Đến bây giờ, “ăn gì để không chết” không còn là câu hỏi của riêng các bà nội trợ. Vấn đề thực phẩm bẩn đang làm “nóng” nghị trường Quốc hội.
Sau khi thông tin 10 tấn chất tạo nạc đang được sử dụng trong chăn nuôi mà báo ĐS&PL đã phản ánh thì nhiều ĐBQH phải nói trong đau đớn: “Nhiều người Việt đang tự hủy hoại giống nòi”.
Khoảng trống trong quản lý!
Bộ NN&PTNT khẳng định trong năm 2015, bộ Y tế đồng ý cho 20 doanh nghiệp nhập hơn 9 tấn chất tạo nạc nhưng chỉ sử dụng đúng quy định 10kg.
Theo tính toán, mỗi kg chất tạo nạc nguyên chất sẽ được pha với 100 tấn thức ăn chăn nuôi. Như vậy, với 6 tấn chất cấm đang trôi nổi ngoài thị trường sẽ có khoảng 600.000 tấn thức ăn cho heo có chứa chất cấm.
Lượng thức ăn này đủ để “tạo nạc” cho 6 triệu con heo, chiếm trên 20% tổng đàn heo của Việt Nam hiện nay. Thông tin này đã khiến dư luận dậy sóng. Không biết bao nhiêu gia đình đã ăn phải thực phẩm nhiễm hóa chất tạo nạc, hóa chất gây ung thư này.
Ảnh minh họa: Kiến Thức
Tuy nhiên, sau đó, cục Quản lý Dược (bộ Y tế) đã lên tiếng khẳng định, số lượng hơn 9 tấn chất tạo nạc được nhập khẩu để làm thuốc và không có chuyện sử dụng đúng mục đích chỉ 10kg trong bào chế thuốc chữa bệnh.
Dư luận từng nóng khi thắc mắc, số còn lại đi về đâu? Trong khi hai Bộ còn tìm được “tiếng nói chung” thì thứ hóa chất “giết người” này vẫn đang âm thầm len lỏi, đầu độc người dân. Đó là còn chưa kể đến rau muống, su su được trồng bằng chất kích, sầu riêng “tắm” hóa chất để chín nhanh, tươi lâu hay tôm tiêm hóa chất để tăng trọng lượng... mà báo ĐS&PL đã nhiều lần lên tiếng phản ánh.
Cần sự vào cuộc ngay từ địa phương
Chưa kỳ họp Quốc hội nào, vấn đề thực phẩm bẩn lại được các ĐBQH quan tâm như kỳ họp lần này. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ĐBQH Trần Ngọc Vinh (đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng) cho rằng, đang có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.
Rõ ràng, ai cũng nhận thấy, thực phẩm bẩn tràn lan rất nguy hiểm đối với đời sống của nhân dân. Mỗi gia đình Việt Nam rất lo ngại vấn đề an toàn khi ăn, đặc biệt các thực phẩm bẩn gây ung thư, bệnh hiểm nghèo, làm tiêu tốn tiền bạc. Vấn đề thực phẩm bẩn đang hàng ngày ảnh hưởng tới giống nòi của Việt Nam.
Vị ĐBQH đoàn TP.Hải Phòng cũng khẳng định, hiện nay, trong quản lý Nhà nước đối với thực phẩn bẩn cần có cơ chế rõ ràng, tránh mập mờ, rồi đùn đẩy trách nhiệm. Ví dụ, bộ Công thương quản lý xuất nhập khẩu chịu trách nhiệm không được nhập các chất cấm để sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt.
Bộ NN&PTNT sẽ có quy định hệ thống xác định rau sạch, thực phẩm sạch. Bộ Y tế khi được nhập các hóa chất để phục vụ cho ngành của mình không được để thất thoát ra thị trường như các chất tạo nạc vừa qua.
Còn nếu không kiểm soát được, Chính phủ phải quy rõ trách nhiệm của bộ ngành nào và truy trách nhiệm đến cùng. Còn hiện nay, quản lý của chúng ta thì chỉ quản lý được phần ngọn thôi.
Cũng trả lời PV báo ĐS&PL bên hành lang Quốc hội về chất tạo nạc, ĐBQH Đinh Xuân Thảo (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng, hiện nay, trong số liệu “vênh” nhau về chất tạo nạc giữa hai bộ cần phải được làm rõ chứ không thể để chìm xuồng rồi người dân lãnh đủ. Trong việc này, phải kiểm tra nhập có phép hay nhập lậu.
Nếu nhập lậu thì vi phạm rõ rồi, còn nếu nhập có phép thì cần phải làm rõ có đúng mỗi năm nhu cầu chỉ cần khoảng 10kg chữa bệnh hay không, số còn lại đang ở đâu. Chứng minh được có tình trạng cấp tràn lan thì phải quy trách nhiệm cho người cấp phép và có biện pháp xử lý nghiêm. “Rõ ràng nếu thông tin báo chí đăng tải gần 10 tấn chất tạo nạc nhập về với giá rẻ rồi bán ra với giá đắt đỏ như vậy là một vấn đề nghiêm trọng. Chính vì vậy, không thể có chuyện đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ, ngành”, ĐBQH Đinh Xuân Thảo nói.
Chống thực phẩm bẩn không thể chống từ “ngọn”!
Theo ĐBQH Trần Ngọc Vinh, “riêng vấn đề an toàn thực phẩm có đến 3 Bộ cùng kiểm soát: bộ NN&PTNT, bộ Y tế, bộ Công thương nhưng vẫn không ngăn chặn được vấn nạn thực phẩm bẩn. Căn nguyên chúng ta đang chống thực phẩm bẩn từ “ngọn”. Theo tôi cần thiết phải giao trực tiếp cho các địa phương, cụ thể đến tận thôn, làng trực tiếp quản lý. Bởi, ông trưởng thôn ông mới biết gia đình nào chăn nuôi bẩn, trồng rau bẩn”. |
Trinh Phúc - Văn Chương
theo ĐSPL