Sự kiện hot
7 năm trước

Chí Trung: Tên tôi sẽ là Cai Lậy trong Táo quân năm nay chăng?

Nghệ sĩ Chí Trung bật mí đã có lịch tập luyện và lịch quay chương trình Táo quân 2018. “Rất có thể, tôi sẽ vào vai Táo Giao thông”- anh cho biết.

Liên hệ phỏng vấn nghệ sĩ Chí Trung, anh nhắc đi nhắc lại: “Tôi sẽ rất kiệm lời khi chia sẻ về Táo Quân đấy nhé. Tôi không phải người đại diện phát ngôn, cũng không biết nhiều về Táo quân.

Nói vui, tôi chỉ là một cộng tác viên, vui nữa thì cũng chỉ là người làm thuê cho các ý tưởng của đạo diễn chương trình thôi. Nhân vật thì tôi thể hiện, còn nội dung tư tưởng, tác giả, đạo diễn thì do VTV phụ trách”. Tuy nhiên, những thông tin trong cuộc trò chuyện hơn cả những gì chúng tôi mong đợi.

- Anh có thể tiết lộ lịch tập Táo quân 2018?

- Tôi nhận thông báo lịch tập Táo quân từ 5/1 đến 28/1. Quay chính thức trong 3 ngày 29-30-31/1 tại Cung Hữu nghị Việt- Xô.

Có một điều đặc biệt năm nay kỉ niệm 15 năm kể từ ngày ra mắt chương trình Táo quân đầu tiên năm 2003.

- Liệu anh có vào vai Táo Giao thông không?

- Tôi chưa rõ. Tất cả còn đang chờ ở phía trước. Tôi cũng hồi hộp như các bạn! Vai Táo Giao thông là vai diễn mà tôi tạo được dấu ấn nhưng không hoàn toàn. Bởi tôi từng đóng Táo Công chức hay một số Táo khác. Năm nay, có thể tôi sẽ lại vào vai Táo Giao thông vì trong năm có nhiều vấn đề nóng như: BOT, đường sắt trên cao… Rất có thể tên tôi năm nay sẽ là Cai Lậy chăng? Đó là tôi cũng chỉ dự đoán thôi đấy nhé! (Cười).

NSƯT Chí Trung dự đoán có thể năm nay anh sẽ vào vai Táo Giao thông.

- Lịch tập Táo quân thường khá ngặt nghèo và tập về đêm. Liệu đó có phải là khó khăn với anh?

- Trước đây, lịch tập Táo quân cũng khá vất vả vì các bạn trẻ chạy show nhiều, đến đêm mới về tập. Nhưng 2 năm trở lại đây, chúng tôi đã có tuổi và các bạn trẻ cũng hết show rồi nên yêu cầu tập ban ngày. Không tập đêm nữa, tập đến khoảng 23h là nghỉ vì không ai sức đâu 2-3h sáng “nhóm lò” tập với nhau được.

Thỉnh thoảng có ngày tập đêm nhưng không phổ biến 1 tháng như ngày xưa và sự hao tâm tổn sức không còn nhiều nữa. Chị Minh Vượng bỏ Táo quân cũng vì không có sức để theo rồi chị Minh Hằng cũng “hết hơi”. Bây giờ đến lượt chúng tôi cũng “hết hơi” rồi, anh Quốc Khánh cũng bắt đầu già rồi. Vân Dung, Xuân Bắc cũng yếu mệt rồi, Quang Thắng từ Hải Phòng lên cũng mệt lắm rồi.

Thế nên các bạn ấy cũng phải suy nghĩ lại. Ngay cả đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng mệt!

- Nhiều người nói, nếu Táo quân thiếu vắng đội ngũ nghệ sĩ như: Chí Trung, Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý, Vân Dung, Quang Thắng… sẽ mất đi bản sắc. Anh nghĩ như thế nào về ý kiến này?

- Không hẳn đâu. Bản sắc của Táo quân phụ thuộc vào kịch bản của chương trình. Tôi có linh cảm Táo quân 2018 sẽ là chương trình cuối vì mọi người rất muốn dừng nó từ 2-3 năm nay. Thứ hai mọi người rất muốn thay đổi e-kip. Đã thử bằng việc cài nhiều diễn viên trẻ vào nhưng các em ấy không đủ tự tin để làm điều đó.

Bản thân khán giả hét lên là tại sao bao năm vẫn những khuôn mặt ấy nhưng chỉ 1-2 đứa trẻ vào thôi lại gào lên chê bai. Tâm lý đám đông này thì chúng ta quá hiểu rồi.

Dàn nghệ sĩ "đinh" của chương trình Táo quân.

- Có thể nói, một số câu nói trong chương trình Táo quân của anh đã để lại dấu ấn đặc biệt với khán giả như: “Nước trong thì không có cá, người tốt quá thì không ai chơi” hay “Giàu thì nó/ Đói rét thì nó khinh/ Thông minh nó tìm cách tiêu diệt”… Anh có chiêm nghiệm gì từ những câu nói này không?

- Phải nói luôn, những câu nói này là của đạo diễn Đỗ Thanh Hải và được gắn vào miệng tôi thôi. Chỉ có điều, có thể tôi nói sẽ có hồn hơn bởi tôi là người vốn hay suy nghĩ và trăn trở về thế sự. Bản thân tôi là công dân có trách nhiệm, cộng thêm bề dày vốn sống nên những câu nói sẽ có sức nặng hơn.

Cái chất hài của tôi tạm gọi là “hài thâm”. Một số người gọi là hài trí tuệ, nhưng biết thế nào là trí tuệ, thế nào bình dân? Cái gì phục vụ mọi người đông đảo và được đón nhận thì nó mới có giá trị. Mỗi người sẽ có cách thể hiện riêng. Có người thể hiện nó rắc rối, khó hiểu như tôi chẳng hạn.

- Sao anh tự nhận mình là người diễn hài “khó hiểu”?

- Tôi cũng không biết vì đó là chất riêng của mỗi người. Nếu ví von thì chất hài của tôi giống như mù tạt ấy, cay nồng, rất khó ăn nhưng ăn được là nghiện. Nhưng cũng có một số nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ bây giờ chạy theo xu hướng hài trực diện và được đông đảo khán giả bình dân rất thích. Nhiều người thành công khi diễn bãi, đồng quê, đám cưới, đám hỏi…

Còn tôi thì phải có sân khấu, có kịch bản và tập luyện. Chẳng ai hay hơn ai, chẳng ai đúng hơn ai vì bản chất chúng tôi đều mang lại tiếng cười cho khán giả.

- Như thế chắc Chí Trung sẽ không tham gia chương trình “Ơn giời, cậu đây rồi” đâu nhỉ?

- Tôi không được mời. Những chương trình “cười ngay” thì tôi không có duyên. Có thể với những chương trình như thế thì Xuân Bắc, Tự Long hay Quang Tèo, Giang Còi, Vân Dung, Quang Thắng… duyên hơn.

- Giả sử được mời làm trưởng phòng trong chương trình này thì anh có nhận lời?

- Bao giờ được mời thì tôi sẽ tính!

- Xin hỏi anh thời gian tới Nhà hát Tuổi trẻ có chương trình biểu diễn nào không?

- Vào ngày 1/1/2018, nhân dịp đầu năm mới, nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn chương trình “Hương xuân Hà Nội” tại cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Tham gia biểu diễn gồm các nghệ sĩ: Chí Trung, Vân Dung, Đức Khuê, Thu Quỳnh, Chí Huy… Bên cạnh đó, là Đoàn ca múa nhạc nhà hát Tuổi trẻ, vũ đoàn TT Girl (tức Tuổi trẻ Girl) và ban nhạc TT Boy (Tuổi trẻ Boy). Đây là chương trình hoàn toàn mới do nhà hát dàn dựng.

Nói xa thêm một chút, vào dịp tết Nguyên đán, nhà hát Tuổi trẻ có 3 đoàn lưu diễn nước ngoài. Một đoàn đi Nga phục vụ bà con kiều bào ở Matxcova từ 12/12 đến 18/12. Một đoàn đi Canada từ 22/1 đến 29/1 và một đoàn đi Lào từ 20/1-26/1.

- Nhiều người mặc định, lưu diễn nước ngoài là “miếng bánh béo bở” của các nghệ sĩ trong nước?

- Có thể nó đúng với các nghệ sĩ thương mại, thị trường. Thường nghệ sĩ chạy show nước ngoài nhận tiền nghìn đô còn nghệ sĩ của nhà hát Tuổi trẻ lưu diễn chỉ nhận công tác phí 20 USD/người/ngày.

Hơn nữa việc đi lưu diễn rất xa xôi, vất vả chứ không sung sướng gì. Một số nhà hát không muốn đi ấy chứ, chúng tôi tự nguyện đi để phục vụ bà con kiều bào. Sẽ chẳng có nghệ sĩ thương mại nào họ đi diễn vậy đâu. Chúng tôi đi diễn thứ nhất là công việc, thứ hai để đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ được mở mang đồng thời gắn với thương hiệu của nhà hát. Hơn nữa, thể hiện sự gắn kết lâu dài, hữu nghị với các nơi lưu diễn.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!./.

Đỗ Quyên
Tiền phong

Từ khóa: