Sự kiện hot
4 năm trước

Chính sách đặc thù cho Hà Nội: Đặc thù không có nghĩa là đặc quyền, đặc lợi

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 9 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào ngày 12/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận ủng hộ việc xem xét bổ sung cơ chế tài chính ngân sách cho phép Thủ đô huy động nguồn tài chính đầu tư phát triển. Song, ĐB Nguyễn Sỹ Cương cũng góp ý, không nên dùng từ “đặc thù”, bởi “bên cạnh những quy định chung, mỗi địa phương đều có điều kiện khác nhau thì cần có cơ chế riêng cho các địa phương ấy”. Tuy nhiên trong thời gian qua, có quá nhiều quy định đặc thù ít nhiều gây ra sự hiểu lầm như kiểu đặc quyền, đặc lợi.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Ngoài ra, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, việc ban hành Nghị quyết sẽ giúp Hà Nội hoàn thành mục tiêu từ nay đến 2025 xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là động lực phát triển của vùng và của cả nước, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo, duy trì tăng trưởng cao hơn so với trung bình cả nước và cao hơn giai đoạn 2015 – 2020, trở thành đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh trong nước và cũng như khu vực, quốc tế.

Cũng theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, việc giao cho HĐND TP quyết định các loại phí và lệ phí cũng như mức phí mà không quy định mức trần là phù hợp. Nhiều nước đã thực hiện việc này. Điều quan trọng là cân nhắc mức phí một cách hợp lý để có sự đồng thuận của người dân.

Cho rằng việc thực hiện chính sách riêng cho Hà Nội là cần thiết, Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô một cách kịp thời.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội bày tỏ nhất trí cao với các cơ chế chính sách về tài chính – ngân sách dành cho Hà Nội. Với 02 nội dung khác biệt, đại biểu Hoàng Văn Cường làm rõ, việc cho phép Hà Nội sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dôi để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu thực chất là tiết kiệm chi thường xuyên để chi đầu tư. Đây là điều rất cần khuyến khích. Đối với cơ chế sử dụng ngân sách Thành phố hỗ trợ các địa phương khác thể hiện được tinh thần “cả nước vì Hà Nội và Hà Nội vì cả nước”.

Về cơ chế cho phép Hà Nội được hưởng tiền thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn thuộc các doanh nghiệp mà thành phố quản lý, ông Cường cho rằng, Luật Ngân sách cũng quy định. Quyết định này cũng thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý, khuyến khích để cổ phần hóa được giá trị nhiều hơn.

Đồng tình với việc ban hành các cơ chế, nhưng Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị cơ chế cho Hà Nội phải khác với chuyện xin nguồn lực. Do vậy cần phải đánh giá rõ ràng, bởi nếu không nguồn lực đổ về đây thì những chỗ khác bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần quan tâm hơn nữa trong huy động và phát huy nguồn lực, tiềm lực; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền và sự phấn đấu của người dân trong thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội của Hà Nội.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số các đại biểu đồng tình với việc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội để tạo động lực phát triển cho thành phố. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn chỉnh Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

Tạ Thành (tổng hợp)

Theo KTDU

Từ khóa: