Sự kiện hot
13 năm trước

Chỉ tiêu tín dụng: Quy mô, hạn mức không quan trọng bằng lãi suất

Định hướng giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo “bảng xếp hạng” của ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giúp kiểm soát phần nào chất lượng tín dụng, song nguồn cung vốn, lãi suất thời gian tới đây vẫn là một ẩn số.

Định hướng giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo “bảng xếp hạng” của ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giúp kiểm soát phần nào chất lượng tín dụng, song nguồn cung vốn, lãi suất thời gian tới đây vẫn là một ẩn số.

Theo lãnh đạo một số ngân hàng, doanh nghiệp, vấn đề quan trọng nhất hiện nay với họ là lãi suất. Bởi với mặt bằng lãi suất như hiện nay, các ngân hàng nhóm 1 cũng khó xài hết chỉ tiêu tối đa mà NHNN cấp.

Ngân hàng nhỏ bất lợi

Với mặt bằng lãi suất quá cao hiện nay, doanh nghiệp càng làm càng lỗ. Nên có một thực tế là nhiều ngân hàng có tiền, hạn mức tín dụng dồi dào cũng không cho vay ra được. Ảnh có tính minh hoạ. Ảnh: L.Q.N

Mặc dù danh sách phân loại các ngân hàng theo từng nhóm không được công bố, song phó tổng giám đốc ngân hàng VietinBank Lê Đức Thọ cho rằng, VietinBank đương nhiên nằm trong nhóm 1 (xét trên các tiêu chí của NHNN về quy mô vốn, năng lực quản trị điều hành, chất lượng hoạt động, năng lực của người đứng đầu, mạng lưới, khả năng huy động vốn…) Kế hoạch tăng trưởng tín dụng, doanh thu, lợi nhuận năm 2012 của VietinBank còn phải chờ đại hội đồng cổ đông của ngân hàng thông qua, song ông Thọ nhận định sẽ tiếp tục khả quan, do ngân hàng có một lượng khách hàng truyền thống, ổn định. Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay của những ngân hàng nhóm 1 tối đa chỉ là 17%, thấp hơn mức tăng trưởng trên 20% của VietinBank trong năm ngoái. Song theo ông Thọ, mức chỉ tiêu này có thể được NHNN xem xét, điều chỉnh sau sáu tháng, căn cứ vào nhu cầu của nền kinh tế cũng như đảm bảo phù hợp với chính sách của Nhà nước về quản lý vĩ mô.

Cũng tự tin với vị trí nhóm 1 của ngân hàng mình, song phó tổng giám đốc ngân hàng ACB Nguyễn Thanh Toại chưa yên tâm với hạn mức tăng trưởng tín dụng tối đa 17% cả năm. Hiện lợi nhuận từ hoạt động cho vay chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng, nên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận của ACB năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng do bị giới hạn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng (năm 2011, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt trên 20%).

“Với mặt bằng lãi suất quá cao hiện nay, doanh nghiệp càng làm càng lỗ. Nên có một thực tế là nhiều ngân hàng có tiền, hạn mức tín dụng dồi dào cũng không cho vay ra được”.

Các ngân hàng có nguy cơ bị xếp vào “chiếu dưới” lại càng lo lắng. Tổng giám đốc (giấu tên) một ngân hàng tại Hà Nội cho biết, xét về chất lượng quản trị, điều hành, chất lượng tín dụng, nợ xấu… ngân hàng của ông đủ điều kiện để đứng ở nhóm đầu, song điểm bất lợi là NHNN lấy quy mô là một trong những tiêu chí quan trọng. Không chỉ doanh thu, lợi nhuận bị ảnh hưởng, ngân hàng có thể còn gặp khó khăn về thanh khoản, do khách hàng sẽ “chọn mặt gửi tiền” theo tiêu chí của NHNN.

Khó xài hết chỉ tiêu vì lãi suất

Phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, nhận định, mặc dù NHNN giới hạn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng theo nhóm nhưng mức tăng trưởng tín dụng trung bình của hệ thống năm 2012 vẫn sẽ vào khoảng 14 – 15%, cao hơn năm ngoái. Ông Nghĩa phân tích, một trong những tiêu chí được NHNN phân loại là theo quy mô, trong khi chỉ riêng những ngân hàng lớn đã chiếm 70 – 80% tỷ trọng tín dụng toàn nền kinh tế. Do vậy, tín dụng chung cho nền kinh tế không đến mức ngặt nghèo. Vấn đề là, các điều kiện để dòng vốn đó được khơi thông, mà một trong những điều kiện quan trọng là lãi suất. “Nếu mặt bằng lãi suất vẫn cao, hệ thống ngân hàng không dễ gì “xài” hết được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, tương tự như năm 2011 vừa qua”, ông Nghĩa nói và kiến nghị, NHNN nên giao chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng theo tiêu chí tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu và chất lượng tín dụng, thay vì lấy chỉ tiêu quy mô làm trọng như hiện nay.

Phó tổng giám đốc ngân hàng ACB Nguyễn Thanh Toại, chung quan điểm, làm sao để giảm mặt bằng lãi suất là mối quan tâm hàng đầu hiện nay, không chỉ của doanh nghiệp mà của chính các ngân hàng. Với mặt bằng lãi suất quá cao hiện nay, doanh nghiệp càng làm càng lỗ. Nên có một thực tế là nhiều ngân hàng có tiền, hạn mức tín dụng dồi dào cũng không cho vay ra được. Mà để giảm lãi suất, chỉ riêng hệ thống ngân hàng nỗ lực là không đủ, vì chính sách tiền tệ chỉ đóng góp một phần trong kiềm chế lạm phát. Như quy định về trần lãi suất tiền gửi, nhiều ngân hàng tìm đủ cách lách. Trường hợp NHNN mạnh tay kiểm tra, xử lý, khách hàng lại tìm cách chuyển sang các công cụ đầu tư khác.

Tổng giám đốc công ty cổ phần Ôtô Con Đường Mới (Autonewway) Trần Ngọc Anh, cho biết, hồ sơ vay vốn, tài sản thế chấp của công ty rất đầy đủ, ngân hàng lúc nào cũng sẵn sàng giải ngân, song trong bối cảnh hiện nay, công ty vay 1 đồng cũng phải cân lên đặt xuống, làm gì để lợi nhuận đủ trả lãi ngân hàng.

Thảo Nguyễn
Theo SGTT

Từ khóa: