Trên thực tế có không ít chủ đầu tư/bên mời thầu (CĐT/BMT) gia hạn thời điểm đóng thầu khi có ít hơn 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) để có thêm nhà thầu tham gia cạnh tranh. Tuy nhiên, cũng có thực tế là, gia hạn cho có, chưa coi việc gia hạn là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu dự thầu.
Gia hạn cho có
Ngày 10/10/2019, theo thông báo mời thầu, một BMT tại TP.HCM tiến hành đóng/mở thầu một gói thầu. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu có mặt tại thời điểm đóng thầu, chỉ có 1 nhà thầu nộp HSDT, dù trước đó có đến 6 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu (HSMT). BMT rất muốn mở thầu, nhưng sau khi tham khảo nhiều ý kiến, đặc biệt là ý kiến của cơ quan quản lý, sau 2 tiếng đồng hồ cân nhắc, đã đi đến quyết định gia hạn thời điểm đóng thầu.
Tuy nhiên, việc gia hạn đóng thầu gói thầu này lại được tiến hành rất… chiếu lệ. Cụ thể, từ thời điểm công bố gia hạn đến thời điểm đóng thầu mới chỉ là 3 ngày, trong đó gồm thứ Bảy và Chủ nhật. Nhiều nhà thầu cho rằng, nếu không phải là nhà thầu đã mua HSMT và trực tiếp nhận thông báo gia hạn từ CĐT/BMT thì khó cập nhật kịp việc gia hạn này. “Như vậy, khi nhà thầu đọc được thông tin gia hạn thì thời điểm đóng thầu mới đã cận kề. Mục tiêu kéo dài thời gian phát hành HSMT, thu hút thêm nhà thầu tham dự thầu là gần như không có”, một nhà thầu bình luận.
Thực tế cho thấy, không ít CĐT/BMT lợi dụng việc không bó buộc về thời gian gia hạn thời điểm đóng thầu để thực hiện những thông báo gia hạn với thời lượng quá ngắn để cho có. “Thậm chí, việc gia hạn đóng thầu chỉ 1 - 2 ngày gần như là để CĐT/BMT cùng nhà thầu quân đỏ bày bố thêm quân xanh cho xôm tụ, đủ điều kiện để mở thầu. Nếu thực sự muốn nhiều nhà thầu quan tâm đến gói thầu, không CĐT/BMT nào lại gia hạn chỉ 2 - 3 ngày phát hành HSMT cả”, một nhà thầu tại TP.HCM chia sẻ.
Gia hạn vẫn đẩy cái khó cho nhà thầu
Tháng 9/2019, một BMT ở Trà Vinh thông báo gia hạn một gói thầu xây lắp lớn, có giá trị hơn 120 tỷ đồng. Theo thông báo này, gói thầu sẽ lùi thời điểm đóng thầu đúng 2 ngày. Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện BMT này cho biết, việc gia hạn là do gói thầu “có điều chỉnh về khối lượng” nên điều chỉnh HSMT. Trả lời Báo Đấu thầu, một số nhà thầu bày tỏ quan ngại về sự gấp gáp trong thời gian gia hạn này. “HSMT có thay đổi, cụ thể là điều chỉnh khối lượng thi công là một thay đổi lớn, không chỉ là câu chuyện liên quan đến chính tả, hay tiểu tiết khác. Để cập nhật điều chỉnh này, nhà thầu bắt buộc phải tính toán lại phương án thi công, đơn giá, khối lượng… Nếu chỉ 2 ngày, vẫn có thể hoàn thiện kịp nhưng rất khó”, một nhà thầu nhận xét.
Một gói thầu quy mô hơn 1.000 tỷ đồng vừa mời thầu tại Tiền Giang đã tiến hành gia hạn 2 lần. Việc gia hạn cả hai lần đều được BMT cho biết lý do là để “hoàn thiện HSMT”. Tuy nhiên, đến lần gia hạn thứ hai, ngày đóng thầu cận kề, BMT mới công bố việc điều chỉnh HSMT. Việc điều chỉnh yêu cầu về hợp đồng tương tự theo hướng “mở” và tuân thủ đúng quy định (70% giá trị gói thầu đang mời), bởi trước đó, BMT đã yêu cầu giá trị hợp đồng tương tự lên tới 99,9% giá trị gói thầu đang mời thầu. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu cho rằng, đây là “điều chỉnh cực kỳ chậm trễ” và gây quá nhiều bất lợi cho các nhà thầu.
Bởi với các gói thầu quy mô hơn 1.000 tỷ đồng, mối quan tâm, thời gian, công sức chuẩn bị xây dựng HSDT của nhà thầu là rất lớn. Do đó, nếu HSMT được phát hành trong thời gian dài có tiêu chí “cài cắm”, BMT không có động thái sửa, là đã khiến đông đảo nhà thầu rút lui, không tham gia nữa. Đến sát thời điểm đóng thầu mới điều chỉnh tiêu chí này, mục tiêu của việc gia hạn để thu hút đông nhà thầu tham dự thầu là không đạt.
Văn Huyền
Theo Báo Đấu thầu