Sự kiện hot
10 năm trước

Chợ Bến Thành nhộn nhịp hàng Tết

(ĐS&TD) - Dù trung tâm thương mại hiện đại hay các siêu thị lớn, nhỏ mọc lên ngày càng nhiều tại TP.HCM nhưng chợ Bến Thành vẫn chứng tỏ sức thu hút rất lớn, lượng khách đến chợ ngày một đông, đặc biệt là thời điểm giáp Tết.


Khách du lịch nước ngoài mua sắm tại chợ Bến Thành

Là một trong những chợ lâu đời và nổi tiếng, tọa lạc tại trung tâm Q.1, chợ Bến Thành được xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà lồng, có 4 cửa chính và 12 cửa phụ tỏa ra 4 hướng với các mặt hàng đặc trưng được phân bố theo khu vực. Hiện nay, chợ có nhiều đổi mới phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Danh mục, giá sản phẩm… cập nhật trên bảng điện tử

Gần đây, chợ Bến Thành được trang bị các bảng điện tử tại các cửa chính phục vụ nhu cầu truy cập mọi thông tin của người tiêu dùng. Trên bảng điện tử, khách hàng có thể tham khảo danh mục, giá sản phẩm, thông tin liên hệ của các sạp và sơ đồ chỉ dẫn đường đi đến sạp trong chợ... Điều này, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, dễ dàng so sánh giá giữa các sạp hoặc “search” những gì muốn tìm kiếm. Thêm nữa, người mua có thể biết được trong chợ có sản phẩm gì, sản phẩm nào được ưa chuộng, sản phẩm nào khuyến mãi, thậm chí, trong trường hợp… bị lạc người thân, khách hàng cũng có thể dễ dàng tìm thấy họ.

Đặc biệt, bảng điện tử còn cung cấp thông tin đường dây nóng (08) 66504545 để người tiêu dùng có thể phản ánh đến Ban Quản lý chợ giải quyết về giá cả sản phẩm và chất lượng phục vụ khách hàng.

Đa dạng nguồn hàng phục vụ Tết

Đến chợ Bến Thành, khách hàng cảm giác như lạc vào thiên đường mua sắm với đủ mặt hàng thực phẩm, quần áo, trang sức, vật dụng, quà lưu niệm, đồ điện tử, ẩm thực…

Những ngày cận Tết, các sạp thực phẩm khô bày bán đa dạng về chủng loại. Các loại bánh, kẹo dao động ở mức giá 100.000 - 200.000 đồng, mứt gừng giá 180.000 đồng/kg; mứt đu đủ 400.000 đồng/kg; mứt khoai lang 200.000 đồng/kg; me sấy, mứt tắc tầm giá 200.000 đồng/kg; mứt kiwi 250.000 đồng/kg; các loại hạt dẻ, hạt điều và hạt sen có giá 300.000 - 450.000 đồng/kg, hướng dương 80.000 đồng/kg... Ngoài các thực phẩm khô, chợ còn là nơi tập trung các loại mắm, ruốc, gia vị… Thực phẩm tươi sống như hải sản, rau quả tại đây cũng được khách hàng đánh giá cao về chất lượng.

Chợ Bến Thành thu hút khá đông khách du lịch nên mặt hàng lưu niệm được bày bán nhiều vô kể với đủ kiểu mẫu, màu sắc được làm từ vỏ ốc, vỏ dừa, gốm sứ, gỗ tre, tranh thêu, thổ cẩm… Tại các quầy lưu niệm, chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đồng, người tiêu dùng đã có món quà độc, lạ mua tặng người thân. Những món hàng thủ công từ vỏ ốc như gương soi loại nhỏ có nắp tùy mức độ tinh xảo, có giá từ 18.000 đồng - 50.000 đồng, những chiếc nhẫn ốc giá đắt hơn, có chiếc được niêm yết giá đến 200.000 đồng. Các loại tranh được làm từ nhiều vật liệu khác nhau cũng có giá cả khác nhau. Những bức tranh xếp giấy khá lạ mắt có giá tầm 150.000 đồng nhưng cũng có bức xếp giấy hình chiếc markbook, giá chỉ có 50.000 đồng. Lược, nhẫn, vòng tay làm từ sừng trâu có giá từ 150.000 - 250.000 đồng, chén làm từ vỏ dừa đẹp mắt giá chừng 40.000 đồng… Giá tiền triệu là những chiếc thuyền buồm làm bằng gỗ.

Hàng thời trang trong chợ cũng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách. Giá quần áo trong chợ cũng khá mềm, một bộ mặc nhà thương hiệu Bến Thành chỉ tầm 80.000 - 100.000 đồng/bộ. Với những khách thích tìm đồ đẹp, độc có thể lưu lại tại các sạp bán hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, mức giá cạnh tranh so với những nơi khác trong thành phố. Quần áo trẻ em có vô vàn kiểu mẫu và màu sắc, đặc biệt là những mẫu áo dài khăn xếp diện Tết. Ngoài ra, những sạp hàng bày bán vải vóc, giày dép cũng luôn nhộn nhịp khách ra, vào.

Sau những giờ dạo chợ mua đồ, khách hàng có thể dừng chân tại khu ẩm thực, thưởng thức đặc sản vùng, miền của đất nước như phở Hà Nội, bánh bèo Huế, hủ tiếu Mỹ Tho, chả giò, các món bún, bánh xèo…

Có thể trả giá dù đã niêm yết

Đến chợ Bến Thành nếu biết cách trả giá, khách hàng có thể mua được món hàng vừa ý lại rẻ hơn nơi khác. Phần lớn các gian hàng trong chợ đã niêm yết giá, tuy vậy, có hai lý do để người tiêu dùng nên trả giá khi mua hàng. Một là, mức giá niêm yết cao hơn giá thực, theo nhiều tiểu thương ở chợ, họ niêm yết mức giá cao dành cho khách nước ngoài còn với người Việt nếu trả giá, họ sẽ bán, thậm chí còn bán rẻ hơn giá niêm yết một nửa. Hai là, trả giá là cách để kiểm tra sạp có bán đúng giá niêm yết như thông báo không. Người mua có thể từ chối mua hàng để kiểm tra thái độ người bán, trong trường hợp người mua bỏ đi mà người bán không gọi lại thì đó là sạp bán hàng đúng giá niêm yết.

Ngoài ra, trong chợ cũng có một số ít sạp không niêm yết giá. Khi mua hàng ở những sạp này, người mua có thể trả giá ở mức 1/3 giá người bán đưa ra, ví như một chiếc nhẫn đá cẩm thạch người bán nói là 150.000 đồng, người mua có thể trả giá ở mức 50.000 đồng hoặc thấp hơn nữa, một đôi xăng đan giá 250.000 đồng do chủ sạp đưa ra, sau khi trả giá chỉ còn 130.000 đồng.

Để mua món hàng sát giá nhất, khách hàng có thể đi tham khảo giá ở nhiều sạp, thử trả giá xuống mức thấy phù hợp, nếu người bán không đồng ý, hãy giả vờ bỏ đi và trước khi thử sản phẩm nên hỏi người bán giá cùng chính sách đổi trả sản phẩm. Vì vậy, nếu không đủ kinh nghiệm, tốt nhất người mua không nên mua ở những sạp hàng không niêm yết giá.

Mua hàng… từ xa

Ngoài việc mua hàng trực tiếp tại chợ, người tiêu dùng có thể mua hàng online, đặt hàng giao tận nơi vì một số cửa hàng có uy tín đã tạo những trang web bán hàng điện tử cập nhật mặt hàng, giá cả cho khách hàng tham khảo trước khi đến chợ mua sắm.

Bên cạnh đó, sự bố trí gian hàng hợp lý, môi trường chợ sạch sẽ, nhiều người bán hàng biết ngoại ngữ, thái độ phục vụ thân thiện… cũng là những điểm cộng để lại ấn tượng tốt cho khách hàng.

Thúy Hồng

Từ khóa: