Ngày nay, hầu hết vải vóc đều được nhuộm, hấp bằng các loại mầu tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ. Vậy có những chất tạo mầu, chất phụ gia nào được các nhà sản xuất cho thêm vào quá trình nhuộm, hấp vải? Liệu chúng có gây hại cho sức khỏe của người sử dụng hay không?
Thuốc nhuộm, hay còn gọi là phẩm nhuộm - là tên gọi chung của các hợp chất hữu cơ mang màu (có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp), đa dạng về màu sắc cũng như chủng loại. Chúng có khả năng nhuộm màu hay gắn màu trực tiếp lên sản phẩm may mặc.
Hiện nay, các loại nhuộm trong ngành da giày, ngành dệt hay nhuộm màu sơn đều cấm sử dụng cho thực phẩm cũng như cho các loại sản phẩm nào có thể đi vào cơ thể con người. Việc sử dụng thuốc nhuộm cũng được quy định rất rõ về mức độ ảnh hưởng như thế nào nếu dùng quá thì nguy cơ ngộ độc hóa chất nhuộm rất cao.
Theo quy định, mọi thuốc nhuộm đều ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu thẩm thấu hoặc con người ăn phải. Chính vì thế, khi thuốc nhuộm được sử dụng bừa bãi, có khả năng tan trong nước thì khi người sử dụng tiếp xúc với môi trường có nước hay tiếp xúc bằng miệng có khả năng hấp thụ hóa chất từ thuốc nhuộm. Quá trình sản xuất quần áo rất phức tạp và không thể tránh khỏi việc trải qua những đợt “tẩy rửa” hay nhuộm màu, chống co vải, chống nhăn bằng hóa chất. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe bởi quần áo luôn tiếp xúc trực tiếp với cơ thể và làn da.
Trong quá trình nhuộm màu, rất nhiều chất không bám chắc vào sợi vải. Chúng có thể dễ dàng thôi nhiễm vào da trong lúc mặc, ngấm vào cơ thể và gây hại tới sức khỏe.
Loại thuốc nhuộm phổ biến được sử dụng nhiều nhất hiện nay là thuốc nhuộm trực tiếp azo và thuốc nhuộm axit. Theo nhiều chuyên gia, dù sử dụng loại thuốc nhuộm nào thì cũng để lại một lượng lớn hóa chất trên sản phẩm và gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, thuốc nhuộm azo là dòng thuốc nhuộm trực tiếp, hầu hết sử dụng muối Natri của các axit sunfonic hay axit cacbonxilic hữu cơ - đang được sử dụng tại nhiều hãng sản phẩm quần áo trên thế giới.
Dưới khía cạnh hóa học, các loại màu được chia ra thành nhóm như màu Azo, màu Anthrachinon, màu Metal complex và các nhóm khác. Đối với nhóm azo, khi các hợp chất azo này thâm nhập vào cơ thể, chúng có thể bị phân hủy trong hệ trao đổi chất của cơ thể và sản sinh ra chất aromatic amine. Đây không phải là một chất mà là một nhóm hợp chất hữu cơ có cấu trúc nhân thơm và nhóm thế là amine. Vì là amine nên pH của chúng lớn hơn 7, khi tiếp xúc với nồng độ cao thì không tốt cho da. Tiếp xúc lâu dài, amine có thể thẩm thấu dễ dàng qua da, gây dị ứng, kích ứng da, dẫn tới các bệnh về da như viêm da dị ứng… Nguy hiểm hơn, quy trình phân hủy Azo có thể xảy ra trong đường ruột, trong gan hoặc gây bệnh ung thư.
Theo các chuyên gia, nhiều nhà sản xuất còn sử dụng chất formaldehyde để diệt khuẩn, nấm mốc trên vải và trong quá trình dệt nhuộm. Và hợp chất này cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Chất này sẽ làm quần áo có mùi hơi hắc, khó ngửi, nếu mặc ngay quần áo mới chưa được giặt sạch khi tiếp xúc với da có thể gây dị ứng, mẩn ngứa với người mẫn cảm. Để nhận biết hàm lượng formaldehyde có trong quần áo, vải vóc nhiều hay ít - bạn có thể phát hiện thông qua khứu giác. Formaldehyde tuy là một chất khí không màu nhưng có mùi hăng hăng giống hệt như mùi tương hạt cải.
Một số loại thuốc nhuộm trong quần áo có thể gây viêm da tiếp xúc. Xanh tán xạ 106 là chất nhuộm xanh được sử dụng với quần áo màu xanh thẫm, nâu, đen, tím và xanh lá. Vì chất này liên quan đến phenulenediamine, nó có thể gây dị ứng với những người bị dị ứng với nhuộm tóc. Kali dichromate là chất nhuộm được sử dụng để tạo sợi dệt và hồ bơi có sắc xanh. Nó được biết đến là nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc, đặc biệt là những người làm việc với đồ da, sơn và xi măng. Cuối cùng coban là loại chất nhuộm khác tạo màu xanh sáng hoặc màu sắc cơ bản. Coban cũng được xem là nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc, đặc biệt ở những người dị ứng với niken. Với những người dị ứng với niken nên tránh những loại quần áo có khóa kim loại, khuy, hoặc dùng loại có nhựa thay thế. Bọc khóa kim loại ở trên quần jean lại với một mảnh nhựa để giúp chúng không cọ xát vào da bụng.
Để tránh nguy cơ thôi nhiễm từ quần áo, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo người tiêu dùng khi mua quần áo: không nên mặc ngay mà cần giặt nhiều lần để loại bỏ chất độc còn bám. Đem quần áo phơi nắng để loại bỏ phần nào hóa chất còn sót lại sau sản xuất. Quần áo nên tránh mặc loại vải phai màu, màu sắc quá sặc sỡ, có mùi hắc khi mua. Chọn sản phẩm từ vải như khăn mặt của các doanh nghiệp có uy tín, chất lượng, có nhãn mác rõ ràng, ghi rõ tỷ lệ và thành phần vải. Khi mua khăn về dùng nên ngâm giặt kỹ bằng nước ấm từ 2 - 3 lần để phai bớt các tạp chất.
Hồng Anh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng