Để tránh tình trạng thực phẩm bẩn có thể đi đường vòng, có ý kiến cho rằng, hình thức "thưởng nóng" nên được áp dụng rộng rãi hơn.
Để tránh tình trạng thực phẩm bẩn có thể đi đường vòng, có ý kiến cho rằng, hình thức "thưởng nóng" nên được áp dụng rộng rãi hơn.
Hiện nay, TP.HCM đang phải nhập lượng lớn thực phẩm từ các tỉnh bạn để đáp ứng cho hơn 10 triệu dân của thành phố. Việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của cơ quan chức năng vì thế cũng trở nên phức tạp, khó khăn hơn.
Người dân sẽ giúp các cơ quan phát hiện nhiều vụ vi phạm
Theo ông Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM thì: "Hiện nay, các cơ quan chức năng tại TP.HCM mới chỉ kiểm soát được 87% nguồn cung thịt heo, khoảng 89% thịt gà vào thành phố, phần còn lại dựa vào yếu tố "may rủi". Tình trạng thực phẩm chứa chất độc, sử dụng chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu công nghiệp có hại cho sức khỏe vẫn phổ biến trên thị trường, khiến người tiêu dùng lo lắng. Không ít người cho rằng, việc quản lý triệt để vấn đề ATVSTP là điều không tưởng. Vì thế, để kiểm soát tốt vấn đề ATVSTP, các cơ quan chức năng tại TP.HCM cần có đông đảo người dân hỗ trợ".
Chị Nguyễn Thị Linh (32 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết: "Nếu mỗi người Việt Nam đều có ý thức ngăn chặn thực phẩm bẩn thì sẽ giảm thiểu được những thiệt hại lớn về kinh tế và góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Tôi được biết, để phát hiện và xử lí hậu quả do các cơ sở chế biến thực phẩm bẩn để lại, tốn kém biết bao nhiêu ngân sách Nhà nước.
Mặt khác, Việt Nam nổi tiếng với những món ăn dân dã. Nếu các điểm kinh doanh đều chú ý đến chất lượng thực phẩm thì sẽ lôi kéo được không ít khách hàng trong và ngoài nước. Chính vì thế, việc "treo thưởng" của cơ quan chức năng là một giải pháp rất tốt trong việc tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Đó là cách quản lý nhằm phổ biến, tuyên truyền ý thức rộng rãi cho người dân tự bảo vệ mình. Biện pháp này nên sử dụng rộng rãi khắp các địa phương chứ không riêng gì TP.HCM".
Đồng quan điểm với chị Linh, bà Nguyễn Thị Men (ngụ tại quận Bình Tân) cho biết: "Đây là một biện pháp hay, có khả năng thực thi cao. Bởi sử dụng biện pháp này sẽ giúp cho các cơ quan chức năng có được nhiều nguồn tin hơn. Vì vậy, để khích lệ tinh thần phát giác của người dân, các cơ quan chức năng ngoài việc thưởng tiền thì nên tuyên dương họ như những tấm gương sáng trên các thông tin đại chúng".
Theo một cán bộ của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM thì việc thực hiện quy định thưởng nóng tại địa phương sẽ giúp ngăn chặn thực phẩm bẩn ngay từ khi chúng chưa được chuyển đi tiêu thụ. Theo đó, các khu vùng ven thành phố như huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, quận Bình Tân, quận 12… thuộc thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận như Long An, Tiền Giang, Bình Thuận, Bình Dương, những nơi tập trung lượng gia súc, gia cầm chăn nuôi lớn sẽ được đưa vào quản lý chặt chẽ.
Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm tra rà soát liên tục các cơ sở giết mổ, nắm bắt đường dây vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn trên địa bàn. Vì vậy, việc thưởng nóng cho người dân sẽ giúp việc nắm bắt thông tin được nhanh hơn. Bằng chứng là đã có rất nhiều cộng tác viên phát hiện ra những nơi chế biến thực phẩm bẩn và báo với cơ quan chức năng.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, phó chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết: "Biện pháp trên còn mang lại hiệu quả cao trong việc thắt chặt mối quan hệ giữa người tiêu dùng thực phẩm với cơ quan quản lí. Người dân sẽ yên tâm và không còn bị hoang mang, hoảng loạn với hàng loạt tụ điểm thực phẩm bẩn phát tán như vừa qua. Mặt khác, để ,tránh tình trạng những cơ sở giết mổ ở các tỉnh lẻ vận chuyển thực phẩm bẩn lên thành phố bán, các cơ quan chức năng cũng nên xem xét áp dụng rộng rãi giải pháp này. Nếu thực hiện tốt sẽ tiết kiệm được một nguồn kinh phí đáng kể trong việc tiêu hủy cũng như điều tra chất lượng thực phẩm hiện nay".
Trịnh Hoàng
theo Người đưa tin