các khoản vay trên, công ty đem thế chấp khá đa dạng các loại tài sản từ quyền kinh doanh và khai thác dự án, hợp đồng tiền gửi có kì hạn, quyền thu cổ tức, tài sản hình thành từ vốn vay… đến các khoản thu theo hợp đồng kinh tế. Và đặc biệt, không thể thiếu trong số đó là các quyền sử dụng đất. Ước tính, diện tích đất mà Becamex IDC đem đi cầm cố tại các ngân hàng tới gần 5 km2 trị giá cả ngàn tỷ đồng.

So về kết quả kinh doanh những năm gần đây, Becamex IDC tăng trưởng khá ấn tượng về mặt doanh thu. Doanh thu hoạt động năm 2015 đạt 6.075 tỷ đồng, tăng 59% so với năm 2014. Lãi sau thuế đạt 691 tỷ đồng, tăng 36,6% so với năm 2014 nhưng giảm 42% so với năm 2013.

Kết quả kinh doanh Becamex IDC giai đoạn 2013 - 2015

Đáng chú ý, trong 2 năm 2014 và 2015, Công ty không phải nộp bất kỳ một khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào do lãi trước thuế thấp hơn hạn mức được miễn thuế.

Theo báo Đầu tư, Becamex IDC được chấp thuận hàng loạt cơ chế ưu đãi về thuế cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành như hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm đầu tiên, miễn thuế 4 năm và giảm 50% cho 9 năm tiếp theo tính từ năm 2013.

Kế hoạch IPO

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn phê duyệt phương án cổ phần hóa Becamex IDC. Theo đó, phần vốn nhà nước tại Công ty sẽ được giữ nguyên, cổ phiếu sẽ được phát hành thêm để tăng vốn.

Vốn điều lệ của Becamex IDC dự kiến 13.170 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ hơn 670 triệu cổ phiếu (tương ứng 51% vốn). Lượng cổ phiếu bán đấu giá công khai khoảng 311 triệu (chiếm 23,63% vốn), bán cho cổ đông chiến lược hơn 329 triệu cổ phiếu (tương đương 25% vốn).

Được biết trong năm 2015, tỉnh Bình Dương từng có kế hoạch cổ phần hóa Becamex IDC cùng với Tổng Công ty Thanh Lễ (Thalexim). Theo tính toán ban đầu thì sau cổ phần hóa Nhà nước sẽ giữ 75% vốn tại 2 doanh nghiệp này. Tuy nhiên kế hoạch triển khai cổ phần hóa 2 “ông lớn” tỉnh Bình Dương trong năm 2015 đều đi đến thất bại. Hiện tại Becamex IDC vẫn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Bạch Mộc

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: