Sự kiện hot
7 năm trước

Châu Á là thị trường tiềm năng mới nổi của ngành tôm Việt Nam

Nhu cầu tiêu thụ tôm ở châu Á, đặc biệt là ở Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc, tăng mạnh trong giai đoạn 2014 – 2016 và dự báo tiếp tục tăng trưởng đến năm 2020. Đây là cơ hội lớn cho ngành tôm Việt Nam khi hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD đến năm 2025.

Châu Á là thị trường tiêu thụ tôm mới nổi của ngành tôm Việt Nam

Đây là nhận định của ông Carson Blake Roper, Chuyên gia thị trường Liên minh châu Âu (EU) tại Hội thảo Nhu cầu tôm thế giới và khả năng cung cấp của Việt Nam được tổ chức tại TP.HCM ngày 29/8.

Theo ông Roper, nhu cầu tiêu thụ tôm tại châu Á có xu hướng tăng vì hầu hết thành phố lớn đông dân số đều tập trung ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á và Trung Quốc, với tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh nhất trong thời gian tới. Dân số tăng sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ về các sản phẩm có hàm lượng protein như tôm, cá.

Hơn nữa, đây cũng là khu vực tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương giữa các nước.

Đồng tình với ông Roper, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thủy sản cũng đánh giá rằng: “Thị trường châu Á là thị trường vô cùng tiềm năng mới nổi của ngành tôm Việt Nam.”

Ông Tuấn dẫn số liệu của Liên minh Thủy sản toàn cầu cho biết, trong giai đoạn 2014 – 2016, tiêu thụ tôm tại Mỹ và Nhật Bản tăng trưởng 3,5 – 5%/năm, tại châu Âu cũng chỉ đạt khoảng 3%/năm.

Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu tôm tại Nga lên tới 44%/năm và là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất. Theo ông Tuấn, nhu cầu tiêu thụ tôm tại Nga tăng mạnh trong ba năm vừa qua vì tầng lớp trung lưu gia tăng và chính sách giữa khối NATO và Nga gây ảnh hưởng đến việc nhập khẩu.

Ngoài ra, nhu cầu tôm cũng tăng nhanh tại Trung Quốc và Hàn Quốc, với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 14%/năm và 7,7%/năm. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ mới nổi; Hàn Quốc vốn dĩ đã có nhu cầu tôm rất lớn.

Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thủy sản trình bày tại Hội thảo. (Ảnh: Vũ Thắng)

Khả năng cung ứng tôm của Việt Nam

Ông Tuấn cho biết Việt Nam nuôi chủ yếu tôm thẻ và tôm sú. Đáng lưu ý, từ năm 2013, sản lượng tôm thẻ vượt tôm sú do chính sách thay đổi về việc nuôi tôm thẻ trên toàn quốc.

Theo số liệu được ông Tuấn đưa ra, sản lượng tôm của Việt Nam đạt khoảng 595.600 tấn với diện tích nuôi là 690.000 ha; trong đó tôm sú chiếm gần 87% diện tích với năng suất đạt 0,47 tấn/ha.

Ngoài tôm nuôi và tôm khai thác, Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng tôm rất lớn từ nước ngoài. Theo số liệu của VASEP, trong giai đoạn 2014 – 2016, nhập khẩu tôm của Việt Nam dao động trong khoảng 370 – 480 triệu USD.

Tuy nhiên, con số này vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt là số liệu về việc nhập tái xuất, nhập để chế biến, buôn bán tiểu nhập tôm sống giữa Việt Nam và Trung Quốc, tiêu thụ thị trường và nội địa,... Ông Tuấn cho rằng cần phải làm rõ con số này để đánh giá đầy đủ về hiện trạng về sản xuất và tiêu thụ tôm, từ đó giúp định hướng chính xác hơn cho ngành tôm.

Nhắc đến mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD của ngành tôm đến năm 2025, ông Tuấn cho rằng, để đạt được con số này, Việt Nam cần phải tăng gấp đôi cả giá trị xuất khẩu và sản lượng tôm nuôi so với giai đoạn 2010 – 2016.

Cụ thể, từ nay đến năm 2025, giá trị xuất khẩu tôm phải tăng 14%/năm trong và sản lượng tôm nuôi phải tăng 11 – 12%/năm.

Những thách thức của ngành tôm Việt Nam

Theo ông Tuấn, ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề như tôm bố mẹ, chất lượng tôm giống, dịch bệnh, yêu cầu thị trường,…

Hiện nay, tôm bố mẹ của Việt Nam phục thuộc chủ yếu vào nhập khẩu và đánh bắt từ tự nhiên nên rất khó kiểm soát được chất lượng và giá thành, đẩy ngành tôm vào thế bị động.

Về tôm giống, chất lượng không đạt yêu cầu vì nhiều cơ sở sản xuất giống không đảm bảo an toàn sinh hoc, kiểm dịch không hiệu quả. Sản lượng sản xuất tôm giống tại chỗ cũng hạn chế.

Trong khi ngành sản xuất trong nước không đảm bảo được chất lượng tôm giống thì thị trường ngày càng yêu cầu cao về nuôi chứng nhân, an toàn thực phẩm, trách nhiệm với xã hội, an toàn sinh học vùng nuôi,…

Ngoài ra, rủi ro về dịch bệnh, giá thành tôm nuôi cao và sản xuất nhỏ lẻ cũng là những thách thức lớn đối với ngành tôm trên đường hướng đến mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD đến năm 2025.

Vũ Thắng
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: