Sự kiện hot
10 năm trước

Chỉ số chứng khoán Mỹ xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua

Tuần lễ kết thúc ngày 10/10 đã đi vào lịch sử là tuần mất giá thảm hại nhất trong hơn hai năm qua của các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ. Nguyên nhân chính dẫn tới việc các nhà đầu tư bán tháo tài sản là do tâm lý lo ngại trước viễn cảnh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu.


Các nhà đầu tư tại sàn giao dịch chứng khoán ở New York. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn số liệu từ sàn giao dịch New York cho biết chốt phiên giao dịch ngày 10/10, các chỉ số chứng khoán chủ lực như Dow Jones, Standard & Poor 500 và Nasdaq Composite tiếp tục mất giá tương ứng là 0,69%; 1,15% và 2,33%.

Trước đó một ngày, ba chỉ số lớn nhất này tại thị trường chứng khoán New York cũng mất giá thảm hại nhất trong 6 tháng qua, trong đó Standard & Poor 500 mất giá 2,07%, Nasdaq Composite 2,02% và Dow Jones 1,97%. Chỉ số Russell 2000 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng bị mất giá trung bình 2,66%.

Như vậy, trong tuần qua, Nasdaq Composite rớt giá thảm hại nhất, tổng cộng 4,5%; Standard & Poor 500 3,1% và Dow Jones 2,7%.

Đây là tuần mất giá thảm hại nhất của ba loại cổ phiếu danh giá này kể từ tháng 5/2012. Cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ như cổ phiếu MU.O của Micron Tech và Intel Corp, thuộc dòng họ Nasdaq Composite, trong tuần qua bị mất giá lần lượt 9,3% và 5,1%.

Chuyên gia phân tích thị trường Brian Lazorishak thuộc công ty tư vấn đầu tư Chase Invesment Counsel cho rằng ba nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư trong tuần qua đua nhau bán tháo tài sản là do lo ngại khả năng Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong tháng 10 này có thể chấm dứt gói cứu trợ thứ ba (QE-3); sản lượng công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - giảm mạnh trong tháng Tám, trong khi Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 9/10 cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng thấp và không đồng đều.

Phát biểu tại hội nghị hàng năm của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại thủ đô Washington, bà Lagarde cho biết trong các nền kinh tế phát triển, Mỹ và Anh ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ nhất, trong khi các nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản đang tụt lại phía sau.

Nền kinh tế Nga và Brazil cũng có sự sụt giảm lớn. Theo bà Lagarde, khối 18 quốc gia châu Âu sử dụng đồng euro, gộp lại thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang đối mặt với nguy cơ rơi trở lại vào suy thoái, với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể chỉ đạt 0,8% năm 2014 và 1,1% vào năm 2015.

theo Vietnam+

Từ khóa: