Sự kiện hot
9 năm trước

Chờ đợi chính sách tỷ giá linh hoạt hơn trước “cú sốc” Nhân dân tệ

Liên tục bị phá giá đồng tiền trong ba ngày liên tiếp, Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã giảm hơn 4,6%, ngay lập tức “bóng đêm” đã bao phủ lên thị trường tài chính toàn cầu. Chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài “cơn lốc” đó khi VN-Index mất đến 20,2 điểm (giảm 3,2%) đồng thời HNX-Index rơi 2,98 điểm (giảm 3,5%) trong ba ngày (11, 12 và 13/8).


Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Chiến/Vietnam+)

Quan sát bối cảnh thị trường, sự ổn định của Nhân dân tệ trước đây đã giúp dòng tiền tệ trong khu vực giảm bớt những lo ngại về sự mạnh lên của đồng USD. Nhưng nay, nguy cơ Nhân dân tệ liên tục bị suy yếu sẽ là áp lực giảm giá cho các đồng tiền châu Á khác.

Hiệu ứng domino theo đó cũng xảy ra, khi thị trường tiền tệ giảm giá sẽ kéo theo những tác động xấu đến thị trường chứng khoán. Cụ thể, trong ngày 11/8 thế giới đã chứng kiến sự “bốc hơi” của chỉ số công nghiệp Dow Jones tới 212,33 điểm, chỉ số S&P 500 bay mất 20,11 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 65,01 điểm. Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản “tuột tay” 87,94 điểm, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng chung "thảm cảnh" khi để rớt tới 35,96 điểm.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mối lo ngại rủi ro tỷ giá sẽ tác động đến các nhà đầu tư nước ngoài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn đổ vào thị trường. Hiệu ứng này đã tác động đến về tâm lý chung của giới đầu tư cũng như quyết định của các quỹ đầu tư nước ngoài trên thị trường.

Phá giá đến 4,6% (trong 3 ngày liên tiếp) là con số đáng kể. Theo giới phân tích, trước đây hàng hóa của Trung Quốc đã rất rẻ vì nhiều lý do. Nhưng bây giờ Trung Quốc phá giá thì chắc chắn sẽ làm cho hàng hóa xuất khẩu của họ lại còn rẻ hơn, nhờ đó hàng hóa Trung Quốc sẽ có năng lực cạnh tranh cao hơn so với mặt hàng của các nước khác, đặc biệt là của Việt Nam.

Về tác động đến các nhóm doanh nghiệp đang niêm yết, chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán MB (MBS) chỉ ra, việc Trung Quốc điều chỉnh tăng tỷ giá mạnh sẽ tạo áp lực điều chỉnh tỷ giá khá lớn đối với Việt Nam từ nay đến cuối năm. Giả thiết nếu Fed vẫn quyết định tăng lãi suất vào tháng Chín thì khi đó USD sẽ tiếp tục tăng giá, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có các khoản nợ nước ngoài bằng USD khi phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá cuối năm.

Bên cạnh những doanh nghiệp có khoản vay USD, các chuyên gia của MBS cũng quan ngại, khu vực doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu từ nước ngoài và khu vực doanh nghiệp phục vụ thị trường trong nước sẽ tiếp tục là những đối tượng chịu tác động lớn từ việc thay đổi tỷ giá, bởi sự gia tăng từ chi phí đầu vào. Việc điều chỉnh VND giảm giá so với USD cũng sẽ khiến VND giảm giá so với các ngoại tệ khác như Euro và yen, do vậy các công ty có các khoản vay bằng yen và Euro cũng có khả năng chịu tác động tiêu cực.

Ở chiều hướng ngược lại, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ trực tiếp và có kết hợp sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc điều chỉnh tỷ giá.

“Nhóm ngành ảnh hưởng bất lợi trong hoạt động thương mại là nhóm sản phẩm tiêu dùng, sắt thép, phân bón (cạnh tranh với hàng nhập từ Trung Quốc) và nhóm nông lâm thủy sản, khoáng sản, cao su xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngược lại, một số ngành gia công xuất khẩu có thể được hưởng lợi do giá nguyên vật liệu đầu vào giảm như dệt may, da giầy hoặc giá nhập giảm như kinh doanh xe tải,” nhóm nghiên cứu từ MBS chỉ ra.

Trước những phản ứng “mạnh tay” của giới đầu tư trên thị trường, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước Vũ Bằng khuyến cáo, việc phá giá đồng tiền Trung Quốc sẽ tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu, tuy nhiên trong lĩnh vực thị trường vốn, nếu Việt Nam có một chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt hơn thì thị trường có thể giảm bớt những ảnh hưởng.

“Xu thế quốc tế cũng cho thấy, trước động thái trên của Trung Quốc thì nhiều khả năng kế hoạch tăng lãi suất của Mỹ sẽ chậm lại. Theo đó, dòng tiền trong thị trường vốn sẽ mang đến những yếu tố tích cực đối với Việt Nam. Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi cho rằng bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực cũng có yếu tố khả quan và đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút tốt hơn dòng vốn nước ngoài, để thúc đẩy thị trường cũng như nền kinh tế trong nước,” ông Bằng nói.

Linh Chi
theo Vietnam+

Từ khóa: