Sự kiện hot
5 năm trước

Chính thực phê chuẩn Hiệp định EVFTA

Sáng nay, 8/6, 457 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (chiếm 94,6% tổng số đại biểu), đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Tại phiên họp có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán các nước Liên minh châu Âu tại Hà Nội. Trước đó, 30/6/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kí Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường Việt Nam để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam.


Quốc hội chính thức phê chuẩn Hiệp định EVFTA. (Ảnh: VGP).


EVFTA được cho là sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, khoảng 4,57-5,3% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 7,07-7,72% cho giai đoạn 5 năm sau đó.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhiều lần khẳng định, đối với Hiệp định EVFTA, lần đầu tiên chúng ta đạt tới tỉ lệ ưu đãi cao nhất trong số các đối tác thương mại của Việt Nam. Theo đó, ngay trong vòng 7 năm đầu tiên khi thực thi Hiệp định, việc cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam sang EU lên tới 97%.

Không những vậy, điều kiện cạnh tranh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong bối cảnh chung của thế giới mới vẫn đang tiếp tục toàn cầu hóa đồng thời đang phải đối mặt với rất nhiều biểu hiện của bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đơn phương trong các quan hệ thương mại và hệ thống chính trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, những thuận lợi về cải cách thế chế và cơ chế hợp tác song phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện để Việt Nam trở thành và khẳng định vị thế trung tâm của khu vực trong việc thu hút đầu tư để tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ, trình độ nguồn nhân lực, năng suất lao động. Thêm vào đó là những cơ hội tham gia vào tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng mới đang bị đứt gãy do Covid-19 và những tình huống mới trong bối cảnh chung của khu vực và toàn cầu.

Công nghệ, nguồn vốn tín dụng cũng như mở cửa thị trường của EU cùng với lao động và nền kinh tế của Việt Nam trong vị thế mới, đang có sức bật mới, tăng trưởng nhanh và bền vững sẽ cho phép chúng ta cộng hưởng để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng mà Việt Nam và EU đang kỳ vọng.

Hiện nay, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỉ USD, chiếm 22% GDP toàn cầu.

Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm.

Về đầu tư, EVFTA là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.

Hiệp định dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm.

Về thu ngân sách, dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỉ đồng, tuy nhiên tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỉ đồng giai đoạn 2020-2030.

Sáng nay, Quốc hội cũng sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) và Nghị quyết gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Huy Đức
Theo KTDU

Từ khóa: