Lãnh đạo đánh bạc tiền tỉ là do tổ chức, bố trí nhầm người, khâu tổ chức phải chịu phần trách nhiệm. Từ khâu này để mở ra, chấn chỉnh toàn đảng. Nếu không sẽ không giải quyết được. Mọi thành công hay thất bại đều phải tìm nguyên nhân trong khâu tổ chức và cán bộ - GS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận TƯ nói.
Lãnh đạo đánh bạc tiền tỉ là do tổ chức, bố trí nhầm người, khâu tổ chức phải chịu phần trách nhiệm. Từ khâu này để mở ra, chấn chỉnh toàn đảng. Nếu không sẽ không giải quyết được. Mọi thành công hay thất bại đều phải tìm nguyên nhân trong khâu tổ chức và cán bộ - GS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận TƯ nói.
GS Dương Phú Hiệp: Thời gian qua, dư luận xã hội bức xúc trước hàng loạt những vụ việc liên quan đến các đảng viên ở vị trí lãnh đạo, từ chuyện ở Hà Giang, đến cán bộ đánh bạc tiền tỉ ở Sóc Trăng hay mới đây nhất là sự kiện ở Tiên Lãng, Hải Phòng... Tính hấp dẫn của Đảng vì thế mà bị ảnh hưởng. Là một người làm về công tác lý luận của Đảng, ông nhìn nhận như thế nào?
Xuất phát từ những vấn đề đang xảy ra trong thực tế, xem lại những vấn đề của nghị quyết thì thấy giữa thực tiễn và lí luận có nhiều cái không khớp, buộc mình phải nhìn lại, để sửa chữa, điều chỉnh.
Qua vụ Tiên Lãng, Hải Phòng nổi lên mấy vấn đề: Một là, về pháp luật, cần xem lại nhận thức về pháp luật và thi hành pháp luật của ta. Cán bộ mình, hoặc là chưa nắm vững hoặc là nắm vững nhưng không làm theo pháp luật. Không thể quản lí theo kiểu pháp luật một đường, quản lí một nẻo được.
Hai là, quan hệ giữa quần chúng nhân dân với đảng, nhà nước. Đảng nói quan hệ giữa đảng với dân là quan hệ máu thịt, không thể tách rời, nhưng chính tình trạng quan liêu của đảng khiến cho đảng không gắn được máu thịt với dân.
Ở vụ Tiên Lãng, chỉ đạo của Đảng không sát sao, chính quyền vì thế lạm dụng quyền lực của mình hành dân. Ta vẫn nói nhà nước của dân, do dân, vì dân, nhưng thực tế ở Tiên Lãng đã bác bỏ điều đó. Nếu vì dân, đâu anh lại xử lí như thế.
Giữa câu nói hay và việc làm cụ thể còn mâu thuẫn.
Một thực tế khác như ở Sóc Trăng hay Hà Giang đặt ra vấn đề sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên. Đạo đức, lối sống cán bộ gắn liền với công tác tổ chức cán bộ: Làm thế nào thức hiện đúng khẩu hiệu "có tài, có đức, có chức, có quyền". Những vụ như vừa rồi làm lộ rõ thực tế, cán bộ không có tài, chẳng có đức, mà vẫn có chức, có quyền, thậm chí là chức quyền to, cho nên làm bậy, hư hỏng.
Thực ra, không chỉ 2 vụ đó, mà còn nhiều vụ chưa khám phá ra, hoặc còn âm ỉ, chưa bùng nổ ra. Nếu để nổ ra hàng hoạt vụ việc như thế, uy tín của đảng, nhà nước sẽ giảm sút. Nghị quyết TƯ4 được đưa ra kịp thời, để chấn chỉnh lại công tác của đảng.
Trên thực tế, công tác đảng đã có nhiều nghị quyết. Vấn đề xây dựng đảng được quan tâm ngay từ khi mới thành lập. NQTƯ6 lần 2 khóa VIII cũng nêu những vấn đề cơ bản, cấp bách về xây dựng đảng rồi. Vấn đề là từ nghị quyết, lí luận đến thực tế việc làm còn khoảng cách, còn nghịch lí nữa. Nói hay mà làm dở, nói một đằng làm một nẻo. Nghị quyết vì thế mất thiêng. Chưa nói dân không thực hiện, mà ngay đảng viên cũng chưa thực hiện. Đơn cử, ta cứ nói giảm bớt bộ máy để bớt cồng kềnh, thực tế, bộ máy lại phình to thêm mãi. Ta nói giảm bớt cấp phó nhưng thực tế lại nhiều thêm...
Công tác đảng cần chấn chỉnh lại việc ra nghị quyết và thực hiện nghị quyết.
TBT Nguyễn Phú Trọng nói: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc phức tạp nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Chúng ta nên hiểu những động thái mạnh mẽ ấy của các vị lãnh đạo Đảng như thế nào, thưa ông?
Thực ra, việc xây dựng và chỉnh đốn đảng đã được nêu từ lâu, tập trung nhất là tại Nghị quyết TƯ6 lần 2 khóa VIII. Lâu nay, vì bận bịu với quá nhiều việc, vấn đề này gần như bị lãng quên.
Những năm gần đây, thực tế nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, nhất là về đạo đức, lối sống của nhiều cán bộ, đảng viên xuống cấp. Niềm tin của dân có phần giảm sút. Tình hình không thể chậm trễ hơn được nữa, phải chấn chỉnh ngay, hòng khôi phục lòng tin của dân với Đảng.
Nghị quyết Trung ương 4 nhấn mạnh yêu cầu phải tập trung kiểm điểm, đánh giá làm rõ tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm. Cá nhân ông lí giải thế nào?
Phải làm thế nào để nêu vấn đề gì thì kiểm điểm, phân tích đến nơi đến chốn, tại sao chưa đi vào cuộc sống, tồn đọng ở đâu. Không để tình trạng ôm đồm rồi cái này chưa xong đã lo nhảy sang cái khác, nên lãng quên.
Vì thế, ngay từ khi ra nghị quyết, phải chọn vấn đề, ra nghị quyết ngắn gọn, tổ chức thực hiện cho tốt..
Trước hết, tuyên truyền, quán triệt xem nghị quyết này thuộc đối tượng nào: chỉ trong đảng, hay trong hệ thống nhà nước, hay trong toàn dân.
Ở ta, nghị quyết của đảng quán triệt còn lơ mơ, làm cho xong việc. Ông tuyên huấn đi giảng mấy bài, bộ máy tuyên truyền đưa tin... kết quả nhận thức trong đầu người ta thì không biết. Việc nắm tâm trạng quần chúng và dư luận xã hội của mình còn kém. Tuyên truyền cứ nói lấy được, rằng nghị quyết đi vào cuộc sống, trở thành tư tưởng của nhân dân. Trong khi không nắm bắt được cụ thể người ta quán triệt như thế nào.
Đó là chưa kể việc "trên phổ dưới biến", trên nói cứ nói, dưới không nghe. Lại có trường hợp khác, người ta thuộc làu làu nghị quyết, nhưng chỉ thực hiện nhưng cái mình cần, mình muốn, phục vụ lợi ích tính toán của mình.
Về tổ chức thực hiện, nhận thức phải biến thành các chương trình hành động, kế hoạch hành động cụ thể. Đó là bước cao hơn. Muốn thế, nghị quyết phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Một khi nghị quyết chỉ bàn những chuyện cao siêu đâu đâu, thì người ta chỉ nghe cho xong chứ không thực hiện. Nếu xuất phát từ lợi ích của nhân dân, thì nhất định người ta sẽ thực hiện.
Vậy theo ông, việc tuyên truyền và triển khai Nghị quyết trung ương 4 lần này cần được thực hiện như thế nào, để đạt mục tiêu làm cho đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, khôi phục lòng tin của dân với đảng và chính quyền trong bối cảnh hiện nay, khi những sai lầm về kinh tế - xã hội, về đạo đức cán bộ ở nhiều nơi trên khắp cả nước đang gây bức xúc xã hội, thưa ông?
Ngay từ ĐH 6 của Đảng cũng đã nêu nhiều bài học đến nay vẫn rất cơ bản chẳng hạn như nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật... Nếu nhiều vụ việc thông tin mù mờ, không có kết luận rõ ràng, lúc thế này thì sẽ chỉ làm mất uy tín của đảng.
Đảng phải tin dân, phải nói đúng sự thật. Đó là điểm xuất phát để có thể gỡ ra.
Hai là, phải lấy dân làm gốc. Nói đảng của dân mà không thấy vai trò của đảng ở đâu, thì khó mà lấy lại được lòng tin. Như vụ Tiên Lãng, dù là một cá nhân cũng là dân chứ. Dư luận mừng vì kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bởi trở lại với sự thật, để sự thật lên tiếng.
Ba là, Đảng dám thừa nhận sai lầm, khuyết điểm. Dám thừa nhận sai lầm là một văn hóa. Đây cũng là trách nhiệm với dân. Đừng bao che, giấu diếm. Phải dám thừa nhận sai lầm và dám sửa chữa. Sai lầm của ai, cấp nào, phải công khai.
Chuyện công khai của ta còn kém lắm. Cứ mập mờ, tranh tối tranh sáng, trong bối cảnh này thì lại càng mất lòng tin.
Hơn nữa, xử lý phải đúng pháp luật. Đảng viên hay quần chúng không ai nằm ngoài vòng pháp luật cả. Không có con số trừ 1. Không ít vụ việc, ta sợ đụng chạm này khác, can thiệp để không làm to ra... Cách làm như vậy là không được. Đã là nhà nước pháp quyền, pháp luật là tối thượng, không trừ một ai. Có như thế, xã hội mới ổn định.
Đã đến lúc phải đi vào thực chất: trong nhà nước pháp quyền, pháp luật là tối thượng, dân chủ và xã hội công dân là cần thiết.
Nếu cán bộ lãnh đạo hay đảng viên bao che cho nhau thì chỉ làm mất lòng tin của dân với đảng.
Phải xác định vấn đề xây dựng đảng không phải của riêng Đảng. Đảng là của nhân dân, phải để dân đóng góp xây dựng đảng, phải tìm nghệ thuật để nhân dân đóng góp.
Về phía Đảng, tấm gương và sự nêu gương là quan trọng. Cái này khó lắm. Nhưng đó là vấn đề nguyên tắc, phải làm bằng được. Trách nhiệm ấy là của đảng viên, của lãnh đạo.
Nói Đảng là tổ chức có trí tuệ, có lương tâm thì người lãnh đạo phải tượng trưng cho trí tuệ đó, lương tâm, đạo đức đó. Ngược lại, người ta nhìn thấy những người không có tài, có đức mà lại có chức có quyền thì có nói gì cũng không thuyết phục được.
Tấm gương là quan trọng. Nói và làm đi đôi với nhau. Nói hay mà làm dở thì không thể nêu gương được. Nói chính sách chính nhiều cán bộ đảng viên không thực hiện; nói tấm gương Bác Hồ nhưng bản thân lãnh đạo không học tập tấm gương ấy... thì làm sao nêu gương được? Hiện nay những tấm gương tốt cũng có, nhưng những tấm gương xấu, những con sâu mọt chui vào trong Đảng và nhà nước cũng không ít. Vì vậy, Đảng và Nhà nước phải phát hiện ra sâu mọt và tiêu diệt chúng, làm cho bộ máy Đảng và Nhà nước dần dần trở nên trong sạch thì dần dần sẽ lấy lại được lòng tin của nhân dân.
Hai là, việc làm phải cụ thể. Định làm về bộ máy, thì cụ thể, chấn chỉnh bộ máy phía Đảng thế nào. Nếu làm về bộ máy mà chỉ xử lí vấn đề bộ máy nhà nước, còn bộ máy đảng vẫn cồng kềnh, chức năng dẫm đạp, chồng chéo, thì không có kết quả.
Ở đây cũng là vấn đề nêu gương: Đảng phải làm trước. Đảng phải chấn chỉnh bộ máy của mình trước, chấn chỉnh đảng viên của mình trước. Đảng nêu gương làm tốt, nhà nước và các đoàn thể cũng noi theo. Đảng phải tiên phong. Cũng có nghĩa là đảng viên phải tiên phong. Từng cán bộ đảng viên không tiên phong thì không có kết quả.
Ví dụ, dân chủ trong đảng chẳng hạn. Làm thế nào các đảng viên có quyền góp ý với đảng viên cấp trên mà không bị trừng phạt. Người lãnh đạo phải nghe bằng cả hai tai.
Không chỉ nghe, đọc, mà quan trọng là nếu thấy đúng phải dám quyết định: cách chức, đề bạt... không để chạy chọt, móc ngoặc, ô dù...
Quyết tâm chính trị đã được thể hiện. Những giải pháp cũng đã được chỉ ra trong nghị quyết. Theo ông, đâu là những khởi điểm việc làm cụ thể, để thực sự chỉnh đốn đảng, không để tình trạng như ông nói, đánh trống bỏ dùi trong thực hiện nghị quyết?
Chỉnh đốn Đảng không dễ, nhưng là việc cấp bách, bởi Đảng lãnh đạo toàn diện. Trước hết và trên hết, phải giải quyết tốt khâu tổ chức, cán bộ, bố trí đúng người đúng việc. Không giải quyết khâu này thì không cách gì mở sang khâu khác được. Như ĐH 6 đã kết luận: công tác tổ chức cán bộ là sai lầm của mọi sai lầm. Muốn sửa các sai lầm khác, thì khâu tổ chức cán bộ phải được làm trước. Đây là khâu then chốt của then chốt. Phải chọn ra được người có tài có đức để lãnh đạo đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp. Từ lãnh đạo này mới có đường lối, chủ trương chính sách đúng được.
Tiếp đến là phải dân chủ, phải thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Không để tình trạng móc ngoặc, ô dù, nịnh hót, mua bán...quan chức. Có những trường hợp cấp cao phải trình chương trình hành động, tranh luận công khai, dân nghe, để thấy ai xứng đáng thì bầu. Còn vẫn làm kiểu cũ như dựa vào quá trình cách mạng, thành phần, chủ nghĩa lí lịch cài con cháu vào... thì không giải quyết được vấn đề.
Lãnh đạo đánh bạc tiền tỉ là do tổ chức, bố trí nhầm người, khâu tổ chức phải chịu phần trách nhiệm. Từ khâu này để mở ra, chấn chỉnh toàn đảng. Nếu không sẽ không giải quyết được. Mọi thành công hay thất bại đều phải tìm nguyên nhân trong khâu tổ chức và cán bộ.
Hoàng Phương Loan
Theo Vietnamnet