Doanh nghiệp đang gánh khoản lỗ lũy kế 355 tỷ đồng có khả năng sẽ làm giảm vốn chủ sở hữu (750 tỷ đồng) nếu như doanh nghiệp vẫn không cải thiện được tình hình kinh doanh.
RIC tiền thân là Công ty Liên doanh TNHH Quốc tế Hoàng Gia, là liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam. Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 1994, theo hình thức liên doanh giữa Công ty Kinh doanh Xuất nhập khẩu Hồng Gai và đối tác ngoại là ông Juan Cheng I (ông Nguyễn Chính Nghĩa – quốc tịch Đài Loan). Trong đó, phía Việt Nam góp 3,75 triệu USD, tương đương 25% vốn, bằng giá trị quyền sử dụng 8,6ha đất, 8ha bãi cát bờ biển và 10,8ha mặt nước tiếp giáp bờ biển. Phía đại diện nước ngoài góp 11,25 triệu USD bằng tiền.
Năm 2007, Bộ Tài chính đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại RIC về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Về phía nhà đầu tư ngoại, ông Nguyễn Chính Nghĩa sau đó đã chuyển nhượng 52,49% cổ phần RIC cho Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Khải Tiệp.
Hoạt động chính của doanh nghiệp là xây dựng và kinh doanh một khu khách sạn 5 sao, khu biệt thự 112 phòng, điểm vui chơi có thưởng dành riêng cho người nước ngoài và các dịch vụ vui chơi giải trí kèm theo tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Hiện tại, cổ đông lớn nhất của RIC là Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Khải Tiệp với 52,49%. Ngoài ra, công ty còn 2 cổ đông cá nhân lớn trong nước là ông Lê Quốc Thắng nắm 8,53% và ông Trần Xuân Hùng nắm 5%.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu RIC được liệt kê vào danh sách những doanh nghiệp sở hữu ngành nghề "độc, lạ" với việc vận hành sòng bài Casino duy nhất tại Quảng Ninh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp quản lý một chuỗi khách sạn, khu vui chơi tại Quảng Ninh, trong đó có khách sạn 5 sao Royal Hạ Long.
Sau chuỗi liên tiếp thua lỗ, vừa qua, RIC đã công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với tình hình kinh doanh không mấy khả quan. Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần ghi nhận đạt 27 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước 13,8 tỷ đồng. Giá vốn cao hơn doanh thu đạt mức 33 tỷ đồng khiến doanh nghiệp báo lỗ gộp 5 tỷ đồng.
Kinh doanh dưới giá vốn kèm theo là các chi phí tăng mạnh như chi phí bán hàng 3 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 9 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế ở mức 18 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 21 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, mặc dù doanh thu thuần của RIC tăng trưởng 11% so với cùng giai đoạn 2020 lên 55 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ sau thuế 45 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm ngày 30/6, tài sản của RIC đạt 889 tỷ đồng, giảm 52 tỷ so với hồi đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 62% chỉ còn 12.3 tỷ đồng. Về nguồn vốn, nợ phải trả chiếm 140 tỷ đồng. Dù vậy, doanh nghiệp đang gánh khoản lỗ lũy kế 355 tỷ đồng có khả năng sẽ làm giảm vốn chủ sở hữu (750 tỷ đồng) nếu như doanh nghiệp vẫn không cải thiện được tình hình kinh doanh.
Đáng chú ý, doanh nghiệp kinh doanh không mấy hiệu quả trong thời gian qua, thậm chí phải nói là khó khăn. Nhưng diễn biến của cổ phiếu RIC trên thị trường chứng khoán từng thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư với chuỗi tăng trần 34 phiên liên tiếp, kéo dài từ ngày 11/1 – 4/3/2021.
Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh, thị giá mã cổ phiếu này ngay lập tức rơi vào chu kỳ giảm sàn sâu, nhưng thị giá hiện tại của RIC vẫn ở mức 18.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp 3,6 lần so với đầu năm.
Hà My
Theo KTDU