Thanh tra Chính phủ vừa công bố dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN.
Thanh tra Chính phủ vừa công bố dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN.
Một quy định mới rất đáng lưu ý là trình tự, thẩm quyền tạm đình chỉ công tác đối với người có dấu hiệu tham nhũng.
Bất động sản luôn là tài sản khó kiểm soát và ít khi được tự kê khai.
Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh.
Tạm đình chỉ không quá 30 ngày
Theo dự thảo, việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau: Có yêu cầu của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát; tố cáo, phản ánh về tham nhũng có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có căn cứ để tiến hành xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng; qua công tác tự kiểm tra phát hiện cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng; qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát hiện cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước hoặc thi hành công vụ.
Về thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác, quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với Thứ trưởng và các chức vụ tương đương, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh và cán bộ, công chức, viên chức do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp bổ nhiệm.
Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trong thời gian Quốc hội không họp thì trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác, quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác, quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện...
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày phát hiện cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan tham nhũng hoặc khi nhận được yêu cầu của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức ra quyết định tạm đình chỉ công tác, quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức đó để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
Thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 30 ngày...
Được hưởng 50% lương
Trong thời gian tạm đình chỉ công tác để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng, cán bộ, công chức, viên chức vẫn được hưởng 50% của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không có hành vi tham nhũng thì được truy lĩnh 50% còn lại trong thời gian tạm đình chỉ công tác và được trở về vị trí việc làm cũ.
Thanh tra Chính phủ cũng đã hoàn thiện dự thảo Nghị định về minh bạch tài sản và thu nhập. Dự thảo nghị định lần này đề cao hơn nguyên tắc tự kê khai, tự chịu trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai.
Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải tự xác định tài sản, giá trị tài sản phải kê khai và tự chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình. Tài sản phải kê khai được xác định theo giá gốc.
Hà Nhân
theo Tiền phong