Là một trong những biểu tượng đặc trưng của Huế, chợ Đông Ba là địa điểm tham quan không thể thiếu của du khách khi đến cố đô. Nhưng nay đến chợ Đông Ba, người ta lại... sợ hãi vì mất cắp, vì “chặt chém”.
Là một trong những biểu tượng đặc trưng của Huế, chợ Đông Ba là địa điểm tham quan không thể thiếu của du khách khi đến cố đô. Nhưng nay đến chợ Đông Ba, người ta lại... sợ hãi vì mất cắp, vì “chặt chém”.
Đạo chích “xuất quỷ nhập thần”
Tại chợ Đông Ba, du khách không chỉ tha hồ chọn mua hàng tiêu dùng, mà còn được khám phá những tinh tuý văn hoá vật chất của Huế, từ nón lá Phú Cam, đồ kim hoàn Kế Môn, dâu Truồi, chè Tuần, quýt Hương Cần, sen hồ Tịnh, hoa giấy Thanh Tiên… đến những món ăn truyền thống xứ Huế. Nhưng nhiều năm trở lại đây, ngôi chợ này là nỗi ám ảnh của hàng loạt du khách bởi đạo chích ở đây thực sự “xuất quỷ nhập thần”.
Lượng lớn du khách đến tham quan và mua sắm ở chợ Đông Ba mỗi ngày là “miếng mồi” béo bở của đạo chích và những tiểu thương hám lợi.
Tôi có anh bạn vong niên công tác ở Hà Nội thích du lịch miền Trung. Lần rồi vào Huế, chưa tham quan chùa chiền lăng tẩm nào, anh đã bắt tôi đưa đi chợ Đông Ba. Là người ghét đặt chân đến chợ búa, nên tôi chở anh đến rồi đứng đợi ngoài, để một mình anh vào. Trước khi anh vào, tôi đã cẩn thận hướng dẫn anh cách chống móc túi. Nhưng chỉ sau 5 phút vào chợ, anh đã hớt hải chạy ra, mặt xanh lét, hốt hoảng cho biết đã bị đạo chích khoắng sạch tài sản trong người. Tổng thiệt hại lên đến 20 triệu đồng, gồm 14 triệu đồng tiền mặt và một chiếc điện thoại đời mới.
Sau một lúc lấy lại bình tĩnh nhờ lời khuyên “của đi thay người” của tôi, anh lại ngớ người vì không hiểu tại sao trộm ở chợ Đông Ba lại có thể “xuất quỷ nhập thần” đến thế. Bởi, từ khi bước vào chợ cho đến khi mất của, tay của anh thường xuyên cầm chặt ví và điện thoại trong túi quần nhưng tài sản vẫn không cánh mà bay. Tuy nhiên, trường hợp của anh bạn tôi chưa thể hiện hết “đẳng cấp” của đạo chích chợ Đông Ba. Một người quen của tôi kinh doanh ở chợ này còn nhớ như in chuyện một ông du khách người Pháp bị trộm ở chợ móc túi lấy đi 5.000USD chỉ trong… một giây.
Lần đầu tiên đến Huế, ông khách này háo hức đến chợ Đông Ba để khám phá văn hóa Huế. Tại cổng chợ, ông gặp hai thiếu niên choai choai tóc nhuộm xanh đỏ xô nhau, một đứa ngã nhẹ vào người ông rồi bỏ đi. Ngay sau đó, ông kiểm tra ví tiền cất trong hai lớp áo thì tài sản đã không còn. Điều khiến ông kinh ngạc là tên đạo chích chỉ chạm vào người ông một giây và không gây ra chút động tĩnh nào.
Công nghệ hét giá
Người dân và du khách sợ chợ Đông Ba không chỉ bởi tình trạng đạo chích “xuất quỷ nhập thần”, mà còn bởi công nghệ hét giá của tiểu thương ở đây. Những người mua hàng thường xuyên ở chợ Đông Ba thường đúc kết cho mình kinh nghiệm: Chỉ trả giá từ 1/2-1/3 mức giá tiểu thương hô mới mua được hàng vừa giá. Nhưng những người dân và du khách chỉ đến chợ một - hai lần thì hầu hết không ai nắm được “quy luật” ấy. Vì vậy, việc họ phải mua hàng hóa với giá cắt cổ là chuyện không có gì lạ.
Sau lần đi chợ Đông Ba trong chuyến du lịch Huế dài ngày, chị Lê Thu Hoài ở TP. Hồ Chí Minh bảo sẽ “cạch” ngôi chợ này cho đến chết. Lần đó, sau khi khám phá những mặt hàng thủ công mỹ nghệ và thưởng thức những món ăn đặc sản Huế ở chợ, chị Hoài ghé quầy vải để lựa mua vải may áo dài. Chọn được mẫu vải ưng ý và được chủ quầy bớt cho 200 nghìn đồng trong tổng số 2 triệu đồng tiền vải với lý do là người mở hàng, chị Hoài phấn khởi lắm. Nhưng khi đưa vải đến một cửa hàng may mặc ở thành phố Huế, chị Hoài mới té ngửa khi biết mình đã bị “chặt chém” tơi tả.
Đạo chích chợ Đông Ba nhiều như... rươi và có đủ giới tính, lứa tuổi, nhưng chủ yếu là nam thanh -thiếu niên. Một ngày, chúng gây ra hàng chục vụ trộm, trong đó du khách là những “con mồi” béo bở.
|
|
Theo chủ cửa hàng may, số vải chị Hoài mua giá thực tế chỉ có 600 nghìn đồng và được người này bán ngay tại cửa hàng. Tiếc của, chị Hoài tìm đến quầy vải ở chợ hỏi cho ra nhẽ thì bị tiểu thương bán vải mắng như tát nước vào mặt. Người này bảo, chị Hoài chỉ là khách mua hàng một lần duy nhất nên việc bán số vải với giá gấp 3 lần là… bình thường! Lý lẽ kiểu “cả vú lấp miệng em” của chị tiểu thương khiến chị Hoài phải lủi thủi ra về.
Chuyện của chị Hoài chỉ là một trong số hàng trăm câu chuyện “chặt chém” khủng khiếp đã xảy ra với du khách và người dân đến chợ Đông Ba thời gian qua. Hầu hết người mua hàng bị “dính chưởng” đều mù mờ về thông tin giá cả, bị tiểu thương “mê hoặc” bằng cách hét giá trên trời rồi… giảm giá. Hậu quả là mỗi lần mua hàng ở chợ, khách bị thiệt hại từ vài trăm nghìn đến tiền triệu.
“Vết đen” của du lịch Huế
Thu hút 10.000 người đến mua sắm, tham quan mỗi ngày, trong đó 20% là du khách đến từ Thái Lan, Lào, Australia và các nước châu Âu, chợ Đông Ba không chỉ là trung tâm thương mại lớn, mà còn là một địa điểm du lịch hấp dẫn của Huế. Tuy nhiên, điểm du lịch này lại đang bị “bôi đen” bởi nạn đạo chích và “chặt chém” dai dẳng. Ông Nguyễn Minh - Phó ban Quản lý chợ Đông Ba cho biết, đối tượng trộm cắp ở chợ chủ yếu đến từ khu tái định cư 49 hộ ở phường Phú Hiệp (TP. Huế), từ các địa phương như Hương Trà, Quảng Điền và một số đối tượng ngoại tỉnh.
Cũng theo ông Minh, năm 2011, lực lượng bảo vệ chợ đã bắt và chuyển công an xử lý 8 đối tượng trộm cắp, nhưng đây chỉ là những đối tượng trộm cắp... không chuyên. Còn những đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp rất khó bắt giữ, dù lực lượng bảo vệ của chợ đã lên đến 50 người. Ban quản lý chợ cũng không thể thống kê cụ thể số người bị mất trộm ở chợ, bởi phần đa người bị trộm không báo vụ việc cho bảo vệ.
Ông Nguyễn Minh cũng thừa nhận tình trạng “chặt chém” người mua hàng ở chợ và cho biết Ban quản lý chợ đang giải quyết vấn nạn này bằng việc thực hiện lộ trình văn minh thương mại. Theo đó, các tiểu thương được tuyên truyền, vận động niêm yết giá hàng hóa và bán đúng giá, khách đến chợ cũng được tuyên truyền chỉ nên mua hàng có niêm yết.
Trao đổi với NTNN, ông Phan Cảnh Việt Cường - Trưởng phòng VHTTDL TP.Huế cho biết, mọi đoàn du khách đến Huế đều tham quan chợ Đông Ba nên chợ này đóng góp rất lớn đối với sự phát triển du lịch của thành phố. Nhận thức được điều này, trước đây chính quyền TP.Huế đã hợp tác với một số dự án triển khai xây dựng chợ Đông Ba lành mạnh, như ứng xử văn hóa, không có trộm cướp và không “chặt chém”, nhưng không mang lại hiệu quả.
Theo ông Cường, để giải quyết các vấn nạn đang tồn tại ở chợ, từ chính quyền thành phố cho đến công an, Ban quản lý chợ phải thường xuyên vào cuộc tuyên truyền, xử lý nghiêm khắc để đảm bảo an toàn cho du khách.
Theo Dan Viet