Sự kiện hot
12 năm trước

Chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng, nhiều công ty Mỹ "hồi hương"

Do chi phí vận chuyển và giá nhân công đang rục rịch tăng trong bối cảnh kinh tế suy thoái, ngày càng nhiều các nhà sản xuất Mỹ xem xét quay trở lại quê nhà, theo tin tức từ Reuters.

Do chi phí vận chuyển và giá nhân công đang rục rịch tăng trong bối cảnh kinh tế suy thoái, ngày càng nhiều các nhà sản xuất Mỹ xem xét quay trở lại quê nhà, theo tin tức từ Reuters.

Seesmart là công ty sản xuất bóng đèn nhỏ ở bang California (Mỹ), từng gia công tất cả các sản phẩm đèn LED tại Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi từ năm ngoái.

Bức xúc trước tình trạng vận chuyển chậm chạp, đắt đỏ và việc nhà nước Trung Quốc muốn tăng mức độ kiểm soát đối với các quy trình sản xuất, công ty này đã chuyển hướng, xây dựng nhà máy tại hai bang California và Illinois (Mỹ).

46% giám đốc của các công ty tại châu Âu và Bắc Mỹ cho biết đang cân nhắc
chuyển một vài hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ - Ảnh: Reuters

Theo giới phân tích, điều này chưa phải là một xu hướng tại Mỹ khi mà các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất quần áo và hàng điện tử gia dụng, vốn lệ thuộc nặng vào khâu lắp ráp bằng tay, gần như chắc chắn sẽ không quay về nước.

Tuy nhiên, với việc chi phí vận chuyển và giá nhân công tại Trung Quốc đang tăng, thì ngày càng có nhiều công ty quay trở về Mỹ, trong số đó có rất nhiều tên tuổi lớn.

Tập đoàn điện tử gia dụng General Electrics chuyển hướng sản xuất linh kiện từ Mexico và Trung Quốc về bang Kentucky, trong khi tập đoàn công nghiệp máy móc hàng đầu Mỹ Caterpillar đang xây dựng một nhà máy sản xuất xe ủi ở bang Georgia và dự kiến sẽ tuyển khoảng 1.400 nhân viên.

Giới phân tích nhận định các nhà sản xuất Mỹ đã nhận ra rằng, họ chỉ cần tuyển một số lượng nhỏ nhân viên để đảm bảo hệ thống máy móc tự động vận hành trơn tru.

Caterpillar cho biết nguyên nhân chọn xây dựng nhà máy tại Mỹ là nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ máy móc thiết bị trong nước và họ có thể dễ dàng thuê lực lượng lao động có đủ năng lực để điều khiển các thiết bị sản xuất tiên tiến.

Một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Hackett (Mỹ) cho thấy, 46% giám đốc của các công ty tại châu Âu và Bắc Mỹ cho biết họ đang cân nhắc chuyển một vài hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ, trong khi 27% khác thì nói rằng đang gấp rút lên kế hoạch trở về.

Việc giá nhân công thấp tại Trung Quốc không còn hấp dẫn những tập đoàn sản xuất Mỹ nói trên, vì các nhà máy của họ được vận hành tự động.

Ông Raymond Sjolseth, giám đốc công ty Seesmart thừa nhận giá nhân công của Mỹ vẫn còn cao hơn Trung Quốc, nhưng khẳng định tổng chi phí cho hoạt động sản xuất của Seesmart tại Mỹ thì rẻ hơn.

Hoàng Uy
Theo Thanhnien

Từ khóa: