Sự kiện hot
7 năm trước

Chủ tịch ECB: Chủ nghĩa bảo hộ gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu

Phát biểu hôm thứ Sáu (25/8) tại cuộc họp thường niên quan chức các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole, Wyoming, Chủ tịch Ngân hàng châu Âu (ECB) Mario Draghi cho biết kinh tế toàn cầu đang ngày càng ổn định, nhưng việc ủng hộ chính sách chủ nghĩa bảo hộ sẽ gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với sự tăng trưởng.

Chủ tịch ECB: Chủ nghĩa bảo hộ gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Nguồn: CNBC

“Chỉ tăng trưởng tiềm năng cao hơn mới có thể mang đến một giải pháp bền vững. Rõ ràng, để thúc đẩy một nền kinh tế toàn cầu năng động, chúng ta cần phải chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta cần phải xác định cách tốt nhất để đối phó với nó”, ông nói.

Phát biểu của ông được đưa ra tại thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc kỹ lưỡng các thỏa thuận thương mại của Mỹ trên toàn thế giới, nhằm giảm thâm hụt thương mại và đưa ra các điều kiện có lợi hơn cho các nhà sản xuất của Mỹ.

Theo ông Draghi, để thúc đẩy kinh tế toàn cầu cần phải chuẩn bị đối phó với những thách thức về tình trạng già hóa dân số và nguồn lực công hạn chế. Ông cho biết, vào năm 2025, sẽ có 35 người từ 65 tuổi trở lên trong số 100 người ở độ tuổi lao động ở các nền kinh tế phát triển lớn, so với 14 người năm 1950. Cùng với đó, mức nợ công tại những quốc gia này đã tăng từ 56% GDP vào năm 2007 lên khoảng 87% GDP ở thời điểm hiện tại.

Nói về quy định trong hệ thống ngân hàng, ông cho biết không bao giờ là thời điểm thích hợp để nới lỏng các quy định, vì nó có thể tạo ra động lực khiến rủi ro cao hơn.

“Ngược lại, chế độ quy định mạnh mẽ mà chúng ta đang có đã cho phép các nền kinh tế chịu đựng lãi suất thấp trong một thời gian dài mà không gây ra tác động phụ đáng kể nào tới sự ổn định của thị trường tài chính, điều quan trọng để ổn định nhu cầu và lạm phát trên toàn thế giới. Với chính sách tiền tệ toàn cầu mở rộng, các nhà hoạch định chính sách nên thận trọng với việc kích thích lại những động cơ gây ra khủng khoảng tài chính”, ông Draghi nói.

Những nhận xét này được đưa ra theo sau bài phát biểu trước đó vài tiếng của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen, khi bà cho biết hệ thống ngân hàng hiện đã an toàn hơn 1 thập kỷ trước, thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chỉnh. Tuy nhiên, một số điều chỉnh về quy định vẫn cần thiết phải thực hiện.

Bà Yellen cảnh báo các cuộc khủng hoảng trong tương lai là không thể tránh khỏi nhưng sự sụp đổ của thị trường nhà đất đã mang lại những bài học quý giá.

“Những sự kiện của cuộc khủng hoảng đòi hỏi giải pháp, nhiều cải cách cần thiết được triển khai, và những cải cách đó giúp hệ thống an toàn hơn”, bà Yellen nói.

Bà cũng bác bỏ lập luận rằng các quy định ngăn chặn hoạt động của ngân hàng, nhấn mạnh rằng yêu cầu về vốn hóa cao hơn thực sự đã thúc đẩy tăng trưởng.

Về phản ứng của Fed đối với cuộc khủng hoảng, bà chỉ ra sự cần thiết của các chương trình cứu trợ đối với tình trạng sụp đổ thanh khoản trên phố Wall và nhấn mạnh về hiệu quả của những quy định mới, như cải cách của đạo luật Dodd-Frank.

Tuy nhiên, bà cho biết Fed sẽ tiếp tục đánh giá lại để xem quy định nào mang lại hiểu quả và điều gì cản trở sự phát triển của hệ thống.

Lyly Cao
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: