Dantin - Đang chính Ngọ (12g trưa), giữa hè, người dân cả TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) tìm chỗ trú nắng khiến các con phố mất hẳn cái tấp nập vốn có của nó.
Dantin - Đang chính Ngọ (12g trưa), giữa hè, người dân cả TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) tìm chỗ trú nắng khiến các con phố mất hẳn cái tấp nập vốn có của nó. Duy nhất ở một ngõ phố, bốn năm đứa trẻ túm tụm vừa cười đùa, vừa xua đuổi một “chàng lùn” chân đi giày thể thao rách nát, áo kẻ caro đứt cúc, trên tay cố nắm chiếc tải bẩn thỉu giữ chặt trên vai.
Anh Cường nhặt rác ở hồ Đầm Vạc.
“Có rác rồi, cha ơi!”
Những đứa trẻ nghịch ngợm giằng lấy chiếc tải trên vai “chàng lùn” khiến “chàng lùn” ngã dúi, chổng chân lên mặt đường nhựa. Chỉ đến khi có người nhà những đứa trẻ ra can thiệp thì “chàng lùn” mới cố rẽ đám trẻ chạy thật nhanh qua phía bên kia đường. Ở đó có một bãi rác nhỏ bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Mặc kệ những dòng mồ hôi lăn dài thấm đẫm chiếc áo đang mặc, “chàng lùn” thọc tay xuống đống rác nhặt bất cứ thứ gì có thể. Giữa những thứ rác nhầy nhụa, đôi mắt “chàng lùn” giãn ra, tươi tỉnh cố giấu một nụ cười. Ở phía dưới của đống rác có 3 vỏ hộp bia với hai cái rổ nhựa đã rách nát. Bới cả đống rác không còn thứ gì có thể nhặt được nữa, “chàng lùn” khoác túi lên vai, tập tễnh bước đi trên con đường bỏng rát, mặc kệ cái bụng đã sôi ùng ục vì đói, đôi chân đã mỏi nhừ vì đi từ sáng. “Không được phép dừng lại hay về nhà. Về nhà thì ngày mai cha ăn bằng gì, lúc ốm đau thuốc đâu cho cha uống?”, “chàng lùn” lẩm bẩm nói rồi lê bước.
Hai mươi năm nay, hai cha con “chàng lùn” vẫn dựa vào nhau để sống.
Phải mất gần 1 giờ đồng hồ, “chàng lùn” mới đi đến hồ Đầm Vạc, trung tâm của TP Vĩnh Yên, nơi tập trung hàng chục quán giải khát và quán bia. “Chàng lùn” đi dạo quanh một vòng. Đôi mắt chăm chú “rà soát” từng gầm bàn, từng gốc cây, từng đống rác một. Vỏ hộp, chai nhựa, mẩu sắt thậm chí cả chiếc đinh… “chàng lùn” không bỏ qua thứ gì. Đến gần tối, khi các quán giải khát đã vãn khách, “chàng lùn” cất túi lên vai, đứng ra gần đường lớn chờ đợi.
Hơn 10 phút sau, phía xa xuất hiện một ông già râu tóc đều dài đạp chiếc xe đạp Thống Nhất cũ rích đi về phía “chàng lùn”. “Chàng lùn” mừng rỡ vẫy tay: “Cha ơi”. Người cha cũng mỉm cười đỡ “chàng lùn” lên xe rồi từ từ nhấn pê –đan. Xe vừa lăn bánh, chàng lùn rối rít khoe: “Có rác rồi cha ơi!”.
Đã 20 năm tròn, người dân TP Vĩnh Yên vẫn bắt gặp “chàng lùn” ngày ngày đi nhặt rác để nuôi cha. Cũng tròn 20 năm, người ta cũng gặp cha “chàng lùn” tối tối đón con, ríu rít bên nhau. “Chàng lùn” tên thật là Phùng Gia Cường (SN 1977), người cha là ông Phùng Văn Sơn (75 tuổi) ở thôn 3, làng Lạc Ý, phường Đồng Tâm, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Gắng gượng nuôi nhau
Theo chân hai cha con “chàng lùn”, chúng tôi tìm về nhà họ. Ngôi nhà dù cấp 4 nhưng cũng đã được xây kiên cố nhưng bừa bãi: Những đống phế liệu xếp chồng lên nhau bốc mùi ngột ngạt. “Nhà không có bàn tay phụ nữ chăm sóc nên bộn bề như thế. Điện thì hỏng cả tuần rồi. Tôi già mắt kém quá nên không sửa được. Còn thằng Cường thì lùn quá không dám leo lên”, ông Sơn phân bua rồi loay hoay tìm chiếc đèn dầu.
Trong ánh đèn tù mù, hai cha con “chàng lùn” dọn cơm ra mời khách. Không biết có gọi là bữa cơm: Một nồi cơm đến một nửa cháy đen vì quá lửa. Đĩa rau muống đỏ quạch vì để lâu. Một đĩa đậu phụ rán nhưng nát hết nửa. Như thấy ánh mắt ái ngại của khách, “chàng lùn” mới lên tiếng (từ lúc gặp đến giờ, “chàng lùn” chưa nói câu nào như ngại ngùng vừa có chút xẩu hổ kín đáo- PV) : “Thế là tươm tất lắm rồi. Nhiều hôm không nhặt được rác, hai cha con chỉ dám mua một ổ bánh mỳ chia đôi dằn bụng thôi”.
Qua lời kể của ông Sơn, anh Cường là con út trong 4 người con mà vợ cả sinh cho ông. “Tất cả sinh ra đều bình thường nhưng chỉ có nó (anh Cường –NV) là người con duy nhất bị “bệnh lùn”. Ngày đó, sinh Cường ra được 2 năm thì bà nhà tôi qua đời, cảnh “gà trống nuôi con”, tôi có đi bước nữa nhưng bà hai cũng không may ra đi sớm. Bây giờ, các con đều vào tận trong miền Nam kiếm kế sinh nhai, cũng khó khăn nên chỉ có nó là cạnh tôi chăm nom tôi 20 năm qua”, ông Sơn nói.
Trong nhiều năm liền, ông Sơn thì ốm đau liên miên. Anh Cường do không đủ chiều cao, cân nặng nên không ai nhận vào làm. Gia cảnh của hai cha con càng ngày càng túng quẫn. “Đó là năm 1992, khi tôi thấy mấy đứa trẻ đi nhặt rác về bán nên đi cùng. Đi cả buổi cũng kiếm được tiền mua mấy kg gạo. Từ đó, tôi lang thang đi khắp các ngõ phố của TX Vĩnh Yên tìm rác phế liệu về mua thuốc cho cha và coi đó là con đường mưu sinh”, anh Cường kể lại. Theo lời anh Cường, mỗi buổi chịu khó đi nhiều kiếm được khoảng 40-50.000 đồng. “Cũng đủ cho hai cha con bữa đói bữa no. Chỉ lo lúc ốm đau, không đi được thì cả hai cha con lâm cảnh túng quẫn thôi”, anh Cường giọng buồn buồn nói.
Từ khi là một cậu nhóc, cho đến nay đã trưởng thành anh Cường chỉ nặng chừng 20kg, cao chưa đầy 90cm. Thấy mình “khác người” nên anh luôn sống khép mình trong cảnh đơn côi và tránh né mọi người. Anh tâm sự: “Nhìn tôi, người ta cứ nhìn như một dị nhân, vật thể lạ, cho nên tôi luôn mặc cảm và rất sợ sự trêu đùa của những đứa trẻ con trong phố”. Người cha, ông Sơn, nhiều lúc thấy con trầm lặng, biết con tủi thân chỉ biết động viên: “Mỗi người một số phận con ạ. Miễn là con sống tốt và cha con mình có nhau là hạnh phúc lắm rồi” . Nghe cha nói càng thương cha hơn, “chàng lùn” càng chăm chỉ chịu khó. Cứ 5g sáng “chàng lùn” khoác túi lên vai và chỉ trở về trên yên xe của cha lúc 7g tối.
Nhưng hàng chục năm nay, nhiều người dân TP Vĩnh Yên và xung quanh đó biết chuyện “chàng lùn” ngày ngày nhặt rác nuôi cha già đều tấm tắc: “Con thì chí hiếu, cha thì ân tình, dù đói khổ còn hơn nhiều nhà giàu mà tan nát, đảo điên”.
Sẽ dưỡng cha đến cuối cuộc đời
Chân dung “chàng lùn”: Đời có mấy lúc vui?
Lại một buổi sáng theo chân “chàng lùn” Cường đi nhặt rác trên các đường phố Vĩnh Yên. Đôi chân hôm qua đi nhiều khiến anh bước đi tập tễnh. Đang đi trên đường, anh Cường giật mình bởi tiếng gọi phía cuối đường Hùng Vương. Một, hai, ba người …đang đứng đó với những bịch nilon phế liệu trên tay. Họ đã dành sẵn và đợi anh Cường đến để cho anh. “Thân hình nhỏ bé thế nhưng chịu khó nên ai cũng quý, có đồ gì không dùng họ lại để ra một góc để Cường đến lấy” , chị Nguyễn Thị Bình, một người dân đường Hùng Vương nói.
Nhưng điều kỳ lạ khi có người thương cảm và khâm phục “chàng lùn” hiếu thảo định cho tiền thì Cường gạt phắt đi: “Cho tôi rác là được rồi. Tôi còn sức để tự mình sống và nuôi cha”. Nhiều người nói Cường từ chối gần như là hách dịch. Hỏi chuyện đó, Cường bảo: “Ai cũng phải mưu sinh. Mình không thể chờ lòng thương hại để nuôi sống mình được”. Cường nói rồi bước đi vội trong cái nắng chang chang.
Nhưng dù trời có nắng hay mưa thì ở những bãi rác, người ta vẫn thấy “chàng lùn” ngày nào cũng lặng lẽ khoác túi trên vai, gương mặt rất ít có được nụ cười, đôi mắt mải miết kiếm tìm đến tối mịt mới thôi. Ở nhà, cha của Cường chắc chắn rất mong con về. “Nhiều lúc tôi thấy nó còn yếu hơn tôi. Đêm trước, tôi thấy nó sốt đùng đùng kéo tấm chăn lên đắp cho nó nói mai đừng đi nữa. Nó gật đầu nói vâng nhưng rồi sáng lại ra đi. Trước khi đi, nó dốc túi mua cho tôi cái bánh mỳ rồi bảo: “Còn còn sức, còn đi nhặt rác nuôi dưỡng được cha đến cuối đời. Cha cứ yên tâm…”, ông Sơn chỉ nói được thế rồi bật khóc. Ông khóc như một đứa trẻ. Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đã hom hem của cái tuổi sắp bát tuần.
Thanh Sơn