Sự kiện hot
13 năm trước

Chính phủ tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép

Trong 2 ngày 5 và 6/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng Hai năm nay, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng Hai, hai tháng đầu năm nay và tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP;

Trong 2 ngày 5 và 6/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng Hai năm nay, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng Hai, hai tháng đầu năm nay và tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.”



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp so với nhiều năm qua

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng Hai vừa qua và hai tháng đầu năm nay, các thành viên Chính phủ đánh giá: các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trước, sau Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả nhất định.

Nổi bật là giá cả ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất so với nhiều năm qua, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu tăng cao, an sinh xã hội được đảm bảo...

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hai tháng tháng đầu năm nay tăng 3,9/% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp khai thác mỏ tăng 5%, công nghiệp chế biến tăng 2,4%, sản xuất và phân phối điện, gas, nước tăng 11,7%. Về lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương đã tập trung gieo cấy và chăm sóc lúa Đông Xuân, diện tích hoa màu; đẩy mạnh hoạt động phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản… Khu vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lũy kế hai tháng đầu năm nay tăng 22% so với cùng kỳ, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng Hai vừa qua tăng 29,4%…

Về ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát; chỉ số giá tiêu dùng tháng Hai năm nay tăng 1,37% so với tháng trước và tăng 2,38% so với tháng 12/2011, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (2 tháng đầu năm 2011 tăng 3,87). Như vậy, mặc dù là tháng sau Tết Nguyên đán, song mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng Hai năm nay là mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm qua (ngoại trừ năm 2001 tăng 0,4% và năm 2009 tăng 1,17%, CPI tháng Hai so với cùng kỳ năm trước các năm 1986-2011 đều cao hơn 1,37%). Thị trường ngoại hối tương đối ổn định, thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống được cải thiện, kim ngạch xuất khẩu tháng Hai năm nay ước đạt 8,2 tỷ USD... Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, đặc biệt một số nền kinh tế lớn là thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Mỹ, EU… bị suy giảm.

Các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ các hộ thiếu đói (trong tháng hai năm nay đã hỗ trợ khoảng 900 tấn lương thực), hỗ trợ giá điện, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn…

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ đã tập trung phân tích những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, trong đó nổi lên là lãi suất còn ở mức cao, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng tín dụng giảm ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của doanh nghiệp. Sản xuất công nghiệp tăng chậm, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do chi phí đầu vào cao, tồn kho ở mức cao dẫn đến quy mô sản xuất thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc phá sản, giải thể.

Cùng với đó, rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; tiến độ gieo cấy lúa Đông Xuân bị chậm, chăn nuôi gia súc bị ảnh hưởng; dịch bệnh gia cầm lan rộng ở nhiều địa phương trên cả nước; nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu.…

Thực hiện nhiệm vụ “kép” kiềm chế lạm phát và chống suy giảm kinh tế

Từ sự phân tích những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cũng như phân tích dự báo tình hình, các thành viên Chính phủ cho rằng, việc tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô phải luôn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu với các giải pháp quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt. Đi liền với đó phải duy trì được hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh; chống suy giảm kinh tế, giữ được tăng trưởng mở mức hợp lý, giải quyết tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội…

Theo nhiều thành viên Chính phủ, để thực hiện được mục tiêu kép là kiềm chế lạm phát đi đôi với thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, chống suy giảm kinh tế, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chính sách đã đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời tăng cường các biện pháp khắc phục dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; kiểm soát giá cả thị trường, nhất là những mặt hàng nhạy cảm, có ảnh hưởng tới lớn tới mục tiêu kiềm chế lạm phát như lương thực, thực phẩm, gas...; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đề xuất, trước hết cần tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó hết sức lưu ý thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Trong thúc đẩy sản xuất công nghiệp cần quan tâm tháo gỡ khó khăn cho những ngành đang có tốc độ tăng trưởng thấp như công nghiệp chế biến, chế tạo…; triệt để thực hiện các biện pháp tiết kiệm, giảm chi phí không cần thiết, nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất; đồng thời tăng cường các biện pháp phát triển thị trường, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng tồn động hành hóa hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng… đề xuất việc xây dựng các biện pháp điều chỉnh tín dụng phù hợp, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, ưu tiên vốn tín dụng cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp chế biến… Song song với việc thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh… cần có những giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam, kiểm soát nhập siêu nhằm kiềm chế lạm phát hữu hiệu hơn.

Các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông; quan tâm tới khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ ở các thành phố lớn; xử lý nghiêm các phương tiện giao thông vi phạm, bất kể phương tiện giao thông đó của cá nhân, tổ chức nào; quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho xuất khẩu lao động…

Tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, không thể chủ quan, thỏa mãn; tinh thần chung là quyết liệt, nỗ lực để tiếp tục phát huy những kết đã đạt được; đồng thời ra sức khắc phục những khó khăn, hạn chế yếu kém nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong quý 1 và cả năm nay.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong năm nay, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; nhiều khả năng kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng thấp hơn năm 2011. Là một quốc gia hội nhập quốc tế sâu rộng, những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới sẽ tác động trực tiếp tới nền kinh tế nước ta nhất là vấn đề về giá cả, thị trường xuất khẩu…

Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, đánh giá khách quan, đúng thực trạng tình hình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có những phản ứng chính sách nhanh nhạy, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình hình thức tế nhằm thực hiện cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát để giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ trong khó khăn càng cần chú ý phát huy những lợi thế của đất nước nhất là lợi thế chính trị, xã hội ổn định cho thu hút đầu tư, cho phát triển sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ… để phát triển bền vững.

Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng cần quyết liệt chỉ đạo điều hành để giữ vững sự ổn định về tỷ giá, có lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp; điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, thực hiện điều hành giá cả những mặt hàng thiết yếu này vừa bảo đảm mục tiêu theo cơ chế giá thị trường vừa đáp ứng mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất ngân hàng, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, gắn liền với giải quyết thanh khoản phải thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngân hàng. Trên cơ sở thị trường chứng khoán khởi sắc, cần đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhất là thông qua hình thức cổ phần hóa, đồng thời kiểm soát tốt thu chi ngân sách, giữ nhập siêu cả năm nay ở mức khoảng 10% (bằng năm 2011), cắt giảm đầu tư công, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

Song song với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh nhất là tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng hàng hóa tồn kho; quan tâm phát triển thị trường trong nước, đưa hàng hóa, dịch vụ về khu vực nông thôn; ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, có thị trường tiêu thụ, thị trường xuất khẩu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành cổ phiếu… duy trì được tăng trưởng ở mức khoảng 6% trong năm nay.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy và chăm sóc lúa Đông Xuân; phát triển chăn nuôi đi đôi với tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng, chống, khống chế dịch cúm gia cầm, không để dịch lan rộng; chỉ đạo Hiệp hội lương thực, các doanh nghiệp đẩy mạnh việc thu mua lúa Đông Xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long và tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu; quan tâm phát triển diện tích cây công nghiệp có lợi thế xuất khẩu như cao su, càphê…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chủ động, sâu sát nắm tình hình đời sống nhân dân, nhất là đối với các hộ gia đình chính sách, đồng bào nghèo để có biện pháp cứu trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu đói; rà soát tình hình lao động, việc làm, đặc biệt là tại các khu công nghiệp để tháo gỡ, không để mất ổn định; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội, các loại hình tội phạm; duy trì và thực hiện tốt các giải pháp giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, sớm có kết luận xác định nguyên nhân gây cháy, nổ xe, xây dựng các phương án để sẵn sàng ứng phó với thiên tai, lũ lụt khi mùa mưa bão đang đến gần...

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng, chống, phát phát hiện, ngăn chặn, điều trị và khống chế dịch bệnh ở người; đồng thời yêu cầu sớm trình Đề án khắc phục tình trạng quá tải của bệnh viện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

Chỉ đạo các bộ, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ xây dựng và trình các Đề án, Nghị định, Tờ trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ chủ động thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giải trình, giải đáp trước nhân dân, cung cấp kịp thời thông tin cho cho báo chí nhằm định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và cho ý kiến về Đề án một số vấn đề an sinh xã hội giai đoạn 2012-2020 và Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012-2020...

Thiện Thuật
Theo TTXVN

Từ khóa: