Sự kiện hot
7 năm trước

Chè Thái Nguyên khẳng định tên tuổi tại cuộc thi Chè Đặc sản quốc tế Bắc Mỹ 2017

Vượt lên các sản phẩm chè đặc trưng của các quốc gia sản xuất chè lớn trên thế giới, sản phẩm chè "Đinh Vương Phẩm" của Công ty cổ phần Chè Tân Cương Hoàng Bình đã xuất sắc đạt giải đặc biệt, đem lại niềm vinh dự không chỉ riêng của chè Thái Nguyên mà còn của cả ngành chè Việt Nam tại cuộc thi Chè Đặc sản quốc tế Bắc Mỹ năm 2017.

Cuộc thi chè đặc sản Quốc tế Bắc Mỹ năm 2017 do Hiệp hội chè Mỹ và Canada tổ chức từ tháng 8/2017 tại bang Arizona (Hoa Kỳ) với sự tham gia của các công ty sản xuất, xuất khẩu chè đến từ các quốc gia như Argentina, Ấn Độ, Nhật Bản, Kenya, Malawi, Ruwanda và Việt Nam.

Năm nay, sản phẩm chè "Đinh Vương Phẩm" của Công ty cổ phần Chè Tân Cương Hoàng Bình đã xuất sắc đạt giải đặc biệt của cuộc thi, đem lại niềm vinh dự không chỉ riêng của chè Thái Nguyên mà còn của cả ngành chè Việt Nam...

Sản phẩm chè "Đinh Vương Phẩm" gồm 5 loại chè (trà) như Đinh xanh tự nhiên, Đinh xanh hoa sen tự nhiên, Đinh xanh hoa bưởi tự nhiên, Đinh xanh hoa mộc tự nhiên và Đinh xanh hoa ngọc lan tự nhiên.

Để làm ra sản phẩm đặc biệt này, các nghệ nhân chỉ sử dụng búp chè mới nhú, thu hái trước khi mặt trời mọc khi cánh trà vẫn còn được ngâm trong sương sớm, lúc này trà sẽ cho ra được hương vị và mầu sắc tốt nhất. Toàn bộ công đoạn sao chè được làm hoàn toàn thủ công, từ việc kiểm tra độ lửa trên cahro, tời vò chè, sao chè được các nghệ nhân thực hiện bằng tay để cảm nhận chính xác nhiệt độ phù hợp cho búp chè. Búp chè đinh sau chế biến dài và mảnh, khi pha có màu xanh thanh mát, vị chè chát mà không đắng, vị ngọt hậu sâu...

Giải thưởng này cho thấy sự đầu tư của các cấp chính quyền nhằm giữ vững thương hiệu và chất lượng chè Thái Nguyên đã có nhiều kết quả. Theo đề án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên là Đề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững thương hiệu chè Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh phát triển vùng nguyên liệu chè theo hướng an toàn tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất chè hữu cơ; hỗ trợ kinh phí để người dân và doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ…

Nguồn vốn đầu tư thực hiện đề án chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ: quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi phù hợp với cơ cấu loại sản phẩm đối với từng huyện, thành phố, thị xã.

Đồng thời, gắn với quy hoạch vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất chè tập trung, ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích 3.900 ha tại TP.Thái Nguyên. Đề án cũng đặt mục tiêu từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, trồng mới, trồng thay thế 4.400 ha chè bằng các giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu cao. Mỗi năm hỗ trợ chứng nhận trên 300 ha chè an toàn sản xuất theo theo quy trình VietGAP (hoặc GAP khác), hỗ trợ và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm 50 cơ sở/năm.

Thực tế, hiện nay, tổng diện tích chè của tỉnh Thái Nguyên đạt hơn 21 nghìn ha, trong đó diện tích chè đang cho thu hoạch đạt gần 19 nghìn ha, với sản lượng 210 tấn/năm.

Các sản phẩm chè Thái Nguyên có mặt trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và các thị trường xuất khẩu truyền thống. Nhận thức rõ việc sản xuất chè an toàn là vấn đề sống còn, người trồng chè Thái Nguyên từ khá lâu đã quen với mô hình trồng, sản xuất trà sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đồng thời, người nông dân, người sản xuất và kinh doanh chè đều ý thức được việc sử dụng bao bì mẫu mã có vai trò quan trọng thế nào trong việc tiếp thị, giới thiệu sản phẩm đi liền với cam kết về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn. Toàn tỉnh hiện có hơn sáu nghìn ha chè sạch, chè an toàn cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc thâm canh và chuyển đổi cơ cấu cây chè trong những năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích từ 82 triệu đồng/ha năm 2011 lên 120 triệu đồng/ha năm 2016.

Mặc dù diện tích và sản lượng chè tăng đều qua từng năm, nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Phần lớn các sản phẩm chè được chế biến tại các hộ gia đình, với quy mô nhỏ, chất lượng không đồng đều nên giá trị không cao. Hiện có tới 80% sản phẩm chè Thái Nguyên tiêu thụ ở thị trường trong nước, 20% được xuất khẩu chủ yếu tại các thị trường truyền thống như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Để chè của Thái Nguyên mở rộng thị trường khó tính như Bắc Mỹ thì các doanh nghiệp sản xuất chè sẽ phải tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến sâu theo hướng nâng cao chất lượng, thay vì chạy theo sản lượng, bán thô...

Với Đề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững thương hiệu chè Thái Nguyên giai đoạn 2016 – 2020, Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2020 có 30% sản lượng chè của tỉnh được mang các nhãn hiệu bảo hộ trong nước và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu; 80% sản lượng chè xanh, chè xanh chất lượng cao tiêu thụ thị trường thế mạnh trong nước; 20% sản lượng chè xuất khẩu sang các thị trường khó tính của quốc tế .

Hi vọng với sự chung tay phối hợp giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người trồng chè trong việc thực hiện đề án nhằm cải tiến quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo hướng tập trung, đáp ứng đủ các quy chuẩn trong nước và xuất khẩu là điều kiện cần và đủ để trong tương lai, “Chè Thái Nguyên” ngày càng khẳng định được vị thế, uy tín của mình trên thị trường nước và quốc tế.

Hồng Anh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: