Sự kiện hot
10 năm trước

Chủ cửa hàng "kêu trời" vì Parkson Landmarks đóng cửa giữa đêm

Nhiều đồn đoán sau thông tin Công ty TNHH Parkson Hà Nội đóng cửa trong đêm. Tuy nhiên, sau sự vụ này đối tượng bị cho là thiệt thòi nhất vẫn là các chủ hàng vì đang là cao điểm kinh doanh dịp Tết.

Lỗ hay có “nội tình”

Lý giải về việc dừng hoạt động tại Keangnam (Hà Nội), đại diện Parkson cho biết quyết định này chỉ là tạm thời và không ảnh hưởng tới các trung tâm thương mại khác tại Việt Nam.

Ông Tiang Chee Sung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Parkson Hà Nội  cho biết sau nhiều lần cân nhắc phương án khác nhau về hoạt động kinh doanh tại tòa nhà Keangnam Landmark 72, đơn vị này đã quyết định "tạm thời đóng cửa". Nguyên nhân do nhiều vấn đề phát sinh chưa được giải quyết thỏa đáng trong một thời gian dài giữa chủ tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark 72 và Parkson.

Tuy nhiên, phía đại diện Keangnam lại phủ nhận việc Parkson cho rằng có mâu thuẫn giữa 2 bên. Vì việc đóng cửa trung tâm thương mại là do Parkson đơn phương thực hiện, trong khi thời hạn hợp đồng giữa 2 bên vẫn còn.


Parkson Lanmarks chỉ còn lại biển hiệu.

"Chúng tôi chỉ biết chuyện Parson đóng cửa khi các hộ kinh doanh đang rục rịch chuyển hàng ra bên ngoài trong đêm 2/1. Vì vậy, chúng tôi phải tiến hành các biện pháp nhằm kiểm soát an ninh. Lý do họ đóng cửa qua xem thông báo của họ tới các hộ kinh doanh là "làm ăn không thuận lợi", vị đại diện này cho biết.

Hiện tại Keangnam và Parson vẫn đang làm việc về vấn đề Parkson đột ngột yêu cầu chủ các gian hàng dọn đồ trong đêm. Phía Kangnam cho biết, họ rất thiện chí nếu Parson mở cửa Trung tâm thương mại trở lại vì là doanh nghiệp, Keangnam cũng rất cần khách hàng. Nếu sau này Par không hoạt động trở lại nữa, Kangnam mới có kế hoạch tìm kiếm khách hàng khác. 

Khổ chủ quầy

Chị Nguyễn Thị Hằng Nga, toàn nhà Kangnam, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội than thở: “Chị tôi thuê một gian ở Trung tâm thương mại Parson Kangnam bán hàng. Ngày 25/12, vừa đánh một lô hàng lớn về để bán phục vụ Tết đùng một cái họ yêu cầu dọn hàng. Tết đến nơi mà phải nghỉ kinh doanh có khác nào bị treo niêu”.

Chịu thiệt hại khá lớn khi trung tâm thương mại Parson đột ngột đóng cửa, anh Nguyễn Văn Đính, quản lý siêu thị Citimart tại đây cho biết: “Chúng tôi chỉ nhận được thông báo 2 ngày trước hạn chót. Trong khi đó công ty anh thuê  diện tích sàn lớn tới hơn 1.000 m2, hàng hóa trị giá khoảng 10 tỷ đồng, công ty phải huy động nhân viên ở các siêu thị khu vực khác sang dọn hàng, trầy trật suốt 5 ngày mới dọn gần xong”.

Trong khi đó, hợp đồng thuê thuê mặt bằng giữa siêu thị Citimart  với Parkson là 5 năm, đến giữa năm 2016 mới hết hạn. Ngoài ra, giá thuê đang được tính cho từng m2 mặt sàn. Theo hợp đồng 2 năm, nếu doanh thu đạt mức cao nhất định sẽ tính thêm vào giá thuê. Quá bức xúc vì thiệt hại do đóng cửa đột ngột này của Parson, vị đại diện này đang liên tục tìm cách liên hệ với lãnh đạo Parkson mà không được.

Anh Nguyễn Văn Đính bức xúc: “Không chỉ lo chuyển hàng, thiệt hại về kinh tế mà chúng tôi còn lo thu xếp chỗ làm mới cho hơn 100 nhân viên bán hàng, nhất là chỉ còn hơn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán, nhân viên rất càn có việc làm ổn định để sắm Tết”.

Nhiều chủ gian hàng phỏng đoán việc đóng cửa bất ngờ trung tâm thương mại này bắt nguồn từ nguyên nhân thua lỗ của đơn vị quản lý. Điều này cũng phần nào được thể hiện tại báo cáo tài chính ảm đạm trước đó của Parkson về mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.

Kỳ Anh
theo GĐ&XH

Từ khóa: