Sự kiện hot
11 năm trước

Chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi ngân sách

Tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường chống thất thu, triệt để thực hành tiết kiệm; bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết... là một trong nhiều nội dung quan trọng được các thành viên Chính phủ thảo luận tại phiên họp thường kỳ tháng 11.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 ngày 2/12. Ảnh: Thảo Nguyên

Dự báo CPI thấp hơn 6,81%

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2013 cũng là thời điểm quan trọng sau khi Quốc hội kết thúc kỳ họp thứ 6 và thông qua nhiều chính sách rất quan trọng, có những chính sách mang tính lịch sử, trong đó có phần kinh tế - xã hội của năm 2013.

Phiên họp này, Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2013 có những chuyển biến, đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm pháp được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 thăng 0,34%; 11 tháng tăng 5,5% là mức tăng thấp trong 10 tháng qua. Dự báo CPI năm 2013 có khả năng thấp hơn năm 2012 (6,81%).

Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt trên 121 tỷ USD, tăng 16,2%; nhập khẩu ước đạt 121,12 tỷ USD tăng 16,5% so với cùng kỳ. Nhập siêu 11 tháng khoảng 96 triệu USD. Vốn FDI đăng ký đạt gần 21 tỷ USD, tăng 54,2%; thực hiện đạt gần 10,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 11 tháng ước đạt 85,6% dự toán, tăng 10%; chi NSNN đạt 88,6% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,7%; 11 tháng tăng 5,6%. Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh, tháng 11 tăng 8,4%, 11 tháng tăng 7,1%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủ sản, tuy chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ nhưng vẫn ổn định.

Tình hình phát triển doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới 11 tháng ước tăng 9,5% và có khoảng 12,7% nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh….

Người Phát ngôn của Chính phủ Bộ trưởng nhấn mạnh: “Từ những con số đó, chúng ta có thể hình dung ra nỗ lực trong sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp, đặc biệt là của nhân dân, doanh nghiệp, nỗ lực vượt mọi khó khăn để làm nên kết quả đó. Đó là tín hiệu đáng mừng”.

Phấn đấu hoàn thành kế hoạch ngân sách năm 2013

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn. Lạm phát vẫn tiềm ẩn rủi ro tăng trở lại; nợ xấu xử lý chưa được tốt, chưa đúng kế hoạch đề ra. Tình hình tai nạn giao thông (số người chết tăng 0,7%) và các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Thiên tai, bão lũ liên tiếp vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Tổng thiệt hại do bão lũ lên đến 28 nghìn tỷ đồng. 

“Chúng ta đã kết hợp rất nhiều biện pháp để kiềm chế, kéo giãn nhưng đến giờ phút này vẫn chưa an lòng. Điều đó nói lên, những người điều hành, quản lý, và tất cả chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa để khắc phục khó khăn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp phải tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tài khóa, thị trường giá cả để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; trong đó cần chú ý vào thời điểm cuối năm và đầu năm có thể xảy ra những yếu tố gây tăng giá đột biến; tăng cường chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi; phấn đấu hoàn thành kế hoạch NSNN năm 2013 theo dự toán đã được duyệt.

Tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết; trong đó chú trọng quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá lương thực, thực phẩm và nhu cầu giao thông đi lại và trật tự an toàn xã hội trong dịp Tết, nhất là tại các địa phương.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã đề ra; rà soát và hỗ trợ đồng bào các vùng bị thiên tai, lũ lụt, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân ở các vùng này. Các ngành, các cấp chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân... Tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tăng cường phòng chống cháy nổ, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn trọng điểm.

Thảo Nguyên
theo GĐ&XH

Từ khóa: