Theo đại diện cơ quan chức năng, đến thời điểm hiện tại mới xác định được chất salbutamol là một trong những loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Còn thực tế có thể còn nhiều loại chất khác mà cơ quan chức năng chưa phát hiện được.
Thông tin trên báo Tiền Phong, tại buổi tọa đàm “Chất cấm trong chăn nuôi - Thực trạng và giải pháp” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 23/3, ông Nguyễn Văn Việt-Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc thời gian qua có biểu hiện giảm nhưng vẫn diễn ra khá phức tạp. Đầu năm 2016, cơ quan chức năng kiểm tra 40 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở khu vực phía Bắc thì có đến 18 công ty vi phạm. Cục Thú y lấy 1.457 mẫu kiểm tra thì có 10% mẫu có chứa chất cấm, trong khi lấy 1.026 mẫu nước tiểu thì có đến 67 mẫu có chất salbutamol.
Ông Việt thừa nhận, cơ quan chức năng chỉ xử lý đối với những trang trại sử dụng chất cấm và các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, môi giới buôn bán chất cấm mà “bỏ quên” lực lượng thương lái đứng đằng sau các trang trại. “Thực tế việc sử dụng chất cấm người chăn nuôi gia súc không được lợi bao nhiêu mà chủ yếu là đội ngũ thương lái”- ông Việt nói và giải thích do khi heo có sử dụng chất cấm thịt nạc hơn nên thương lái bán được giá hơn, khi đó họ sẽ về dụ dỗ người chăn nuôi sử dụng chất cấm để nuôi heo.
Theo ông Việt, thời gian tới sẽ tiêu hủy cả đàn heo nếu phát hiện sử dụng chất cấm tại các cơ sở giết mổ thay vì việc tiếp tục nuôi đến khi hết dư lượng chất cấm sẽ được giết mổ. “Còn tại các trang trại, heo sẽ bị tiêu hủy nếu chủ trang trại tái phạm nhiều lần trong một thời gian nhất định”, ông Việt cảnh báo.
Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng C49 phát hiện doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Hải Dương sử dụng chất cấm hồi cuối năm 2015. (Ảnh: NLĐ)
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết, việc người chăn nuôi sử dụng chất cấm diễn biến rất phức tạp. Từ đầu năm đến nay, cơ quan này lấy 386 mẫu để kiểm tra thì có 47 mẫu dương tính với chất cấm. Theo ông Quang, việc tiêu hủy heo thay vì xử phạt hành chính sẽ có sức răn đe rất lớn. Tuy nhiên, việc tiêu hủy sẽ rất khó vì vướng các quy định về môi trường và chi phí.
Ông Trần Trọng Bình - Cục phó Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an cho biết, đến thời điểm hiện tại mới xác định được chất salbutamol là một trong những loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Còn thực tế có thể còn nhiều loại chất khác mà cơ quan chức năng chưa phát hiện được. Ông Bình thông tin, trong năm 2015, các doanh nghiệp nhập khẩu hơn 9 tấn chất salbutamol nhưng có đến hơn 6 tấn không được ngành dược sử dụng mà tuồn ra thị trường. “Chưa xác định được 6 tấn salbutamol này được sử dụng thế nào khi bị tuồn ra thị trường nhưng cũng không loại trừ việc sử dụng vào chăn nuôi heo. Cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với chất này khi nhập về”, ông Bình lưu ý.
Từ 1/7, buôn bán chất cấm có thể ở tù
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, ông Trần Trọng Bình cho biết, theo các quy định mới của Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016, các hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi sẽ được xếp vào khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước.
Các hành vi dùng chất cấm, ngay cả khi chưa xác định được hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng, hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi có thể xử phạt tù lên đến 20 năm.
Ông Bình đánh giá, với việc nâng cao khung hình phạt, cùng với các biện pháp quản lý chặt chẽ quy trinh nhập khẩu và sử dụng chất thuộc nhóm beta-agonist, tình trạng sử dụng chất tạo nạc cấm trong thời gian tới sẽ được kiểm soát.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, cho biết trong ba tháng gần đây, tình trạng buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã giảm đáng kể so với trước. Cùng với các quy định của Luật hình sự, Bộ NN&PTNT cũng đã và đang điều chỉnh các mức xử lý đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để đảm bảo trong năm 2016 sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Ông Nguyễn Văn Được, nông dân nuôi heo theo mô hình VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt trong chăn nuôi) ở Củ Chi, nói việc các cơ quan chức năng nâng mức hình phạt với những người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là cần thiết để bảo vệ người chăn nuôi chân chính.
“Thật vô lý khi người nuôi heo VietGAP như chúng tôi khó khăn tìm kiếm đầu ra, còn người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lại được thương lái mua với giá cao hơn” - ông Được nói.
Ông ĐỖ VĂN ĐÔNG (phó cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế):
Salbutamol sẽ được kiểm soát đặc biệt
Salbutamol vốn là hoạt chất sử dụng làm thuốc điều trị cho người từ lâu. Các thuốc thành phẩm chứa chất salbutmol được sử dụng trong ngành y tế chủ yếu trong khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mãn tính, giãn phế nang. Do đó nguyên liệu salbutamol, thuốc chứa salbutamol không nằm trong danh mục thuốc cần kiểm soát đặc biệt.
Tuy nhiên, chất này bị sử dụng trái phép trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại VN. Do đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol, đồng thời đề xuất bổ sung các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như nguyên liệu salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” của Luật dược sửa đổi. Việc cấp phép nhập khẩu sẽ căn cứ vào báo cáo cụ thể về số lượng sản xuất, tồn kho, công ty mua, công ty bán… |
Ngọc Anh (tổng hợp)
theo ĐSPL