Vệ tinh siêu nhẹ nặng 64 g do một thanh niên 18 tuổi người Ấn Độ chế tạo sẽ được NASA phóng lên quỹ đạo vào tháng tới.
Rifath Shaarook, 18 tuổi, chế tạo thành công vệ tinh nhỏ nhất thế giới. Ảnh: BBC
Rifath Shaarook,18 tuổi, trở thành người chiến thắng một cuộc thi khoa học nhờ vệ tinh nặng vỏn vẹn 64 gram. Thiết bị này được xem là vệ tinh nhẹ nhất thế giới tính đến nay.
Shaarook cho biết mục đích chính của thiết bị là nhằm chứng minh hiệu quả máy in sợi carbon 3D. Trả lời truyền thông địa phương, anh cho biết phát minh của mình sẽ thực hiện sứ mệnh kéo dài 4 giờ trong một chuyến bay quỹ đạo thấp. Trong thời gian này, vệ tinh siêu nhẹ sẽ hoạt động khoảng 12 phút ở môi trường không trọng lực.
"Vệ tinh sẽ được lắp đặt một máy tính mới cùng 8 cảm biến bên trong để đo gia tốc, độ quay và từ trường Trái Đất", Shaarook nói.
Vệ tinh KalamSat được đặt theo tên cựu Tổng thống Ấn Độ Abdul Kalam. Tháng 6, vệ tinh siêu nhỏ sẽ được NASA phóng lên quỹ đạo. Ảnh: BBC
Theo BBC, vệ tinh có tên KalamSat, được đặt theo tên cựu Tổng thống Abdul Kalam, người tiên phong trong tham vọng nghiên cứu khoa học vũ trụ tại Ấn Độ. Dự án này giành danh hiệu cao nhất trong cuộc thi Cubes in Space do công ty giáo dục Idoodle tổ chức và NASA đồng tài trợ.
Shaarook sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở Tamil Nadu, hiện là nhà khoa học hàng đầu tại Space Kidz India, một tổ chức khuyến khích phát triển khoa học và giáo dục cho thanh thiếu niên Ấn Độ.
Vệ tinh KalamSat không phải phát minh đầu tiên của nhà khoa học tài năng này. 15 tuổi, Shaarook từng phát triển thành công khinh khí cầu khí tượng hoạt động bằng khí heli để tham gia một cuộc thi toàn quốc tại Ấn Độ.
Lan Chi
Theo Đời sống & Pháp lý