Nỗi đau để lại sau vụ cháy xưởng bánh kẹo khiến 8 người chết, 2 nạn nhân nguy kịch tại Hoài Đức (Hà Nội) là không thể đong đếm được. Những người có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước hậu quả thảm khốc này.
Như Báo Gia đình và Xã hội đưa tin, vụ hỏa hoạn xảy ra vào 10h30 ngày 29/7 tại xưởng sản xuất bánh kẹo rộng 170m2 của gia đình anh Trần Văn Được (SN 1992, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội).
Đám cháy bùng phát dữ dội sau một thời gian khá ngắn. Có 9 người đã kịp thoát ra bên ngoài đám cháy nhưng còn một số người vẫn mắc kẹt bên trong.
Tiếp nhận tin báo, cơ quan chức năng đã khẩn trương điều động 7 xe cứu hỏa, 1 máy bơm nước và các thiết bị cứu nạn tới hiện trường. Đám cháy được dập tắt hoàn toàn sau 3 giờ đồng hồ. Hậu quả của vụ hỏa hoạn khiến 8 người chết, 2 người bị thương nặng hiện đang được cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia.
Nguyên nhân bước đầu vụ hỏa hoạn được cơ quan chức năng xác định do bất cẩn, thợ hàn xì làm bắn tia lửa điện vào trần gác xép được ghép bằng xốp và gây cháy.
Hiện cả chủ xưởng cùng thợ hàn xì tên Kiều Tiến Vinh đã bị Cơ quan điều tra CATP Hà Nội tạm giữ để phục vụ cho công tác điều tra.
Hiện trường vụ cháy xưởng khiến 8 người chết, 2 người nguy kịch ở Hoài Đức. Ảnh: N.Thuyết
Liên quan tới vấn đề pháp lý của vụ cháy, trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, luật sư Trần Văn Lý (Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Phúc) bày tỏ quan điểm: Hiện tại, cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận điều tra cuối cùng, chính vì vậy ở thời điểm này việc xác định trách nhiệm pháp lý đối với những cá nhân liên quan chỉ có thể dựa vào những thông tin ban đầu.
Trước tiên, đối với cá nhân anh Trần Văn Được (chủ xưởng nơi xảy ra hỏa hoạn), theo thông tin báo chí đưa, số lao động tử vong và bị thương khi đang làm việc tại xưởng đều không có hợp đồng lao động. Về vấn đề này, chủ cơ sở đã vi phạm Bộ luật Lao động. Cụ thể, Điều 16, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Hợp đồng lao động phải phải được giao kết bằng văn bản, đối với các công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng, các bên có thể giao kết bằng lời nói. Về mức phạt, thể hiện rõ tại Khoản 4, Điều 1, Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 1-10 lao động.
Bên cạnh vấn đề sử dụng lao động, xưởng sản xuất bánh kẹo của gia đình anh Được không đảm bảo các quy định về phòng chống cháy nổ. Ở trường hợp này, chủ xưởng sẽ bị xử lý về hành vi, vi phạm hành chính về phòng cháy chữa cháy quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Tùy thuộc vào vi phạm cụ thể, chủ cơ sở sản xuất có thể bị xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 5.000.000 đồng cùng biện pháp khắc phục hậu quả.
Mặt khác, chủ cơ sở nơi xảy ra hỏa hoạn còn có thể bị xem xét về hành vi đảm bảo an toàn lao động. Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ cấu thành tội phạm, chủ cơ sở có thể bị truy tố về hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động theo Điều 227, Bộ luật Hình sự.
Trong khi đó đối với cá nhân người thợ hàn xì, nếu nguyên nhân dẫn tới vụ cháy đúng như kết quả ban đầu được cơ quan chức năng đưa ra thì người này sẽ bị xử lý về tội “'Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy' theo Điều 240 Bộ luật Hình sự quy định:
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm'.
Về việc áp dụng Khoản nào của Điều 240 BLHS đối với người vi phạm thì phải chờ kết luận chính thức của CQĐT.
Bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm hình sự, thì người vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân theo quy định. Và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ việc này được xác định theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trường hợp, thợ hàn là người lao động đi làm thuê thì chủ sử dụng lao động phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong vụ việc này.
Trường hợp, thợ hàn là người trực tiếp nhận và tự thực hiện công việc thì thợ hàn là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
X.Thắng
Theo GĐ&XH