Sự kiện hot
12 năm trước

Chi tiết về dự thảo thông tư phân loại nợ mới

Nếu được thông qua, Thông tư về phân loại nợ mới sẽ làm con số nợ xấu và dự phòng phải trích lập của ngân hàng tăng lên so với hiện tại.

Nếu được thông qua, Thông tư về phân loại nợ mới sẽ làm con số nợ xấu và dự phòng phải trích lập của ngân hàng tăng lên so với hiện tại.

Những qui định mới của dự thảo Thông tư về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoàn tất, thay cho Quyết định 493 về phân loại nợ, chỉ ra cơ quan quản lý đang nỗ lực bịt các lỗ hổng pháp lý trong tín dụng.

Thông tư, nếu được thông qua, dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2013, có thể làm con số nợ xấu và dự phòng phải trích lập của các ngân hàng tăng lên so với hiện tại, nhưng cũng cho thấy thực trạng nợ chính xác, toàn diện hơn.

Mở rộng định nghĩa nợ và phân loại nợ

Ngoài ba qui định đầu tiên như Quyết định 493, ngay trong điều 1 dự thảo thông tư cụ thể hóa 4 hình thức khác của nợ bao gồm: các khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng; số tiền mua và ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán; ủy thác cấp tín dụng; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.

Hoạt động ủy thác đầu tư, ủy thác tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi tại các ngân hàng khác rất nhộn nhịp trong những năm gần đây, nhưng nó hầu như không được phân loại và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, khiến cho việc đi tìm một con số nợ thực sự của hệ thống khó khăn và có thời điểm không thể thực hiện được.

Việc phân loại nợ vẫn được giữ nguyên theo hai phương pháp định tính (theo đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng) và định lượng (theo thời gian).

Ở phương pháp định lượng, nợ được phân làm 5 nhóm và tỉ lệ trích lập dự phòng cho từng nhóm đều như trước đây. Tuy nhiên, trong nợ nhóm 3 (được xếp vào nợ xấu) nhóm soạn thảo đã thêm vào những hình thức mang tính thực tế, như: nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ; nợ được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng, hoặc góp vốn vào tổ chức tín dụng khác trên cơ sở nhận tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng nhận vốn góp; nợ cấp cho các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng nằm quyền kiểm soát vượt các tỷ lệ giới hạn theo qui định.

Đây là vấn đề nhạy cảm mà lâu nay chưa được qui định rõ. Thị trường đều biết hiện tượng các cổ đông ngân hàng thế chấp cổ phiếu lẫn nhau (cổ phiếu ngân hàng A được thế chấp ở ngân hàng B, B ở C...) nhằm vay vốn, góp vốn trở lại các ngân hàng. Hiện tượng sở hữu chéo cổ phiếu, ngân hàng cấp tín dụng cho các công ty con, công ty liên kết, doanh nghiệp nơi họ nắm quyền kiểm soát cũng phổ biến không kém. Ở một số ngân hàng, tín dụng cấp cho công ty con được thực hiện qua đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác đầu tư, thậm chí cho vay trực tiếp với lãi suất thấp hơn các khách hàng khác.

Tỷ lệ khấu trừ chứng khoán chưa niêm yết: 10% mệnh giá

Mức trích lập dự phòng phụ thuộc nhiều vào chất lượng tài sản đảm bảo.

Điểm mới của dự thảo thông tư là chi tiết chất lượng tài sản, chẳng hạn: "thời gian xử lý tài sản đảm bảo không quá 1 năm đối với tài sản không phải bất động sản, không quá 2 năm đối với bất động sản kể từ khi có quyền xử lý".

Quan trọng hơn: "tài sản có giá trị từ 100 tỉ đồng trở lên phải được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá" nhằm tránh việc các ngân hàng tự định giá tài sản và có thể định giá cao/thấp theo mục đích riêng.

Riêng tài sản không xử lý được, thì giá trị khấu trừ phải coi bằng không. Đối với tài sản phải định giá, nếu không có văn bản định giá thì giá trị cũng phải coi bằng không.

Qui định này là chặt, nhưng cần thiết.

Về tỷ lệ khấu trừ đối với tài sản đảm bảo, qui định đối với tiền gửi là tiền đồng, vàng, ngoại tệ; trái phiếu Chính phủ; bất động sản; chứng khoán niêm yết của dự thảo không có gì khác so với Quyết định 493. Cái mới duy nhất là chứng khoán chưa niêm yết, giấy tờ có giá khác do doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác phát hành có tỷ lệ khấu trừ tối đa 10% mệnh giá.

Như vậy một khi tài sản thế chấp là cổ phiếu IPO chưa niêm yết, cổ phiếu của ngân hàng chưa niêm yết, giấy tờ có giá của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng phát hành (có thể hiểu là trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu doanh nghiệp?...), tỷ lệ khấu trừ khi tính dự phòng rủi ro đã bị đánh tụt ở mức rất thấp.

Quyết định 493 hiện hành không phân biệt chứng khoán niêm yết hay không niêm yết, mà chỉ chung chung là "chứng khoán của doanh nghiệp, chứng khoán của tổ chức tín dụng khác" với mức khấu trừ 65-70% giá thị trường.

TBKTSG cho rằng sự đánh tụt này là hợp lý bởi chứng khoán OTC thanh khoản thấp, giá biến động thất thường, chưa kể tình trạng tài chính của doanh nghiệp ít khi minh bạch.

Áp dụng qui định này, sẽ có không ít hợp đồng tín dụng thế chấp, cầm cố chứng khoán chưa niêm yết, giấy tờ có giá của doanh nghiệp phát hành phải bổ sung tài sản đảm bảo. Nếu không ngân hàng phải trích lập dự phòng tăng vọt. Những hợp đồng nhận cầm cố cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết, hoặc những cổ phiếu IPO giá cao như Sabeco, Habeco có lẽ sẽ là trường hợp đầu tiên phải xử lý.

Để lách qui định trên, chỉ còn cách không để xảy ra nợ quá hạn đối với những hợp đồng thế chấp chứng khoán chưa niêm yết. Muốn thế bên cho vay bắt buộc phải gia hạn nợ, đảo nợ liên tục một khi người vay không trả được gốc và lãi đúng hạn. Khi VN-Index vẫn đang thoái trào, chứng khoán OTC đóng băng, đảo nợ và gia hạn nợ liên tục sẽ tạo chú ý của cơ quan thanh tra, giám sát NHNN. Hẳn không tổ chức tín dụng nào mong muốn điều này.

Cuối cùng không thể không thừa nhận dự thảo thông tư mang tính đồng bộ toàn hệ thống khi qui định những ngân hàng được NHNN chấp thuận cho phân loại nợ theo phương pháp định tính vẫn phải đồng thời áp dụng phương pháp định lượng. Sự đồng thời này phải được tiến hành trong tối thiểu 5 năm kể từ khi được NHNN cho phép.

Theo TBKTSG/Vietstock

Từ khóa: