Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Bộ Tài chính chủ trì thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển lành mạnh, hiệu quả, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 85/2022 về hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.
Nghị quyết nêu rõ thời gian tới, dự báo kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, diễn biến khó lường và gặp nhiều khó khăn; lạm phát tiếp tục ở mức cao ở một số nền kinh tế lớn; xung đột tại Ukraine có thể kéo dài, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt; tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong 6 tháng cuối năm có thể nghiêm trọng hơn và dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ở trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn nhưng khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, áp lực lạm phát gia tăng, chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của những biến động bên ngoài do độ mở cao, trong khi sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế còn hạn chế.
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ kết hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Sau 6 tháng, chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước còn phải chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, nhất là lạm phát, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác (như chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư...) để chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cập nhật, hoàn thiện các phương án, kịch bản chỉ đạo, điều hành phù hợp.
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì việc thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền ở địa phương kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp diễn biến giá thị trường; báo cáo Thủ tướng về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương liên quan đến việc thực hiện hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định trong bối cảnh giá nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng biến động mạnh, hoàn thành trong tháng 7.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, nhất là mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, nguyên liệu phục vụ sản xuất...) để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trong nước.
Bộ Công Thương kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ nâng giá; điều hành giá xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả; tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu có giá ưu đãi hơn; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất xăng dầu để bảo đảm sản xuất, nguồn cung và dự trữ xăng dầu trong nước, bình ổn giá cả.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triển khai và phát huy hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong đó, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023 được yêu cầu thực hiện đồng bộ, hiệu quả; sẵn sàng cho mọi tình huống dịch Covid-19 có thể xảy ra.
Bộ Y tế và các địa phương tập trung đẩy nhanh hoạt động tiêm vaccine Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Ngọc Hà
Theo ndh.vn