Hệ thống ngân hàng (NH) sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) khó khăn nhưng phải có cơ hội hồi phục và tương lai phát triển bền vững, còn lại cần kiên quyết loại trừ.
Hệ thống ngân hàng (NH) sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) khó khăn nhưng phải có cơ hội hồi phục và tương lai phát triển bền vững, còn lại cần kiên quyết loại trừ.
Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị đối thoại NH và DN sáng 20.7.
Ông Bình cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế và Hà Nội đang thấp hơn so với kế hoạch đề ra và các năm trước đây. Hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của DN gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường giảm sút rất mạnh, do vậy hàng tồn kho của DN dưới mọi hình thức tăng lên. Ngoài ra, trong nhiều năm qua việc kiểm soát tài chính và quan hệ vay mượn tương đối cởi mở, nhiều DN sử dụng vốn không đúng mục đích, không hiệu quả, khả năng trả nợ giảm sút, nợ quá hạn lớn đối với các TCTD.
Trước khó khăn trên, ông Bình cho biết cần phải có giải pháp để hỗ trợ DN. Đối với DN nào có điều kiện phát triển tốt, hiệu quả kinh doanh tốt, các NH sẽ tập trung vốn vào đó để vực dậy. Đối với DN trước mắt gặp khó khăn, tương lai có phát triển, nếu vượt qua được và khả năng tồn tại thì hệ thống NH phải chia sẻ, giúp đỡ sớm khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.
“Tuy nhiên, đối với các DN dù có qua khỏi giai đoạn này nhưng tương lai gặp nhiều khó khăn và không nhìn thấy cơ hội phát triển bền vững thì kiên quyết loại trừ. Tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng không phải với mọi giá, mọi đối tượng”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, vừa qua đối với các khoản vay cũ còn lãi suất (LS) cao hơn 15%/năm, các TCTD đưa xuống tối đa ở mức này. "Tuy nhiên, ở đâu đó còn một số TCTD thực hiện chưa nghiêm túc, điều này rất khó nói “tam sao thất bản” - hôm nay có cơ hội đối thoại với nhau, nói thẳng, nói thật, nói hết trên tinh thần xây dựng", ông Bình nhấn mạnh.
Ông Vũ Thanh Sơn - Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho biết, DN đang kinh doanh trên ba lĩnh vực gồm: xuất khẩu, bán lẻ và dịch vụ đều rất khó khăn. Tổng công ty chủ yếu xuất nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ xuất phát từ nông thôn, nông dân có thị trường trên 70 nước, tất cả đều khó khăn, đặc biệt châu Âu và Trung Đông.
Chi phí đầu vào xuất khẩu tăng, sức mua trong nước giảm. Trung bình sức mua giảm 10% so với cùng kỳ. Vừa qua, tổng doanh thu đạt 8.000 tỉ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 400 triệu USD. Ông Sơn cho rằng, Thông tư 03 của NHNN quy định chỉ cho DN xuất khẩu vay USD đến hết năm nay, còn từ năm sau chấm dứt, như vậy rất khó khăn cho DN.
Trả lời DN, Thống đốc Bình cho biết: "Cách đây 2 tháng NHNN thông báo trong năm nay thông tư 03 chưa có hiệu lực. Sau 31.12.2012 sẽ xem xét, nếu tình hình DN “hồng hào” hơn thì áp dụng, còn nếu DN còn khó khăn thì lại kéo dài".
Ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà chuyên kinh doanh sản phẩm thép không gỉ mong đợi sự hỗ trợ về LS biến thành thực tế để DN bớt khó khăn.
“DN mong rằng, mức LS ở đâu đó 10%/năm. Đối với Sơn Hà khó ở chỗ các gói chính sách hỗ trợ thuế tập trung các DN vừa và nhỏ, DN lớn không được hỗ trợ gì. Chính sách giảm 50% tiền thuê đất để hỗ trợ DN tính ra DN không lời gì vì giá thuê đất 2012 so với 2010 tăng 2,1 lần”, ông Sơn nói.
Ông Bình cho biết, mong muốn LS thấp hơn nữa, tiến tới 10%/năm không chỉ của DN mà là mong muốn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế đang tiến tới bước ổn định lâu dài, còn ở mức bao nhiêu phải căn cứ vào diễn biến kinh tế vĩ mô. Nếu LS thấp quá, nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ LS để nhiều DN chịu được mức đó, nhiều loại hình kinh doanh chịu được thì tăng tín dụng nhanh, lượng tiền tăng lên, điều kiện tiếp cận vốn dễ dãi… dẫn tới nợ không có hiệu quả cao sẽ phát sinh. Đó là tiềm ẩn của lạm phát thời gian tới, trường hợp này xảy ra nhiều lần. Vì vậy cần phải cân nhắc việc hạ LS quá nhanh, quá thấp.
Anh Vũ
Theo Thanhnien